Báo Điện tử Gia đình Mới

Khắc nghiệt như ly hôn ở Nhật Bản: Chỉ một người có quyền nuôi con, người còn lại mất con vĩnh viễn

Luật pháp của đất nước này không cho phép chia sẻ quyền nuôi con, dẫn đến nhiều hệ lụy và ảnh hưởng không nhỏ đến đứa trẻ.

Nghi thức đập nát nhẫn, đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hôn nhân ở Nhật

Nghi thức đập nát nhẫn, đánh dấu sự kết thúc của một cuộc hôn nhân ở Nhật

Thủ tục ly dị ở Nhật Bản khá đơn giản: khi muốn kết thúc hôn nhân, hai vợ chồng chỉ cần ký đơn rồi nộp cho chính quyền địa phương.

Đối với trẻ em có bố mẹ ly dị, điều này cũng đồng nghĩa em sẽ mất một trong hai bố mẹ vĩnh viễn.  

Ở hầu hết các nước phát triển, tỷ lệ ly hôn đang tăng nhanh và Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Nhật, tỷ lệ ly dị là trên 36% vào năm 2010, với 253.353 cặp ly hôn.

Nhưng điều khiến cho các cặp vợ chồng Nhật khác biệt với những nước khác là: theo luật, cha mẹ không được chia sẻ quyền nuôi con. Thay vào đó, chỉ một người được quyền giám hộ, thường là người mẹ.

Những đứa trẻ cần có sự quan tâm và tiếp xúc với cả bố lẫn mẹ

Những đứa trẻ cần có sự quan tâm và tiếp xúc với cả bố lẫn mẹ

Theo luật sư ly hôn Kiyoko Ishiguro, truyền thống này đã áp dụng với nhiều thế hệ và không có dấu hiệu thay đổi.

Bà cho biết, quyền giám hộ là điều các cặp đôi ít khi đề cập đến hoặc bàn bạc cuối cùng vì mối ưu tiên của họ khác nhau.

Bà cũng nói thêm, thậm chí đến bây giờ, không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu rằng con cái cần có sự quan tâm và được tiếp xúc với cả bố lẫn mẹ.

Sau khi ly dị, các cặp đôi thường không muốn gặp lại nhau và đôi khi vì tức giận, họ không cho phép con mình gặp người kia, hoặc thậm chí con cái sẽ từ chối gặp người không có quyền giám hộ vì nghĩ rằng người đó là nguyên nhân gia đình tan vỡ.

ly-hon-o-nhat

Terue Shinkawa là một trong rất nhiều bậc cha mẹ ly hôn ở Nhật. Chị được quyền giám hộ hai người con từ hai cuộc hôn nhân tan vỡ. Chị chia sẻ, cả chị và các con đều chấp nhận điều này.

Người chồng thứ nhất của chị thiếu sự quan tâm cần có của một người cha còn người chồng thứ hai quá đau buồn vì cuộc ly hôn và không muốn gặp lại con.

Bà Hiromi Ikeuchi, chuyên gia tư vấn ly dị và tác giả của nhiều cuốn sách về ly hôn ở Nhật Bản giải thích, điều luật này xuất phát từ quan niệm của người Nhật: Người rời khỏi nhà không còn được coi là một thành viên trong gia đình nữa và đã từ bỏ quyền được gặp con.

Bà cho hay, trẻ em sinh ra sẽ được thừa kế tài sản và mang tên họ của người trụ cột gia đình, dù đó là đàn ông hay phụ nữ. Bà cũng thừa nhận, luật pháp và phong tục truyền thống của Nhật rất cứng nhắc và khắc nghiệt.

Quyền giám hộ thường được trao cho người gần gũi với đứa trẻ hơn hoặc đang sống cùng trẻ, vì vậy rất nhiều trường hợp người mẹ đưa con đi biệt tích.

Tháng 5 vừa qua, những người cha bị mất con đã tổ chức một cuộc mittinh để đòi chung quyền giám hộ và nâng cao nhận thức về những tổn thương gây ra cho trẻ khi hôn nhân tan vỡ.

Những biểu ngữ 'Chấm dứt việc bắt cóc con!' bằng nhiều thứ tiếng trong cuộc diễu hành

Những biểu ngữ 'Chấm dứt việc bắt cóc con!' bằng nhiều thứ tiếng trong cuộc diễu hành

Diễu hành qua khu vực quận Asakusa ở Tokyo, khoảng 30 người Nhật và người nước ngoài giơ băng rôn với dòng chữ: ‘Chấm dứt việc bắt cóc con!’ và ‘Thêm thời gian thăm con!’ bằng nhiều thứ tiếng.

Đó là cuộc mittinh đầu tiên do diễn đàn của những bậc phụ huynh bị mất con tổ chức nhằm bảo vệ quyền của trẻ và phản ánh nạn cha mẹ bắt cóc con ở Nhật.

Daisuke Tanaka, người tổ chức cuộc mittinh phát biểu: ‘Tôi muốn mọi người biết rằng trẻ con có quyền gặp cả bố lẫn mẹ và cả hai bố mẹ có trách nhiệm thực hiện điều đó’.  

Anh Tanaka rất khó khăn mới có thể dành thời gian cho con gái sau khi vợ anh bế con đi từ tháng 3/2016. Kể từ đó, anh chỉ được gặp con 2 lần/tháng, mỗi lần 3 tiếng.  

Anh Tanaka không phải trường hợp duy nhất. Hầu hết những người vợ bỏ đi cùng con trước khi nộp đơn ly dị hoặc tranh quyền giám hộ.

Anh nhận định, tình trạng này vẫn còn tiếp tục diễn ra nếu Nhật không chấp nhận việc chung quyền giám hộ.

Bộ luật dân sự yêu cầu cha mẹ quyết định thời gian thăm con và thu xếp quyền giám hộ nhưng theo nghiên cứu, phần lớn các cặp đôi tìm đến tòa án để giải quyết.

Empty

Một nhóm các nhà lập pháp đang dự thảo một điều luật giúp các bậc phụ huynh đã ly dị có thể gặp con dễ dàng hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn khiến bộ luật này chưa biết bao giờ có hiệu lực.

Một số người lo ngại sẽ rất nguy hiểm nếu những bậc phụ huynh có tiền sử bạo lực gia đình được trao quyền thăm con.

Anh Susumu Ishizuka, 48 tuổi, một người tham gia diễu hành cho hay, cần nâng cao nhận thức về vấn đề này bởi xã hội thường cho rằng vì người chồng vũ phu nên mới xảy ra chuyện này.

Vợ anh đã bỏ đi 3 năm trước cùng đứa con 5 tuổi. Họ chưa chính thức ly dị nhưng theo phán quyết của tòa, anh chỉ được gặp con 2 tháng/lần, mỗi lần 2 tiếng.

‘Tôi chỉ được gặp con ở địa điểm định sẵn và không được tặng quà cho con. Đây đâu thể gọi là mối quan hệ cha con được!’ – anh bức xúc.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO