Báo Điện tử Gia đình Mới

Junko Tabei - Người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là ai?

Chinh phục đỉnh núi Everest là ước mơ của bất kỳ người leo núi chuyên nghiệp nào. Bà Junko Tabei đã được ghi nhận là người phụ nữ đầu tiên chinh phục được đỉnh núi cao nhất thế giới này.

Junko Tabei - Người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là ai? 0

Junko Tabei là ai?  

Theo WikiPedia, Tabei Junko (tiếng Nhật: 田部井淳子) (SN 22/9/1939, mất ngày 20/10/2016).

Bà là một nhà leo núi người Nhật Bản, là người phụ nữ đầu tiên chinh phục được đỉnh núi Everest vào ngày 16/5/1975.

Tabei sinh tại tỉnh Fukushima năm 1939. Bà thể hiện khả năng leo núi của mình từ nhỏ khi leo lên ngọn núi Nasu với một giáo viên khi mới 10 tuổi. Cuộc leo núi này đã làm thay đổi cuộc đời bà.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học nữ sinh Showa chuyên ngành văn học Anh và tham gia vào câu lạc bộ leo núi, Tabei thành lập ra một câu lạc bộ leo núi nữ mang tên "Câu lạc bộ leo núi nữ Nhật Bản" vào năm 1969. Bà cũng thường leo núi với chồng mình.

Junko Tabei - Người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là ai? 1

Hai vợ chồng đã từng leo núi Phú Sĩ và một vài ngọn núi cao nhất Nhật Bản khác. Bà cũng từng leo lên đỉnh ngọn núi Matterhorn trong dãy Alps Thụy Sĩ.

Từ năm 1972, Tabei trở thành một trong những nhà leo núi nổi tiếng nhất Nhật Bản.

Cũng trong năm đó, báo Yomiuri và đài truyền hình Nihon quyết định tổ chức một nhóm leo núi toàn nữ đến Nepal để chinh phục núi Everest. 

Tabei nộp đơn xin chính phủ Nepal cấp phép để chinh phục đỉnh Everest khi đang mang thai tháng thứ tư. Khi con gái ra đời chưa đầy nửa năm thì giấy phép cho năm 1975 được gửi về nhà.

Đây là một cuộc cách mạng không chỉ đối với xã hội Phù Tang còn nặng nề tính truyền thống, mà còn với lĩnh vực thể thao leo núi vốn hầu như được coi là độc quyền của nam giới.

“Ai nghe tin này cũng lắc đầu ngán ngẩm, ngay cả các vận động viên leo núi cũng không tin vào thành công”, Tabei sau này kể lại.

Junko Tabei - Người phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là ai? 2

Các nữ vận động viên không tìm được nhà tài trợ. May mắn vào phút chót, báo Yomiuri và đài truyền hình Nihon quyết định đứng ra bảo trợ tài chính. Tuy nhiên số tiền quá ít ỏi khiến cả đoàn phải tính toán chi li.

Họ sắm rất ít đinh thép để đóng vào sườn núi, tiết kiệm cả ô-xy, chỉ dùng mặt nạ dưỡng khí khi lên cao hơn 7.500m. Khác với ngày nay, mỗi mùa leo núi dạo ấy chỉ có một đội được cấp phép, nghĩa là chưa có lối mòn của người đi trước nên mỗi lần leo núi là một cuộc khám phá mới.

Chinh phục Everest - thử thách vĩ đại trong cuộc đời 

Sau những cuộc huấn luyện dài và vất vả, đầu năm 1975, họ đến Kathmandu, thủ đô Nepal, tuyển mộ được 9 người Sherpa địa phương để làm người dẫn đường.

Họ sử dụng lộ trình hành lang Đông Nam, là con đường mà Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã lên đỉnh từ năm 1953.

Vào đầu tháng 5, những phụ nữ này cắm trại ở độ cao 6.300 mét, và một trận tuyết lở đã đổ xuống trại của họ. Các thành viên, trong đó có Junko, bị vùi dưới tuyết.

  Bà Tabei trên đỉnh Everest năm 1975

Bà Tabei trên đỉnh Everest năm 1975

Tabei đã bất tỉnh khoảng 6 phút cho đến khi người dẫn đường của bà bới được bà ra từ đống tuyết. 12 ngày sau trận tuyết lở, Tabei trở thành người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest.

Năm 1992, Tabei cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục được 7 đỉnh núi cao nhất 7 châu lục.

Cho tới gần đây bà vẫn leo 3-4 đỉnh núi mỗi năm. Ngọn núi nổi tiếng gần đây được bà chinh phục là Muztagh Ata năm 2001.

Tabei hiện là giám đốc của tổ chức Sự thật về phiêu lưu trên Himalaya của Nhật Bản (tiếng Anh: Himalayan Adventure Trust of Japan (HAT-J)), một tổ chức tập trung vào việc bảo vệ, gìn giữ môi trường trên các ngọn núi. 

Nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới. Năm 2007, nơi này có độ cao 8.848 m so với mực nước biển. Do vận động kiến tạo địa chất, đỉnh núi này vẫn cao thêm 2,5 cm mỗi năm.

Người Nepal gọi đỉnh núi này là Sagarmatha, nghĩa là Trán trời. Còn người Tây Tạng gọi đó là Chomolangma tức Thánh mẫu vũ trụ.

Everest là nơi có môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Nhiệt độ trung bình trên núi là -19 độ C vào mùa hè và -36 độ C vào mùa đông.

Người leo đỉnh Everest phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu oxy, trượt ngã, thời tiết băng giá, gió bão. Nhưng nguy hiểm nhất là những cột băng khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà, những tháp băng bấp bênh sẵn sàng sụp xuống bất kỳ lúc nào. 

Tại Nepal, người leo núi sẽ được chính phủ cấp phép sau khi đã đóng một khoản phí không nhỏ, trước kia là 25 ngàn USD/người và đầu năm 2014 đã hạ xuống 12 ngàn USD/người.

Khoản phí đó bao gồm chi phí thuê người Sherpa (một dân tộc địa phương rất giỏi leo núi) và trâu yak (trâu lùn) thồ hành lý.

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO