Báo Điện tử Gia đình Mới

7 bí quyết thuộc lòng giúp vợ chồng không bao giờ tranh cãi về tiền bạc

Tiền bạc thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc trong hôn nhân, dù cho các cặp đôi thừa nhận hay không thừa nhận điều này.

  Tiền bạc nên làm cho gia đình hạnh phúc hơn, đừng để tiền làm ngòi nổ tranh cãi vợ chồng

Tiền bạc nên làm cho gia đình hạnh phúc hơn, đừng để tiền làm ngòi nổ tranh cãi vợ chồng

Tài chính là vấn đề ‘nóng’ thường gây ra tranh luận giữa các cặp vợ chồng. Nếu may mắn kiếm tiền đủ cho các nhu cầu cơ bản của gia đình, hai vợ chồng vẫn có thể ‘khẩu chiến’ về phương án tiết kiệm ra sao, đầu tư vào việc gì, cho nội biếu ngoại như thế nào là vừa… vv và vv…

Sau đây là 7 kinh nghiệm từ các nhà tâm lý học Mỹ để đảm bảo các cặp vợ chồng chỉ cảm thấy hạnh phúc chứ không bao giờ tranh cãi quanh vấn đề tài chính.

No. 1: Làm việc theo năng lực từng người, nhưng quyết định thì nên thống nhất

Ngày càng nhiều phụ nữ làm việc kiếm tiền ngang hoặc thậm chí nhiều hơn chồng.

‘Mạnh vì gạo bạo vì tiền’ – do kiếm tiền tốt hơn nên phụ nữ cũng có tiếng nói rõ rệt hơn trong việc xây dựng các kế hoạch tài chính cho gia đình.

Theo khảo sát của các nhà tâm lý học tại Mỹ, 80% những người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng ở nước này tự tin rằng họ hiểu biết tốt về các vấn đề tài chính, họ cũng là người ‘chỉ đạo’ các kế hoạch liên quan đến đầu tư và nghỉ hưu của gia đình.

Tuy nhiên, để mâu thuẫn không nảy sinh trong trong trường hợp này, các cặp vợ chồng nên tìm tiếng nói chung.

Một khi đã cùng gắn bó trong một cuộc hôn nhân, không nên để một người đơn độc trong việc định hướng kế hoạch tài chính của gia đình, dù đó là chồng hay vợ.

Tốt nhất, các cặp vợ chồng hãy dành thời gian tối thiểu 2 lần/năm để ngồi với vợ/chồng mình và xem xét lại những khoản nợ cũng như những khoản thu nhập của cả hai người, thảo luận xem những con số đó đang thúc đẩy hay cản trở kế hoạch tài chính của gia đình trong hiện tại và tương lai.

  Dù ai là người là trụ cột về tài chính, khi ra đưa ra quyết định phải là quyết định của hai người 

Dù ai là người là trụ cột về tài chính, khi ra đưa ra quyết định phải là quyết định của hai người 

No. 2: Hiểu rõ thế mạnh của từng người

Cuộc khảo sát về chủ đề ‘Tiền bạc và tình yêu’ trên tạp chí Time (Mỹ) cho thấy: 60% đàn ông trong các gia đình mà chồng kiếm tiền nhiều hơn vợ tự quyết định các vấn đề tài chính gia đình mà không bàn bạc với vợ.

Ngược lại, trong các gia đình vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng, 2/3 số bà vợ vẫn thảo luận với chồng và đưa ra các quyết định chung liên quan đến các vấn đề lớn về tiền bạc.

Các ông chồng có xu hướng ‘độc đoán’ hơn trong vấn đề tiền bạc, tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Jonathan Rich, mỗi giới đều có một lợi thế riêng trong tài chính.

Dù là đàn ông hay phụ nữ, khi đã chú tâm đến vấn đề chi tiêu và đầu tư trong gia đình, đều có những kỹ năng khác nhau và bổ sung hoàn hảo cho nhau.

Ví dụ, nam giới thường sẵn sàng hành động khi đầu tư, chấp nhận rủi ro lớn để đạt được lợi nhuận lớn hơn.

Tuy nhiên, nam giới cũng dễ bị tự tin thái quá, điều này có thể dẫn họ đến đầu tư quá liều lĩnh, cuối cùng làm ảnh hưởng đến kết quả.

Phụ nữ, ngược lại, là những người đầu tư kiên nhẫn, có xu hướng nghiên cứu kỹ từng quyết định tài chính trước khi họ hành động. Nhà tâm lý học Jonathan Rich phân tích: ‘Cân bằng phong cách của bạn là lý tưởng’.

Khi hai vợ chồng hiểu rõ thế mạnh của mình và đối tác, bình tĩnh thảo luận, chắc chắn các thế mạnh của họ sẽ bổ sung cho nhau và đi đến quyết định đúng đắn.

   

 

No. 3: Không định kiến

Mô hình gia đình truyền thống ở các nước là: chồng đóng vai trò trụ cột về kinh tế, vợ lo việc nội trợ.

Tuy nhiên, vai trò đó dường như đã thay đổi rất nhiều. Một nghiên cứu với 1.000 cặp vợ chồng độ tuổi từ 25 trở lên tại Mỹ cho thấy trung bình vợ đóng góp 50% tổng thu nhập của gia đình và gần ¼ số bà vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng.

Điều thú vị là, trong các gia đình vợ đóng vai trò trụ cột, các ông chồng vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc chứ không hề có cảm giác bị ‘lép vế’ hay mất tự tin.

Các nhà tâm lý học đã đưa ra lời khuyên để vợ chồng không bao giờ cãi nhau trong hoàn cảnh này: Hãy quan tâm đến tính đồng đội, đừng quan tâm đến kết quả.

Sở dĩ cần quan tâm đến ‘tính đồng đội’ trong gia đình là vì, vợ có thể kiếm nhiều tiền hơn chồng, nhưng bạn chắc chắn không thể có hạnh phúc nếu không có sự hỗ trợ của chồng trong việc chăm sóc con cái, làm việc nhà…

Gánh nặng về tài chính cũng như công việc gia đình luôn luôn phải có sự chia sẻ, điều kiện có thể thuận lợi cho 1 trong 2 người, hoặc cả 2 người kiếm tiền, điều đó không quan trọng. Quan trọng là vợ chồng cùng san sẻ với nhau mọi áp lực

  Không định kiến để chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống 

Không định kiến để chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống 

No. 4: Nếu quá bận rộn, hãy ‘thuê ngoài’

Không phải mọi chuyện đều màu hồng trong các cuộc hôn nhân mà vợ kiếm nhiều tiền hơn chồng.

Những người phụ nữ đi làm vừa phải lo làm việc ở công sở, vừa phải đảm bảo các việc nhà mà chồng không thể làm thay được.

Các ông chồng có xu hướng ‘phóng đại’ công việc nội trợ mà mình làm thay ‘bà xã’. Vì thế, áp lực dồn lên đôi vai của những người phụ nữ không hề nhỏ.

Với các gia đình mà chồng và vợ kiếm tiền ngang nhau, thì nhiều khi quỹ thời gian dành cho việc nhà quá eo hẹp. Các cặp đôi này thường đứng trước nguy cơ cãi nhau không ngừng về các vấn đề như ai là người đổ rác, ai giặt quần áo, ai rửa bát…

Trong trường hợp này, thuê người làm hay sử dụng dịch vụ là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Một vài lần/tháng thuê người đến dọn nhà hoặc đi ra ngoài ăn tối có thể là giải pháp không tồi. Dù tốn kém một chút nhưng gia đình bạn có thể tiết kiệm được thời gian và năng lượng, có những giây phút hạnh phúc bên nhau. Đó thực sự là quyết định ‘đáng đồng tiền bát gạo’!

  Phụ nữ vừa lo đi làm vừa lo chăm sóc con cái, nếu bận rộn quá nên sử dụng giải pháp 'thuê ngoài' 

Phụ nữ vừa lo đi làm vừa lo chăm sóc con cái, nếu bận rộn quá nên sử dụng giải pháp 'thuê ngoài' 

No. 5: Hãy dừng chỉ trích cá nhân, việc quan trọng là tìm ra giải pháp

Cặp vợ chồng nào cũng trải qua không ít thì nhiều những lần bị ‘đối tác’ chỉ trích vì một quyết định mua sắm sai lầm. 46% các cặp vợ chồng tại Mỹ cho biết mua đồ dùng hàng ngày là nguyên nhân hàng đầu của các ‘khẩu chiến’ về tiền bạc.

Cả nam giới và phụ nữ tham gia khảo sát này đều nghĩ rằng bạn đời của họ là người có thói quen tiêu dùng xấu.

Để tránh tranh cãi về vấn đề này, tốt nhất đừng sa vào chỉ trích cá nhân. Nếu bạn là người hay lo lắng và có xu hướng đảm bảo an toàn, thì bạn sẽ không bao giờ hiểu được vì sao chồng mình muốn tổ chức một kỳ nghỉ đắt tiền cho cả gia đình – và ngược lại.

Thay vì tranh luận về vấn đề này, hãy tìm ra giải pháp bằng cách: trò chuyện về mục tiêu chung.

Hãy tưởng tượng: Có 2 vòng tròn miêu tả nhu cầu chi tiêu của 2 vợ chồng, chỗ giao nhau giữa 2 vòng tròn đó là nhu cầu tiêu dùng chung của gia đình bạn.

Hãy thảo luận với cảm xúc tích cực về việc hiện thực hóa nhu cầu tiêu dùng chung đó, có thể bao gồm: chi phí ăn uống, đi lại, học tập, y tế, bảo hiểm… tính trên một tháng.

Với phần tiền dư ra sau khi đã thực hiện các nhu cầu chung, bạn có thể xem xét để đáp ứng một cách hợp lý phần nhu cầu khác nhau của cả hai người.

No. 6: Tìm lời tư vấn từ ‘người thứ 3’ sáng suốt

Sự khác biệt về mục tiêu, cũng như phong cách trong tiêu tiên của đàn ông và phụ nữ là không tránh khỏi. Thật mệt nếu như 2 vợ chồng luôn luôn bất đồng ý kiến về các vấn đề tài chính.

Trong trường hợp này, bạn có thể tìm một ‘người thứ 3’ sáng suốt hơn để tư vấn.

Đó có thể là một người bạn lớn tuổi và/hoặc một chuyên gia về tài chính gia đình.

Sau rất nhiều năm mâu thuẫn với nhau về tiền bạc, vợ chồng Karl và Lucinda Harms, trú tại Iowa – Mỹ, quyết định tham gia một hội thảo về quản lý tài chính.

‘Vợ tôi lo tay hòm chìa khóa, tôi thì không. Nhưng giờ đây chúng tôi đã có nhiều quan điểm chung về việc nên làm gì với thu nhập của cả gia đình’ – Karl nói.

Cuộc hội thảo đã giúp cả 2 vợ chồng họ nhận ra đâu là vấn đề cần ưu tiên trong kế hoạch tài chính, những gì có thể làm trong cắt giảm chi tiêu… ‘Tôi đã được mở rộng tầm mắt. Ước gì chúng tôi cùng tham gia hội thảo như thế này từ 30 năm trước’ – Karl, người chồng, chia sẻ.

  Nên để chồng có một chút 'quỹ đen' để có tự do về tài chính

Nên để chồng có một chút 'quỹ đen' để có tự do về tài chính

No. 7: Chấp nhận tự do về tài chính ở mức độ phù hợp

Việc có quỹ đen hay mua một số thứ mà không nói với vợ/chồng là điều khá phổ biến.

‘Lý do hàng đầu khi tôi làm như vậy chỉ là để tránh cãi vã. Nếu vợ của bạn là người hay lo lắng về tiền bạc, thì dù bạn mua một thứ hàng cần thiết đến mấy, đó cũng có thể là ngòi nổ để xảy ra tranh luận’ – Klontz, một người chồng nói.

Vì vậy, nếu bạn có vợ/chồng có quỹ đen, cũng đừng quá bức xúc vì điều đó.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng, các cặp đôi hạnh phúc nhất là những cặp có một tài khoản chung để chi phí cho các vấn đề thiết yếu, sau đó họ có một chút tiền riêng để chi tiêu khi cần.

Adam Hall, 31 tuổi, một giáo viên trường trung học và vợ, Kristen, 25 tuổi, giáo viên nghệ thuật học, đã thỏa thuận mỗi người được chi tiêu riêng trong khoảng 50 USD/tháng, không ai hỏi ai về số tiền này được tiêu cho việc gì.

‘Chúng tôi tin tưởng nhau, tuy nhiên cũng rất tốt khi có một chút tiền để tiêu riêng. Chúng tôi đều muốn có một chút tự do về tài chính’ - Adam Hall cho biết.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO