Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Nghĩ cho người khác

Ở Nhật Bản mọi giao tiếp, ứng xử của họ gọi là Omoiyari, nghĩa là nghĩ cho người khác từ điều nhỏ nhất.

Mình có vài anh bạn tính lập dị, nhưng họ có điểm chung rất đáng quí là biết nghĩ cho người khác. Có lần ngồi ăn đêm bún ngan ngã tư bốt Hàng Đậu thì có vụ tai nạn, chàng thanh niên thương tích rất nặng nằm chơ vơ giữa đường.

Anh bạn buông đũa chạy sang nhìn rồi chạy về phía công an phường cách đó vài chục mét nói anh trực ban cho mượn xe ô-tô “đuổi chợ” chở người đi cấp cứu. Bạn trực ban cho mượn thật. Nạn nhân thều thào đọc số điện thoại hàng xóm ở quê nhờ báo tin. Anh bạn nộp đủ viện phí và tiền mổ cấp cứu rồi đi về.

Bẵng đi hơn 2 năm sau khi ngồi cafe với nhau, anh nhận được cú điện thoại từ số lạ. Chàng thanh niên kia đã hồi phục và mất rất nhiều thời gian để tìm ân nhân của mình.

Hơn 10 năm trước điện thoại di động chưa phổ biến, số điện thoại quê nhà là số cố định, họ đã nhờ bưu điện lục lại lịch sử cuộc gọi để tìm số máy anh bạn. Hai cha con lặn lội mang lên Hà Nội mấy con gà, 10 cân gạo để tri ân, trong nước mắt người cha năn nỉ anh bạn nhận.

Cafe sáng: Nghĩ cho người khác 0

Người cha nói anh đã sinh con tôi lần thứ 2. Chàng thanh niên vén quần để lộ những mảng sẹo dài to như ngón tay cái chạy dọc đùi. Anh bạn cho đến bây giờ vẫn “Lục vân tiên” cứu hộ tai nạn, người khó ngoài đường như thói quen.

Một anh bạn khác thì chuyên mang tiền vào mấy bệnh viện cho vay. Những trường hợp cấp cứu cần tiền gấp anh đưa họ, không lãi lời gì cả. Cứ cầm tiền giải quyết việc rồi trả dần tôi sau.

Vài triệu đồng lúc cấp bách thật đáng quí, bởi nó còn cứu được người. Anh lặng lẽ làm từ nhiều năm. Mình nhiều lần gợi ý cả hai anh là em viết báo các anh nhé, cả hai đều chối bai bải nói không cần thiết.

Mấy tháng trước mình đi Nhật lần đầu tiên. Quả thật rất ngạc nhiên về phong cách sống của họ có gì đó tương đồng với những người bạn vừa kể.

Cũng là biết nghĩ cho người khác nhưng chi tiết hơn từ những thứ nhỏ nhất. Ví dụ ngay cả việc hỏi tình trạng hôn nhân hay tuổi tác cũng là điều không nên. Mình rất tò mò tuổi của bạn hướng dẫn viên, đợi mãi cho đến khi bạn ý buột miệng nói một anh trong đoàn bằng tuổi mình. 

Cafe sáng: Nghĩ cho người khác 1

Trong phòng khách sạn từ nhỏ nhất đến 5 sao khi mở tủ đều có đầy đủ các dụng cụ cứu hộ, cuộn dây thừng, mặt nạ phòng độc hay lọ xịt chống nhăn quần áo.

Mình ra thăm khu tưởng niệm nạn nhân Nagasaki, có rất nhiều nhóm lớp học sinh trung học xếp hàng ngăn nắp chụp ảnh trước tượng đài. Mình lấy điện thoại ra selfie với hậu cảnh là các bạn học sinh phía xa xa.

Một cụ già nói tiếng Anh rất chuẩn, thật ngạc nhiên, ra mỉm cười bảo Anh bạn đừng nên chụp có mặt các bạn học trò trong hình nhé, hãy tôn trọng sự riêng tư của họ.

Mình đần mặt và cảm giác bối rối. Đi về mới hỏi bạn hướng dẫn viên rằng sao lại vậy? Bạn ấy nói mọi giao tiếp, ứng xử của họ gọi là Omoiyari, nghĩ cho người khác từ điều nhỏ nhất.

Thật không ngạc nhiên bởi sao xã hội Nhật luôn chỉn chu, gọn gàng và lịch lãm đến vậy.

Trí Minh Hoàng 

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO