Báo Điện tử Gia đình Mới

Bị hóc khi ăn bún, bé trai 6 tuổi tử vong

Trong khi đang ăn sáng món bún mọc, do bị cay nên bé A. hít hà làm cục mọc rớt vào khí quản, dẫn đến tử vong.

Gia đình bé N.Đ.A (6 tuổi, ngụ tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, sáng ngày 10/8, trong khi đang ăn sáng món bún mọc, do bị cay nên bé A. hít hà làm cục mọc rớt vào khí quản, Báo Đồng Nai đưa tin.

Ngay sau đó, bé A được các bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu khẩn cấp, đặt ống nội khí quản, nâng huyết áp, nhịp tim, gắp dị vật ra khỏi đường thở và được tiên lượng qua cơn nguy kịch.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, đến rạng sáng 11/8, tình hình bé N.Đ.A chuyển xấu.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Do não bé bị thiếu oxy trong thời gian quá dài (khoảng 20- 30 phút) nên huyết áp tụt, rơi vào hôn mê sâu. Sau khi được các bác sĩ thông báo, gia đình đã xin đưa bé A. về nhà và bé qua đời sau đó.

Các bác sỹ khuyến cáo, để phòng tránh trẻ bị dị vật đường thở, các bố mẹ cần phải chú ý tránh ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc, đùa nghịch trong khi ăn. Người lớn tránh cho trẻ nhỏ ăn các các hạt cứng như lạc, đậu, hướng dương...; cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại hoa quả có hạt cứng như táo, dưa hấu...; tránh cho trẻ tiếp xúc với các đồ vật có kích thước nhỏ như viên bi, pin...

Sơ cứu đúng cách khi trẻ hóc dị vật

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu vì dị vật đường thở. Đây là loại tai nạn mà nếu không nhận biết và xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Khi trẻ bị hóc dị vật, trước hết cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.

- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Thủ thuật vỗ lưng: Bố mẹ đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay người làm thủ thuật, bàn tay giữ cằm để đầu của trẻ ngửa. Dùng gót bàn tay kia vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

Nếu dị vật vẫn không bật ra ngoài được thì người sơ cứu tiếp tục làm thủ thuật ấn ngực.

Thủ thuật ấn ngực: Lật ngửa trẻ để trẻ đầu thấp và nằm trên đùi người làm thủ thuật, người sơ cứu dùng hai ngón tay ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái cho đến khi di vật được đẩy ra ngoài”.

Mai Chi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO