Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Trí nhớ bản năng và vụ ly hôn nghìn tỷ

Nhiều tháng, báo chí kín mít tin tức việc đôi co vụ ly hôn ngàn tỷ mang tên Trung Nguyên. Đồng tiền phũ phàng gạt ra bên lề những đứa trẻ.

Không rõ tại sao hôm nay tôi thấy nhớ cha mình thật nhiều. Ngoảnh lại quá khứ mới nhớ ra hai bố con đã từng có những cơ hội bên cạnh nhau rất rất gần, và cả hai lần đều trong bệnh viện.

Lần đầu khi tôi còn nhỏ, 5 tuổi, ốm nặng lắm. Có một thế giới khác phía sau bệnh viện nhi là khu sửa xe cấp cứu đầy dầu mỡ và sắt thép, tôi thích xuống đó, để được bế đặt lên ghế lái những chiếc ô tô hỏng mà vân vê vô-lăng, hoặc nằm dài ra băng ghế bằng da...

Bố đứng bên cạnh giải đáp tất cả mọi câu hỏi của đứa trẻ mở đầu là tại sao, tại sao. Lên đến phòng nội trú trước khi đêm xuống cũng vẫn tiếp tục hàng trăm câu hỏi khác.

Trung thu năm cuối trong viện, bố mang vào cho đoàn tàu hỏa bằng nhựa mềm, tôi ngồi lên đầu tàu và thả dốc thoải mà người ta chỉ dùng để đẩy băng-ca.

Trước khi ông đột quị thì tai hỏng hẳn, cha con đối thoại với nhau bằng những nét chữ nguệch ngoạc trên giấy, vỏn vẹn mấy mẫu câu bố muốn ăn gì, bố có đau đâu không…

Cafe sáng: Trí nhớ bản năng và vụ ly hôn nghìn tỷ 0

Đến khi nhập viện, tôi trông ca đêm, ngồi bên cạnh giường bệnh qua nhiều lần mùa nóng, mùa mưa, và lạnh co ro.

Nắm bàn tay nhằng nhịt dây dợ, những mẩu đối thoại là dòng suy nghĩ chạy qua đầu, ông nằm lặng như mặt nước, mỏng dính dưới lớp chăn.

Có thể những suy nghĩ này quay về vì hôm trước tôi đọc quyển “Mẹ thơm một cái” của Cửu Bá Đao, anh viết về những ngày 3 anh em chăm mẹ trong bệnh viện, rất tình cảm.

“Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ. Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ. Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ. Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình”.

Đứa trẻ nào cũng đều biết yêu bố mẹ mình theo một cách rất riêng biệt nào đó.

Đôi khi cuốn theo những uẩn khúc, dòng chảy cuộc sống, có nhiều cha mẹ nghĩ rằng đám trẻ không nhớ hoặc không hiểu gì cả. Mà nhặt lên sự thờ cơ, cãi cọ, cáu giận, bạo lực, li hôn.

Chúng ta càng lớn càng phát hiện ra nhận định đó của người lớn thật quá sai lầm. Lũ trẻ chẳng quên gì cả.

Nhiều tháng, báo chí kín mít tin tức việc đôi co vụ ly hôn ngàn tỷ mang tên Trung Nguyên. Đồng tiền phũ phàng gạt ra bên lề những đứa trẻ.

Trí nhớ con trẻ có thể mai một, nhưng Internet thời này sẽ giúp chúng lưu trữ mọi biến cố, mọi lời nói ác ý về gia đình có cha, mẹ, 4 đứa trẻ, đã từng bên nhau hạnh phúc. Mớ chữ nghĩa sẽ vẫn tồn tại đó 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.

Có thể tôi thuộc tuýp người ủy mị, nhớ lâu lẫn hay xúc động những thứ thuộc về gia đình nên hay tự đặt bản thân vào những hoàn cảnh éo le. Chỉ để thử đo đạc cảm xúc.

“Lòng cảm thông cũng chẳng phải phẩm chất cao cả cho lắm, chỉ là điểm xuất phát của lòng tốt cơ bản nhất trong mỗi con người”.

Hoàng Minh Trí

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO