_DSC9382

 

Ai đã từng uống bia hơi hẳn sẽ vẫn nhớ chiếc cốc rẻ tiền màu xanh với những bọt khí còn sót lại đầy trong nó. Chiếc cốc cứ đi bên bia hơi ngày này qua ngày khác, từ thuở còn xếp hàng mua bia bằng tem phiếu cho đến giờ khi bia đã có thể uống cả ‘bom’ mà chẳng cần chờ đợi.

Có lẽ những người ‘nghiện’ cái món bia hơi nhất cũng ít khi biết được những chiếc cốc mình đang uống được sản xuất từ đâu.

Ngược về phía Nam hơn một trăm cây số về tỉnh Nam Định nơi có làng nghề thủy tinh Xối Trì (xã Nam Thanh), đó là nơi những chiếc cốc xanh rẻ tiền được sinh ra bởi bàn tay khéo léo của những thợ thủ công lành nghề.

_DSC9783

Người thợ thủ công đứng bên lò lửa nóng hàng nghìn độ C để lấy thủy tinh vào đầu ống thổi (còn gọi là tán)

Ở đây, chủ lò cũng như thợ đều làm việc hết công suất suốt 12 tiếng một ngày, chia làm hai ca. Trước đây, người làng Xối Trì còn thổi đủ loại thủy tinh như bóng đèn, bể cảnh…, cuộc sống cũng gọi là đầy đủ.

Nhưng rồi thời huy hoàng của thủy tinh thủ công cũng biến mất, thủy tinh Trung Quốc rẻ hơn, mẫu mã cũng đa dạng dần chiếm lĩnh thị trường, thứ còn lại để người dân tiếp tục giữ nghề chỉ là chiếc cốc uống bia rẻ tiền và mẫu mã không đẹp.

Từ làng nghề thủy tinh thì nay cả Xối Trì chỉ còn được ba hộ gia đình theo nghiệp.

_DSC9166

 Những chiếc quạt công suất lớn được chế thêm máy phun sương nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với cái nóng nghìn độ đang tỏa ra từ lò luyện

Những chiếc cốc được nấu từ thủy tinh phế liệu được mua từ các vùng lân cận với giá khoảng 1000-2000 đồng/kg, sau đó phân loại màu sắc rồi được đập nhỏ và rửa sạch trước khi đưa vào lò.

Công việc 'sơ chế' nguyên liệu này thường được dành cho phụ nữ, nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi những mảnh thủy tinh vỡ bắn vào mắt hoặc làm đứt tay chân.


Công đoạn cho thủy tinh vào lò vẫn được làm bằng tay, những người thợ xúc mảnh thủy tinh và đổ trực tiếp qua cửa lò.

Quá trình luyện thủy tinh mất 6 tiếng, trong thời gian đó, than đá liên tục được đưa vào giữ nhiệt độ lò khoảng 1800 độ C để đảm bảo thủy tinh nóng chảy đủ chất lượng 

_DSC9580

Công việc sơ chế nguyên liệu thường dành cho phụ nữ, trung bình một ngày được trả công từ 100-150 ngàn đồng một người.

_DSC9661

 

5

 

_DSC9081

 

Sau 6 giờ đồng hồ trong lò, thủy tinh nóng chảy được người thợ dùng một chiếc ống thổi dài khoảng 1,5m lấy ra một lượng vừa đủ và dùng hơi thổi trực tiếp vào ống để tạo ra những sản phẩm có khuôn hình sẵn.

Quá trình này trông tưởng chứng rất dễ những lại đòi hỏi người thợ phải đạt trình độ rất cao, hơi thổi phải đều đặn sao cho thủy tinh giãn ra vừa đúng bằng chiếc cốc.

'Sai một li đi một dặm' những chiếc bị hỏng khi thổi được bỏ đi và chờ lần nấu chảy tiếp theo.

_DSC9501

Thủy tinh được lấy bằng ổng ra ngoài và được người thợ thổi thủ công. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo, hơi bằng miệng phải đều đặn để chiếc cốc có được hình dạng và độ dày chính xác

_DSC9284

 

_DSC9491

 

_DSC9565

 

Những chiếc cốc sau khi thôi được cắt mép cẩn thận bằng một chiếc bếp ga chuyên dụng, người thợ ngồi bên chiếc bếp với nhiệt độ rất cao được ưu tiên sử hai chiếc quạt để làm mát.

Chiếc bếp duy trì cốc ở nhiệt độ nóng chảy nhất định để mép được định hình cho hết sắc cạnh, miệng cốc được bo tròn sau đó đưa ra ngoài ủ tro. Công đoạn ủ tro giúp cốc hạ nhiệt từ từ tránh bị nứt vỡ.

_DSC9245

Loại bếp ga đặc biệt có nhiệt độ rất cao giúp người thợ có thể cắt mép cốc một cách dễ dàng

_DSC9723

 

_DSC9240

 

_DSC9688

 

Khách từ Hà Nội vẫn về đặt mua đều đều, mỗi ngày trung bình một lò làm được khoảng 2000 chiếc cốc, với giá khoảng 5000 đồng một chiếc.

Chiếc cốc rẻ tiền thứ chẳng ai muốn làm thành ra thủy tinh Xối Trì vẫn theo và có được chỗ đứng.

Những chiếc cốc không bóng bẩy nhưng lại gần gũi thân thương với người dân khắp nơi, nhiều khách uống bia còn cho rằng uống bia trong chiếc cốc làm ở Xối Trì ngon hơn, thú vị hơn những chiếc cốc kiểu mới bây giờ. 

_DSC9245

 Những chiếc cốc vẫn hàng ngày lên xe đi khắp mọi nơi, đặc biệt là thủ đô Hà Nội nơi bia hơi đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Hàng vạn chiếc cốc từ làng Xối Trì ra đi rồi mang lại cho những người chủ lò thủy tinh ở đây niềm tin nghề này sẽ mãi gắn bó với họ, giúp cuộc sống của họ khấm khá từng ngày.

Đứng trong xưởng sản xuất cốc tưởng tượng như một chiếc 'lò bát quái', khí nóng hầm hập phả ra từ chiếc lò đun có thể khiến những người bên nó khó thở và choáng váng.

Nhưng những người thợ thủ công ở đây đã sống bên nó suốt hàng chục năm từ đời này qua đời khác.

Cuộc sống của họ là những tháng ngày mưu sinh bên chảo lửa để thổi lên những chiếc cốc đã trở thành huyền thoại của những cửa hàng bia hơi ở khắp mọi nơi.

_DSC9735-2

Nụ cười với đôi môi màu đen do quá trình thổi thủy tinh của người thợ già.

Thế Sơn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO