Báo Điện tử Gia đình Mới

Thưởng thức vẻ đẹp nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản Origami tại Hà Nội

Vẻ đẹp và tinh thần của nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản Origami sẽ thể hiện thông qua 52 tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng tại triển lãm "Những đôi cánh".

nghe-thuat-giay

Ngày 20/7/2018, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) chính thức khai mạc triển lãm “Những đôi cánh”, giới thiệu tới công chúng Việt Nam vẻ đẹp và tinh thần của nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản Origami.

Thông qua 52 tác phẩm của ba nghệ sĩ Lê Đức Thọ, Nguyễn Linh Sơn và Lê Tuấn Tài - “Những đôi cánh” không chỉ phản chiếu sắc màu văn hóa Nhật Bản mà còn khơi gợi trí tưởng tượng và chắp cánh cho sự sáng tạo

Các tác phẩm được giới thiệu tại Triển lãm “Những đôi cánh” tái hiện thế giới thần thoại độc đáo của các loài động vật như ngựa một sừng, rồng, điểu sư… minh chứng cho khả năng sáng tạo vô hạn mà Origami có thể đem lại. Điểm đặc biệt là tất cả các mô hình Origami đều được được mang một đôi cánh - biểu tượng cho sự sáng tạo, bay bổng và tư tưởng nghệ thuật khoáng đạt.

Trong đó, nổi bật nhất là mô hình ngựa thần khổng lồ có chiều cao 3m được các nghệ sĩ hoàn thiện trong vòng 10 ngày ngay tại triển lãm. Video về toàn bộ quá trình thực hiện tác phẩm khổng lồ trên cũng sẽ được dàn dựng và công chiếu vào ngày 5/8/2018 dưới dạng timelapse (video tua nhanh).

Nghệ thuật gấp giấy Origami với những biến thể là một phần không thể tách rời đối với nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Vượt khỏi những ranh giới để trở thành môn học dành cho tư duy và sự khéo léo, Origami thậm chí đã trở thành một liệu pháp tâm lý rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ và phát triển óc sáng tạo. Đặc biệt, biểu tượng “cánh hạc giấy” đã bay ra khỏi biên giới của Nhật Bản để lan tỏa thông điệp may mắn và hòa bình đến khắp nơi trên thế giới.

Nghệ thuật gấp giấy Origami là gì?

Nghệ thuật gấp giấy Nhật bản Origami hay Chiệp chỉ (摺紙) là nghệ thuật gấp giấy (hay nghệ thuật xếp giấy) có xuất xứ từ Nhật Bản. Chữ origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ 1880; trước đó, người Nhật dùng chữ orikata.

Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông, thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của origami hiện đại. 


Phát biểu về Triển lãm, ông Mizuki Endo – Giám đốc Nghệ thuật của VCCA chia sẻ: “Origami có hình thức biểu đạt khá đơn giản nhưng kỹ thuật lại rất phức tạp. Thế giới của nó vô cùng sâu sắc. Đó là môn nghệ thuật tuyệt vời và dành cho tất cả mọi người”.

Bên cạnh 52 tác phẩm độc đáo và bay bổng, để làm nổi bật vẻ đẹp và và sự phong phú bộ môn nghệ thuật này, VCCA còn tạo ra môi trường trải nghiệm Origami trực tiếp cho công chúng.

Một nhóm nghệ sĩ từ AXA Studio túc trực tại Triển lãm sẽ giúp cung cấp thêm nhiều kiến thức cũng như hướng dẫn khách tham quan tham gia vào quá trình sáng tác nghệ thuật. Các “tác phẩm” do khách tham quan tự thực hiện sẽ được lưu giữ tại một bức tường lớn mang thông điệp Hạnh phúc.

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, VCCA sẽ tổ chức các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Những tiết mục ca múa đặc sắc không chỉ khơi gợi trí tưởng tượng, chắp cánh ước mơ bay bổng cho các em nhỏ mà còn mang đến cái nhìn trực quan và đầy sắc màu về văn hóa Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các lớp dạy gấp Origami đơn giản cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt thời gian diễn ra triển lãm nhằm đưa nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng. Chương trình chi tiết sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang fanpage chính thức https://www.facebook.com/VCCAVIETNAM/ của trung tâm.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 20/7/2018 đến hết ngày 15/8/2018 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) - B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Nghệ sĩ Lê Đức Thọ (1993), còn được gọi là Kai, đã tham gia nhiều triển lãm với các loại hình nghệ thuật khác nhau. Các tác phẩm của anh có mặt tại nhiều cơ quan cũng như phòng trưng bày uy tín tại Singapore.

Nghệ sĩ Nguyễn Linh Sơn (1987) đã làm quen với Origami hiện đại được hơn 10 năm. Anh từng tạo được nhiều dấu ấn qua các tác phẩm đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam như bộ xương khủng long dài 7,6m (2008) và đôi rồng giấy dài 5,6m (2010).

Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Tài (1997) bắt đầu bước chân vào thế giới origami hiện đại và thể nghiệm với loại hình này từ năm 2009. Tác phẩm của anh được trưng bày tại nhiều triển lãm và sự kiện lớn. 

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO