Báo Điện tử Gia đình Mới

Thực hư hiệu quả của việc chích máu đầu ngón tay cấp cứu đột quỵ

Thời tiết lạnh mùa đông làm số người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) gia tăng. Để cấp cứu cho người bệnh, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ với nhau ‘bí kíp’ dùng kim chích máu ở đầu ngón tay, ở tai người bệnh.

Phương pháp chích máu cấp cứu đột quỵ không có cơ sở khoa học nhưng lại được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh facebook

Phương pháp chích máu cấp cứu đột quỵ không có cơ sở khoa học nhưng lại được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh facebook

Cách mà mọi người đang chia sẻ để cấp cứu đột quỵ được tiến hành như sau: ‘Khi có người bị đột quỵ, hãy hết sức bình tĩnh. Cho dù bệnh nhân đang ở đâu, cũng không được di chuyển.

Vì nếu bị di chuyển, các mạch máu não sẽ vỡ ra. Hãy giúp bệnh nhân ngồi tại chỗ và giữ không cho bệnh nhân bị ngã, rồi bắt đầu chích cho máu chảy ra.

Nếu bạn có sẵn một cây kim tiêm ở nhà thì tốt nhất, nếu không có kim tiêm, bạn có thể dùng kim may hoặc một cây kim thẳng. (Nhớ là phải rửa tay thật sạch trước khi thực hiện các việc sau đây):

1. Hơ kim trên lửa để khử trùng rồi dùng nó để chích mười đầu ngón tay.

2. Không có các huyệt cụ thể, chỉ cần chích cách các móng tay 1mm.

3. Chích đến khi nào máu chảy ra.

4. Nếu máu không chảy ra được, hãy dùng ngón tay của bạn để nặn ra.

5. Khi tất cả mười đầu ngón tay đều đã có máu chảy ra, hãy chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh.

6. Nếu nạn nhân bị méo miệng, hãy kéo hai tai nạn nhân cho đến khi cả hai tai đều đỏ lên.

7. Sau đó, chích vào dái tai cho đến khi mỗi dái tai có chảy ra hai giọt máu. Sau vài phút nạn nhân sẽ hồi tỉnh.

Chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường không có một triệu chứng bất thường nào nữa thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện vì nếu vội vàng chở đi bệnh nhân đi ngay đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, xe chạy bị xóc sẽ làm cho các mạch máu não của bệnh nhân vỡ tung ra.

Nếu nạn nhân có được cứu sống, ráng lắm mới đi lại được thì cũng do phước đức ông bà để lại mà thôi’.

Phương pháp cấp cứu đột quỵ bằng cách chích máu được chia sẻ trên mạng mã hội. Ảnh facebook.

Phương pháp cấp cứu đột quỵ bằng cách chích máu được chia sẻ trên mạng mã hội. Ảnh facebook.

Phương pháp truyền tai không có cơ sở khoa học

Khi được hỏi về thực hư của phương pháp này, bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhấn mạnh: ‘Điều này không có cơ sở khoa học nên không khuyến khích. Hơn nữa, việc chích máu ở đầu ngón tay, ở dái tai người bệnh sẽ tạo ra những vết thương và có thể bị nhiễm trùng.

Khi bị đột quỵ, không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng hoặc sử dụng thuốc không biết chính xác hiệu quả vì sẽ làm chậm trễ ‘thời gian vàng’ cho điều trị.

chich-mau

Mọi người dân cần có kiến thức sơ đẳng nhất để nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ như méo, hoặc liệt mặt, chân tay cử động hoặc cảm giác không như mọi ngày, nói ngọng… để có ý thức đến khám tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể’.

3 giờ đầu tiên sau đột quỵ là ‘thời gian vàng’ để cứu chữa vì khả năng hồi phục rất cao.

Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.

Do đó, khi bị đột quỵ, bệnh nhân càng đến các cơ sở y tế muộn thì nguy cơ hồi phục càng thấp. Không ít người phải chịu tàn phế, thậm chí tử vong chỉ vì không kịp thời đến được cơ sở y tế’.

Bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Bác sĩ Kiên cũng cho biết thêm, mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phải tiếp nhận khoảng 2.000 người bị đột quỵ, trong đó có hơn 100 người bị tai biến nặng phải phẫu thuật.

Số người bị di chứng do đột quỵ cũng rất lớn. Đáng lo ngại khi trước đây đột quỵ chỉ xuất hiện ở người già thì nay, đột quỵ đang bị trẻ hóa. Bằng chứng là mới đây đã có bệnh nhân 27 tuổi đã phải vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu vì đột quỵ.

ThS. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: 'Đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 toàn cầu. 69% ca đột quỵ và 71% ca tử vong do đột quỵ là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, chiếm tới 53% bệnh nhân dưới 75 tuổi'.

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ thế nào?

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ xảy ra khi mạch máu bị vỡ khiến máu chảy vảo nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất... hoặc khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến cho dòng máu bình thường lên não bị chặn lại gây thiếu máu hoặc nhồi máu não.

Trong vòng vài phút bị tước mất các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm cả oxy, các tế bào não bắt đầu chết – quá trình này có thể liên tục trong một vài giờ tiếp theo.

Do đó, khi gặp người bị đột quỵ, cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức. Đột quỵ là một cấp cứu thực sự. Điều trị càng sớm thì càng làm giảm thiểu được các tổn thương não nên cần tận dụng từng giây từng phút.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai

Làm thế nào để phát hiện đột quỵ não?

- Trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:

+ Face (mặt) - Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?

+ Arms (tay) - Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?

+ Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?

+ Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Ghi chú: khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG.

- Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:

+ Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân

+ Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt

+ Đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng

+ Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác 

- Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.

Nguy cơ đột quỵ não tăng theo độ tuổi và thường gặp ở người có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch...

Nguy cơ đột quỵ não tăng theo độ tuổi và thường gặp ở người có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch...

Bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào?

- Đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân:

+ Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).

- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.

Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 - 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.

- Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:

+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất

+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh

- Theo dõi bệnh nhân:

+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.

+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).

Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân hay tư thế hồi sức cấp cứu là tư thế nhằm để bảo vệ đường thở của bệnh nhân, là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. 

Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, do trọng lực làm hàm rơi ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống và làm lấp tắc đường thở. 

Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa, người bệnh dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp rất nguy hiểm. Khi đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên, các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài. 

- Tất cả các bệnh nhân hôn mê đều nên được đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn, trừ khi nghi ngờ có chấn thương cột sống: bệnh cảnh chấn thương, liệt chân, đại tiểu tiện không tự chủ. 

- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, tay trên gấp, tay dưới duỗi thẳng ra trước mặt, chân trên co, chân dưới duỗi thẳng. Có thể dùng vải hoặc gối để kê giữ nguyên bệnh nhân ở tư thế như vậy.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO