Báo Điện tử Gia đình Mới

7 phong trào đấu tranh vì nữ quyền kỳ lạ và độc đáo nhất trong lịch sử

Trong những phong trào đấu tranh vì nữ quyền từ cuối thế kỷ 19 đến nay, phụ nữ thế giới đã có những ý tưởng cực kỳ độc đáo và mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của công luận.

  Hình ảnh phụ nữ trong các cuộc đấu tranh nữ quyền đã thay đổi rất nhiều trong 100 năm qua 

Hình ảnh phụ nữ trong các cuộc đấu tranh nữ quyền đã thay đổi rất nhiều trong 100 năm qua 

Hãy cùng Gia đình mới điểm qua những biểu tượng truyền cảm hứng trong phong trào nữ quyền thế giới: từ ‘đốt áo ngực’ đến ‘cuộc tuần hành của những người đàn ông đi giầy cao gót’.

1. Đóng giả nam giới để đòi mức lương công bằng cho phụ nữ

Mặc dù cuộc tuần hành biểu dương nữ quyền sớm nhất là tuần hành đòi quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ vào năm 1913, nhưng cuộc tuần hành có hình thức ấn tượng nhất có lẽ là của phụ nữ Anh, năm 1968.

Với mục đích đòi mức lương bình đẳng khi làm những công việc tương tự của nam giới, một số phụ nữ đã giả trang thành nam giới để giương cao khẩu hiệu: ‘Chúng tôi từ chối là lao động thứ cấp’, ‘Phụ nữ cần được bình đẳng về thăng chức, phụ cấp và lương hưu’, ‘Đừng để nước Anh tụt hậu’…

Phong trào đấu tranh đòi một mức lương công bằng cho phụ nữ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, tuy nhiên hình thức đấu tranh liên tục thay đổi.

  Ba phụ nữ trong trang phục nam giới biểu tình tại Anh năm 1968 

Ba phụ nữ trong trang phục nam giới biểu tình tại Anh năm 1968 

2. Đốt áo ngực – sự thật hay chỉ là biểu tượng?

Một cuộc biểu tình của 400 phụ nữ bên ngoài Trung tâm hội nghị Thành phố Atlantic (Mỹ) phản đối những tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế của cuộc thi hoa hậu Miss America chính là nguồn gốc của ‘huyền thoại’ đốt áo ngực đòi nữ quyền.

Hình ảnh các nhà đấu tranh nữ quyền đốt áo ngực đã trở thành một biểu tượng quốc tế, nhưng thực ra thì… chẳng có cái áo ngực nào bị đốt cả.

Người biểu tình chỉ đem các vật dụng như áo ngực, nịt bụng, giầy cao gót, đồ trang điểm… vứt vào các ‘Thùng rác tự do’ (Freedom trash cans) để bầy tỏ thái độ phản ứng sự hạ thấp giá trị phụ nữ xuống thành những vật thể ‘xinh đẹp’, giam cầm họ với những công việc nội trợ và có lương thấp.

  Phụ nữ ném áo ngực vào những thùng rác - Hành động chỉ mang tính biểu tượng chứ không hề có chuyện đốt áo ngực thực sự 

Phụ nữ ném áo ngực vào những thùng rác - Hành động chỉ mang tính biểu tượng chứ không hề có chuyện đốt áo ngực thực sự 

Thực tế là chẳng có cái áo ngực nào bốc cháy tuy nhiên, thời điểm diễn ra cuộc biểu tình đòi nữ quyền này rất gần cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, khi nam giới đốt thẻ quân dịch, dẫn đến nhiều nguồn tin đã đánh đồng hai sự kiện này, và cho rằng các nhà nữ quyền đốt áo ngực.

3. Phụ nữ đội rổ, rá lên đầu và vác chổi đi biểu tình tại Hà Lan

Đây là những hình ảnh đặc biệt trong một cuộc biểu tình vì nữ quyền tổ chức năm 1970 ở Hà Lan, một trong những nước đứng đầu về mức độ bình quyền nam nữ.

Trong ảnh, 2 người phụ nữ mang theo con nhỏ, đội rổ rá lên đầu và cầm chổi quét nhà đi biểu tình để miêu tả sự vất vả của người phụ nữ với việc nhà.

Trong giai đoạn này, những cuộc biểu tình mang tính chất mô phỏng, chẳng hạn như một ‘Hội chợ phân biệt đối xử’ ngoài trời đã thu hút sự chú ý của chính quyền Hà Lan với vấn đề trả lương bình đẳng cho công việc bình đẳng.

Đây có thể là những dấu ấn ban đầu, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền ở Hà Lan.

  Phụ nữ Hà Lan đội rổ rá lên đầu và mang con nhỏ đi biểu tình đòi bình đẳng 

Phụ nữ Hà Lan đội rổ rá lên đầu và mang con nhỏ đi biểu tình đòi bình đẳng 

4. Mang quần áo phụ nữ đi biểu tình để phản đối coi phụ nữ là ‘bình hoa di động’

Hình ảnh ma – nơ – canh hay những ảnh chụp phụ nữ ‘mát mẻ’ xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình ở Anh, Mỹ những năm 1960 – 1970.

Năm 1969, cuộc thi Hoa hậu Mỹ cũng thu hút hàng ngàn người đến biểu tình phản đối.

Năm 1970 tại London diễn ra một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Người tham gia biểu tình mặc những trang phục cầu kỳ, diêm dúa và đeo mặt nạ để mô phỏng một cách hài hước trang phục dự thi.

Tất cả những hoạt động này nhằm thể hiện thái độ phản ứng với việc coi phụ nữ chỉ là ‘bình hoa di động’, coi trọng hình thức của phụ nữ hơn phẩm chất, năng lực của họ.

  Hình ảnh phụ nữ Mỹ (trái) và phụ nữ Anh (phải) đấu tranh để chống lại các cuộc thi sắc đẹp  

Hình ảnh phụ nữ Mỹ (trái) và phụ nữ Anh (phải) đấu tranh để chống lại các cuộc thi sắc đẹp  

5. Biểu tượng người phụ nữ mạnh mẽ ‘We can do it’

Biểu tượng người phụ nữ xắn tay áo, thể hiện sự mạnh mẽ của cơ bắp và ý chí với câu khẩu hiệu ‘Chúng tôi có thể làm được’ đã xuất hiện từ thập niên 40 của thế kỷ trước, tại Mỹ.

Khởi đầu chỉ là một biểu tượng cổ vũ tinh thần cho những người lính tham gia Thế chiến thứ hai, nhưng sau đó, vào những năm 80 của thế kỷ 20, đây được coi là biểu tượng hàng đầu của phong trào nữ quyền.

Poster này thậm chí còn được nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton sử dụng lại trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.

  Poster thể hiện sức mạnh nữ quyền đã tồn tại suốt những năm 80 thế kỷ trước cho đến tận ngày nay 

Poster thể hiện sức mạnh nữ quyền đã tồn tại suốt những năm 80 thế kỷ trước cho đến tận ngày nay 

6. Slut walk – phụ nữ ăn mặc ‘mát mẻ’ để nâng cao nhận thức về tấn công tình dục

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, biểu tượng nữ quyền thay đổi 180 độ.

Thay vì khẳng định ‘phụ nữ có thể làm được như đàn ông’, các nhà nữ quyền biểu tình với trang phục tôn lên vẻ đẹp nữ tính để khẳng định là họ quyến rũ nhưng ‘có não’, đẹp nhưng không phải ‘bình hoa di động’.

Ngoài ra, các nhà nữ quyền còn đề cập đến các vấn đề nhức nhối như bạo hành về mặt tình dục, hiếp dâm, bạo lực trong gia đình, lương không công bằng, slut-shaming (hạ thấp phụ nữ dựa vào cuộc sống tình dục của họ),….

Gần đây, những cuộc biểu tình mang tên ‘slut walk’ thu hút hàng trăm ngàn phụ nữ trên khắp thế giới tham gia, nhằm phản đối lại phát ngôn của một nhân viên cảnh sát Canada năm 2011: ‘Phụ nữ không nên ăn mặc hở hang kiểu gái hư (sluts) để tránh bị tấn công tình dục’.

Để phản đối lại quan điểm này, những phụ nữ tham gia biểu tình ăn mặc cực mát mẻ và đưa ra khẩu hiệu: ‘Bất cứ ai cũng có thể bị coi là gái hư’, ‘Hãy ngừng đổ lỗi cho nạn nhân của tấn công tình dục’…

  Phụ nữ ăn mặc 'mát mẻ' để phản đối suy nghĩ sai lầm 'đổ lỗi' cho nạn nhân bị tấn công tình dục 

Phụ nữ ăn mặc 'mát mẻ' để phản đối suy nghĩ sai lầm 'đổ lỗi' cho nạn nhân bị tấn công tình dục 

7. Những người đàn ông đi giầy cao gót nhảy múa

Đó là hoạt động trong chiến dịch ‘HeForShe’ năm 2016 ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

Trong phong trào này, người đàn ông được khuyến khích làm những việc của phụ nữ như đi giầy cao gót, tắm cho em bé, vào bếp… để thấu hiểu những nỗi vất vả mà giới nữ phải trải qua.

Hình ảnh những người đàn ông đi giầy cao gót mầu hồng cũng đánh dấu một bước chuyển ngoạn mục của phong trào nữ quyền.

Giờ đây, nam giới không bị coi là ‘đối thủ’ mà trở thành ‘đồng minh’ hoàn hảo trong cuộc đấu tranh vì nữ quyền.

Emma Watson, nữ diễn viên sinh Anh năm 1990,  Đại sứ thiện chí Liên Hiệp Quốc về phụ nữ đã có bài phát biểu ấn tượng về bình đẳng giới: ‘Càng nói về nữ quyền, tôi càng cảm thấy điều này thường xuyên bị đánh đồng với sự căm ghét nam giới.

Điều đó chắc chắn cần phải dừng lại. Nữ quyền được định nghĩa là sự bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nam giới và nữ giới. Đó là lý thuyết về sự bình đẳng trong các quyền về chính trị, kinh tế, bình đẳng xã hội giữa các giới’.

  Hình ảnh những người đàn ông đi giầy hồng trong chiến dịch 'He for She' tại Việt Nam 

Hình ảnh những người đàn ông đi giầy hồng trong chiến dịch 'He for She' tại Việt Nam 

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 bắt đầu từ khi nào?

Vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.

Vào những ngày này, hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Việt Nam được chú ý một cách khá đặc biệt, một số hoạt động liên quan đến phụ nữ đã diễn ra nhằm vinh danh nữ giới.

Nhiều cơ quan cũng như công ty đã tổ chức các lễ trao giải thưởng cho những phụ nữ xuất sắc hoặc đạt thành tích trong một số lĩnh vực.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO