Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Người chuyển giới ở Việt Nam: Bị kỳ thị, lạm dụng tình dục, phải mua nội tiết 'chợ đen'

Các rào cản về mặt xã hội, văn hoá, pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong chính gia đình và nơi công cộng.

  Cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam rất nhiều nhưng phần nhiều trong số đó có chưa thể hoà nhập với xã hội

Cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam rất nhiều nhưng phần nhiều trong số đó có chưa thể hoà nhập với xã hội

Đó là thông tin được chia sẻ trong Hội thảo "Luật Chuyển đổi giới tính dành cho người chuyển giới” diễn ra vào sáng 26/9 do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức.

Vũ Hoàng Mai Châu, Trưởng Ban điều hành mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam chia sẻ: “Gần đây nhất, Mai Châu tiếp nhận trường hợp một bạn chuyển giới tại Kon Tum.

Bạn được gia đình đưa ra Bệnh viện ngoài Hà Nội chữa bệnh chỉ vì bố mẹ bạn cho rằng, không hiểu vì sao bạn ấy là con gái những thích mặc quần áo con trai, có suy nghĩ con trai. Chính bác sĩ không biết giải quyết như thế nào!”

Hiện nay, nhiều gia đình người chuyển giới thường hay nghĩ người chuyển giới có vấn đề về tâm lý nhưng mọi người không biết rằng, trong cuộc sống con người rất đa dạng, việc lựa chọn không phải mong muốn cá nhân.

Trên thế giới có những nghiên cứu chỉ ra, những trải nghiệm xấu, bệnh tâm thần ở người chuyển giới phần lớn từ những áp lực từ gia đình, xã hội mang lại đồng thời do họ thiếu cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế.

Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới.

Các rào cản về mặt xã hội, văn hoá, pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong chính gia đình và nơi công cộng. Cơ hội để họ tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt với những người dũng cảm bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn. 

Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP. HCM cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích được thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Người chuyển giới ở Việt Nam: Bị kỳ thị, lạm dụng tình dục, phải mua nội tiết 'chợ đen' 1

Tình trạng bị lạm dụng tình dục, bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, 16% đề cập đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.

Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý, xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện ở Việt Nam, dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có, gây trở ngại cho cộng đồng trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người - quyền được sống khoẻ mạnh. 

Người chuyển giới ở Việt Nam: Bị kỳ thị, lạm dụng tình dục, phải mua nội tiết 'chợ đen' 2

Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết mua ở “chợ đen”. Một số ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề về sức khoẻ do điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone. 

Tại Việt Nam, chỉ khi có hành lang pháp lý những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn, quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận. 

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở đường cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới.

Bộ Luật dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính.

Hiện nay, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 - 2020. 

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO