Báo Điện tử Gia đình Mới

Ăn thịt lợn bị tiêm thuốc an thần có thể gây ra những bệnh nào?

PGS.TS Trần Đình Toán, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị cảnh báo: ‘Việc tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ sẽ làm người sử dụng bị tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, thần kinh, bệnh về gan, thận…’.

Bởi lượng thuốc tiêm vào lợn chưa kịp bài thải hết đã giết mổ và bán thịt ra thị trường. Việc người dân thường xuyên ăn thịt lợn có chứa thuốc an thần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

lon-tiem-thuoc-an-than3

 Ăn thịt lợn bị tiêm thuốc an thần có thể mắc bệnh tim mạch, thần kinh, bệnh đường tiêu hóa

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, ‘thuốc an thần vào cơ thể với hàm lượng ít có thể không ngộ độc ngay. Nhưng nếu nạp vào cơ thể thường xuyên thì thuốc sẽ tích tụ dần dần trong cơ thể với hàm lượng lớn và gây ra các bệnh mạn tính như bệnh về tim mạch, thần kinh, bệnh về đường tiêu hóa…

Các triệu chứng có thể xảy ra nếu dung nạp nhiều thuốc an thần vào cơ thể là tăng huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, run tay chân, dị ứng…

Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến gan, thận. Bởi, gan, thận sẽ phải làm việc quá tải để loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể.

Và nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu cũng có thể xảy ra khi lượng thuốc này tồn đọng với hàm lượng nhiều, lâu ngày trong cơ thể người’.

Thuốc an thần tiêm vào lợn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, nhưng tại sao các thương lái vẫn sử dụng?

Nguyên nhân là do khi lợn được tiêm thuốc an thần, cụ thể là thuốc Combistress trước khi đem giết mổ sẽ làm cho thịt lợn khi mổ ra có màu sắc đỏ tươi, thịt luôn tươi dẻo. Mà hình thức miếng thịt bắt mắt như vậy lại được người tiêu dùng ưu chuộng.

bac-si-tran-dinh-toan

 PGS.TS Trần Đình Toán, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị

Chính vì vậy, PGS.TS Trần Đình Toán khuyến cáo ‘người dân nên cẩn trọng với những miếng thịt lợn luôn đỏ tươi như thịt bò, thịt luôn tươi dẻo, miếng thịt ướt và khi chế biến ra nhiều nước’.

Trước đó, ngày 29/9, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) - Bộ Công an xác nhận, vừa phối hợp với lực lượng Thanh tra, Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNN, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 1 lò giết mổ khủng tiêm thuốc an thần cho lợn.

Vụ việc khởi nguồn từ những phản ánh của quần chúng nhân dân về việc cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi, TP.HCM) có hành vi tiêm thuốc an thần đồng loạt cho lợn trước khi giết mổ.

Sau khi kiểm chứng sơ bộ về thông tin từ quần chúng, lực lượng C49B đã phối hợp với các cơ quan chức năng bất ngờ ập vào kiểm tra tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (nằm trên đường số 50, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).

Thống kê của cơ quan điều tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra đột xuất có 3.750 trong tổng số 5.231 con lợn tại lò mổ Xuyên Á đã bị tiêm thuốc an thần.

lon-tiem-thuoc-an-than

Hàng nghìn con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, TP.HCM

Đây là lò mổ lớn nhất thành phố, số lợn tại thời điểm thanh tra chiếm hơn 50% trong tổng số lợn sẽ cung ứng ra toàn thị trường mỗi ngày.

Được biết, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó có 2.000 con được giết mổ từ các tỉnh chuyển về.

Loại thuốc được cơ sở giết mổ Xuyên Á sử dụng là combistress (loại 50ml) và lactated ringers (loại 500ml) đã pha thuốc an thần để tiêm vào các con lợn.

Lực lượng tại hiện trường đã lập biên bản thu giữ 6 lọ thuốc combistress và 51 chai lactated ringers đã pha thuốc an thần. Đồng thời, cơ quan chức năng lấy hàng trăm mẫu nước tiểu của lợn để xét nghiệm.

lon-tiem-thuoc-an-than2

Loại thuốc được pha trộn để tiêm vào lợn trước khi giết mổ 

Ngày 30/9, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan điều tra xác định trong nước tiểu, mẫu máu và thịt của lợn dương tính với Acepromazine.

Đây là loại thuốc có tác dụng chống co giật, an thần, giảm đau, chống stress, trị viêm da mẩn ngứa, dị ứng cho động vật.

Các loại thuốc này được đăng ký sử dụng trong thú y để chữa bệnh cho động vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng không được phép sử dụng vào mục đích khác.

Hoạt chất của Acepromazine có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, thường được sử dụng tiền gây mê trong phẫu thuật.

Theo Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Acepromazine không nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng trong thú y.

Tuy nhiên, hành vi tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ là trái chỉ định của nhà sản xuất thuốc, đây là hành động đáng lên án.

Việc tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ban đầu được xác định không nhằm mục đích tăng cân, gian lận thương mại nhưng sẽ làm cho con vật ngủ li bì, không đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng, làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật không kêu, không bị cắn lẫn nhau...

Và nếu con người sử dụng thường xuyên thịt động vật có chứa chất Acepromazine sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, hội chứng thận hư, bệnh thần kinh, đãng trí, trầm uất, run chân tay... gây ra gánh nặng về chi phí y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO