Báo Điện tử Gia đình Mới

Thiếu iốt là giảm gần 50% khả năng mang thai ở phụ nữ

Theo một nghiên cứu mới công bố tại Mỹ cho biết, những phụ nữ thiếu iốt giảm 50% khả năng mang thai so với những phụ nữ bình thường.

down-thieu-iot

Để đưa ra được phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 501 phụ nữ cố gắng thụ thai trong vòng hơn 5 năm, từ 2005 đến 2009. Họ bắt đầu bằng cách thu thập mẫu nước tiểu của những người tham gia để xét nghiệm iốt.

Những người tham gia báo cáo đầy đủ các yếu tố rủi ro dẫn đến vô sinh và trong vòng 12 tháng sau đó, họ phải viết nhật ký hàng ngày cũng như sử dụng máy theo dõi sản khoa để ghi lại giờ giao phối và rụng trứng.

Họ cũng làm các xét nghiệm mang thai tại nhà để xác định có thai và chu kỳ kinh nguyệt.

Nhóm nghiên cứu phát hiện 44% các mẫu nước tiểu thiếu iốt. Gần ¼ số người tham gia nằm trong nhóm thiếu iốt từ trung bình đến nghiêm trọng, với hàm lượng iốt trong máu dưới một nửa chỉ số được khuyến cáo.

Người đứng đầu nghiên cứu, TS James Mills của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Sự phát triển con người Eunice Kennedy Shriver ở Bethesda, Maryland (Mỹ) cho biết: ‘Phát hiện của chúng tôi có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi hiện tượng thiếu iốt ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng rất phổ biến ở phụ nữ và có thể giảm khả năng mang thai lên đến gần 50% trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.’

Phụ nữ có thai và cho con bú được khuyến cáo uống bổ sung 150 microgram iốt/ngày

Phụ nữ có thai và cho con bú được khuyến cáo uống bổ sung 150 microgram iốt/ngày

Iốt đóng vai trò quan trọng với sự phát triển não bộ trong thai kỳ nhưng các nghiên cứu trước đó ở Mỹ cho thấy, khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có hàm lượng iốt trong máu dưới mức tiêu chuẩn 100 microgam/lít.

Các hướng dẫn sức khỏe hiện nay ở Mỹ khuyến khích phụ nữ có thai và cho con bú sử dụng thực phẩm chức năng chứa 150 microgam iốt nhưng chưa có hướng dẫn nào dành riêng cho phụ nữ muốn có con.

Theo TS Sarah Bath của Đại học Surrey ở Anh, rất khó để các bác sỹ có thể đưa ra lời khuyên cho phụ nữ về mức độ iốt, xét nghiệm và thực phẩm chức năng.

Hiện chưa có cách đánh giá hàm lượng iốt ở mỗi người. Xét nghiệm được sử dụng trong nghiên cứu này chỉ có thể áp dụng với những nhóm lớn. 

Nghiên cứu cũng chưa xem xét tác dụng của thực phẩm chức năng bổ sung iốt đối với việc thụ thai mà chỉ so sánh một nhóm phụ nữ thiếu iốt và một nhóm có lượng iốt bình thường.

Các nghiên cứu trong tương lai cũng cần xem xét mối quan hệ giữa iốt và các khía cạnh khác của việc sinh sản, ví dụ như các bệnh về tuyến giáp và sự phát triển của thai nhi.

Tại sao I-ốt lại quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản?

I-ốt rất cần thiết cho việc sản sinh ra nội tiết tố giáp trạng, một hooc-môn rất quan trọng trong việc trao đổi chất và phát triển.

Iốt đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trước khi thụ tinh và trong 16 tuần đầu của thai kỳ để đảm bảo não bộ trẻ phát triển khỏe mạnh.

Chuyện gì xảy ra khi thiếu iốt?

Thiếu iốt dạng nhẹ gây mệt mỏi, tăng cân, đau mỏi cơ bắp, giòn móng tay và khô da. Hiện tượng này kéo dài có thể khiến việc sản sinh hoocmon giáp suy giảm hoặc chấm dứt, trầm trọng hơn dẫn đến bướu cổ.

Đặc biệt, iốt rất quan trọng trong thai kỳ, phát triển não bộ, khung xương và hệ trao đổi chất khỏe mạnh của thai nhi.

Trong 14 – 16 tuần đầu thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp hoocmon giáp của người mẹ.

Nếu người mẹ thiếu iốt và nội tiết tố này trước khi thụ thai và trong thai kỳ, trẻ dễ có nguy cơ thiểu năng trí tuệ hoặc thậm chí là mắc chứng đần độn.

Bổ sung iốt vào khẩu phần ăn như thế nào?

Cơ thể chúng ta không thể sản sinh iốt, vì vậy chúng ta cần bổ sung nó vào khẩu phần ăn, chủ yếu qua sữa và các sản phẩm từ sữa, cá trắng, hải sản và các loại muối có iốt.

Phụ nữ có thai có nên uống bổ sung thực phẩm chức năng chứa iốt không?

Liều dùng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dành cho phụ nữ ở những nước không sử dụng muối iốt là 120µg/ngày với những người bình thường và  250µg/ngày trong giai đoạn mang thai và cho con bú.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên phụ nữ không nên uống viên tảo biển vì có thể dẫn đến thừa iốt rất nguy hiểm.

Tình trạng thiếu iốt ở phụ nữ Việt Nam

Bệnh thiếu iốt có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Việt Nam

Bệnh thiếu iốt có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực nhiều để cung cấp i-ốt cho toàn dân bằng cách áp dụng chiến lược tăng cường i-ốt vào toàn bộ muối. Kết quả là, hơn 90% các hộ gia đình được sử dụng muối iốt đầy đủ từ năm 2005 -2006.

Mức iốt niệu trung vị của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là đủ và tỷ lệ mắc mới bướu cổ trong trẻ em trong độ tuổi đi học là thấp hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 5%.

Tuy nhiên, những kết quả tốt này đã không được duy trì. Kể từ khi Chương trình Quốc gia Phòng chống các Rối loạn do Thiếu Iốt bị rút khỏi Chương trình Mục tiêu y Quốc gia về Y tế vào năm 2005, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho muối tăng cường iốt và các hoạt động liên quan cũng đã ngừng lại - tăng cường i-ốt vào muối cho người dân tiêu thụ không còn được coi là một nhiệm vụ ưu tiên.

Hậu quả là, lượng tiêu thụ muối i-ốt đã giảm một nửa, chỉ còn 45% trong năm 2011.

Mức iốt niệu trung vị của phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ tại là 7,5 mcg/dl, dưới mức 10 mcg, cho thấy sự phát triển đầy đủ của trẻ sơ sinh đang gặp nguy cơ.

Ở Việt Nam những năm gần đây, bệnh thiếu iốt có dấu hiệu gia tăng trở lại. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay chỉ có 23/90 xã có độ bao phủ muối iốt tối thiểu đạt 90%, có 77,7% phụ nữ mang thai bị thiếu iốt, trong đó 44,6% thiếu từ mức độ trung bình đến nặng.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO