5 giờ 35 phút sáng ngày 4/7, khoác chiếc ba lô quen thuộc, chị Vương Thị Xuyên (Ba Vì, Hà Nội) đi bộ từ xóm chạy thận tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội sang Bệnh viện Bạch Mai chạy thận nhân tạo ca đầu của ngày.

“Bình thường tôi đi muộn hơn vì 7 giờ mới bắt đầu chạy thận nhân tạo nhưng do thời tiết nắng nóng qua, tôi tới bệnh viện sớm cho mát”, chị Xuyên chia sẻ.

Cũng giống chị Xuyên, anh Mai Anh Tuấn- "Trưởng xóm chạy thận" cũng xuất phát từ khu trọ lúc gần 6 giờ sáng để tránh nắng, tránh nóng. Một vài người chạy thận nhân tạo vào ngày lẻ hoặc chạy ca hai, ca ba trong ngày cũng lục đục trở dậy vì không chịu được cái nóng.

Gần 10 giờ 30 phút, một số người của đợt chạy thận nhân tạo đầu tiên trong ngày trở về khu trọ. Những người phụ nữ ăn mặc kín mít, những người đàn ông buông tay áo dài đến ngang bàn tay, đeo khẩu trang, đội mũ, ô che… đi bộ dưới cái nắng chói chang từ Bệnh viện Bạch Mai về xóm trọ cách đó gần 2 cây số. Họ tìm đủ mọi cách để da thịt không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Chị Xuyên vừa đi vừa nghỉ vài lần vì cái nắng gay gắt, như vớ được cọc khi nhìn thấy tấm biển ghi “xóm chạy thận” phía trước mặt. Chị được mẹ đứng đón ở đầu ngõ, khoác hộ cái ba lô to.

Về tới nhà, không đủ sức thay bộ quần áo, chị cứ thế leo lên giường nằm. Chị nhúng một bên tay không có cầu chạy thận nhân tạo vào chậu nước bên cạnh. Chiếc chậu đó cứ vơi lại đầy, đó là cách mẹ con chị Xuyên chống lại cái nóng.

Ở dãy nhà trọ phía ngoài, bà Vũ Thị Niêm (Bắc Giang) đang trùm chiếc khăn ẩm lên đầu, liên tục đo huyết áp. Trước mặt bà là một chậu nước lớn, quạt thốc vào nhưng cũng không đủ để làm dịu mát hơi nóng đang bốc lên trong căn phòng vài mét vuông. Bà cũng vừa đi chạy thận về.

"Chỉ còn cách này thôi, nắng nóng khiến huyết áp không ổn định nên tôi hay mệt lắm. Ngày mai tôi mới chạy thận, đến bát cháo nấu từ sáng giờ ăn còn không hết", bà Niêm liên tục kêu mệt và tìm đủ cách xoay trở trên chiếc giường nhỏ.

Đám thanh niên trong xóm chạy trận tụ tập xem trận thi đấu bóng đá trong khuôn khổ World Cup 2018 được phát lại trên buổi sớm ti vi. Cửa hàng tạp hoá ngay đầu xóm này cũng là nơi mọi người lui tới “hóng gió” và “hóng chuyện”. Những ngày Hà Nội 38 – 40 độ như mấy hôm nay, nắng, nóng, điều hoà, nước là những danh từ hay được mọi người nhắc đến nhiều nhất.

- Phòng kia mát nhất kìa, có cái cây to đùng che nắng cho!

- Cậu thuê phòng có điều hoà đi để chúng tôi sang ngồi nhờ…

Câu chuyện tếu táo giữa những cư của xóm chạy thận đưa họ qua từng tiếng oi ả của đợt nắng nóng đỉnh điểm này.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 4/7, nắng nóng đặc biệt gay gắt tiếp diễn ở Bắc và Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất nhiều nơi trên 40 độ C. Trong đó, nhiệt độ thực tế ngoài trời ở Hà Nội lên đến 47 độ C.

Xóm chạy thận Lê Thanh Nghị hiện có 121 bệnh nhân với 60 căn phòng trọ. Trong đó, phòng nhỏ nhất chỉ khoảng 5m2 mà rộng nhất cũng chỉ vỏn vẹn 9m2. Trong chừng ấy mét vuông, những cư dân của xóm chạy thận dùng làm chỗ nghỉ ngơi, đun nấu, thậm chí phơi quần áo.

Chiếc quạt cây duy nhất được bật hết công suất, được ông chủ quán tạp hoá thiết kế cài thêm cái vòi phun tạo hơi sương ẩm, quay một vòng, ai đến quán cũng được mát.

Trận đấu bóng đá kết thúc, một vài người vẫn ngồi lại nơi thoáng nhất xóm trọ đó, còn anh Nguyễn Văn Hùng (Hải Hậu, Nam Định) về phòng trọ của mình- nơi ông Trần Văn Tặng (Nghĩa Hưng, Nam Định) đang nằm áp lưng trần xuống chiếc chiếu trúc ẩm nước.

Trong suốt 16 năm chạy thận của anh Hùng và 14 năm chạy thận của ông Tặng tại Thủ đô, cả hai chưa bao giờ thấy mùa hè nào nóng "cháy da cháy thịt" như năm nay. Cái nóng ló cái khôn, hai người lấy 2 tấm chăn, thấm đẫm nước, treo thành hình chiếc màn. Nước ở trên nhỏ xuống tong tỏng, quạt thốc tạo ra hơi ẩm, người nằm ở dưới cũng đỡ nóng phần nào.

Buổi tối, chiếc màn được hai ông con khéo léo lồng vào phía dưới. Vậy là, ông Tặng và anh Hùng vừa mát thân lại không lo bị muỗi đốt. Ý tưởng này có từ khi ông Tặng và anh Hùng sống cùng nhà trọ với nhau từ 3 năm trước.

Dãy trọ đối diện nơi bà Dương Thị Hoài – người cùng quê với ông Tặng thuê vắng người. Bà đang nấu món rau cho bữa cơm trưa của mình. “Tôi thấy khoẻ nên nấu, để lúc nào ăn thì ăn chứ không lại mệt lắm”, bà đảo nồi rau đang sôi.

Bà Hoài nhẩm tính, chắc tháng này sẽ phải nộp nhiều tiền điện hơn, vì thời tiết nóng bức, bà dùng điều hoà. Bà tâm sự, chiếc điều hoà này bà có được nhờ người chồng vừa mới vĩnh biệt bà 6 tháng trước. Nhưng bà Hoài cũng chỉ dám bật 1 - 2 tiếng/ngày vào lúc nắng nóng quá không chịu được, vì giá tiền điện ở đây là 5.000 đồng/số điện.

Cùng dãy trọ với bà Hoài, bà Phạm Thị Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) đang giặt bộ quần áo, rửa vài cái đĩa, cái bát, đôi đũa bà vừa ăn cơm xong, để chuẩn bị đi chạy thận.

Bên ngoài, chiếc xe đạp được dựng nghiêng đang đợi bà cùng tới Bệnh viện Bạch Mai. “Nắng nóng quá! Khó chịu lắm! May mà tôi có cái quạt hơi nước chứ không thì không biết như thế nào”, bà Tảo chia sẻ.

Ở phòng đối diện, gia đình 3 người của anh Phạm Duy Tha (Lý Nhân, Hà Nam) đang co chân trên một chiếc giường nhỏ trong căn phòng rộng chưa được 6m2 ăn bữa cơm trưa. Từ năm ngoái, khi còn ở phòng trọ cũ, vợ chồng anh Tha đã sắm một chiếc máy phun sương.

Chuyển sang khu trọ này, anh mang theo chiếc máy và nó tiếp tục được bật lên từ 10 giờ 30 phút - giờ bắt đầu nấu ăn cho tới khi nắng tắt.

Mặt trời đứng bóng, xóm trọ thưa người qua lại, “tụ điểm” giao lưu của các cư dân trong xóm đóng cửa, các dãy nhà trọ im lìm, những người chạy thận nhân tạo ca 2 đang nằm ở bệnh viện. 

Họ đối diện với nỗi khổ sở của mình một cách hồn nhiên, cười đùa hồn nhiên khi nói về nó.

Bởi họ cần lạc quan cũng giống như cần máu để chống chọi với bệnh tật mà vẫn phải dành chút sức lực của mình để sống sót qua cái nóng kinh người giáng xuống đầu mỗi ngày như là số phận bắt họ phải thế...! 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO