Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hậu ly hôn: Cách nào để đảm bảo con được an toàn khi không trực tiếp nuôi con?

Câu chuyện bé K. (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bị chính bố ruột và mẹ kế bạo hành đến tàn tật cơ thể và tinh thần đang khiến nhiều người cho rằng chính việc ly hôn của bố mẹ cậu bé đã dẫn tới hậu quả này.

Ly hôn không phải là nguyên nhân gây ra bi kịch của bé K

Ly hôn không phải là nguyên nhân gây ra bi kịch của bé K

Gia Đình Mới giới thiệu góc nhìn của bạn đọc T.H., người có những kinh nghiệm sống thực tế về vấn đề nuôi nấng, chăm sóc con sau khi hôn nhân tan vỡ.

Là người từng có cuộc hôn nhân không trọn vẹn, tôi may mắn có quyền nuôi con sau khi ly hôn. Tôi được nuôi nấng, dạy dỗ và nhìn thấy được mỗi bước trưởng thành, khôn lớn của con hàng ngày.

Tuy nhiên, dù là người nuôi con hay không, tôi nghĩ cần có cái nhìn khách quan và lạc quan hơn một chút.

Trước hết, ly hôn không phải là mong muốn của bất cứ ai.

Thường thì chỉ đến khi không còn sự lựa chọn, không còn giải pháp để có thể sống chung và cứu vãn hôn nhân thì người ta mới tìm đến ly hôn, như là một sự giải thoát để cuộc sống mỗi người, đặc biệt là con cái được tốt hơn.

Mọi người thử hình dung đến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng, thậm chí sẵn sàng vùng lên cãi nhau bất cứ lúc nào thì con cái sống trong một môi trường như vậy có quá là bạo hành và tra tấn không?

Vậy nên, với câu chuyện em K., chúng ta gạt chuyện ly hôn của ba mẹ em sang một bên và đánh giá cách hành xử, đúng sai của người cha, người mẹ sau khi hôn nhân tan vỡ.

Những thương tích trên cơ thể bé K. khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng xót xa

Những thương tích trên cơ thể bé K. khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng xót xa

Sau khi đọc và xem những hình ảnh thương tích trên mặt trên đầu em, không phải con mình mà tôi thực sự xót xa.

Đối với cha bé, hẳn không có gì để biện minh, tuy nhiên, tôi cứ lăn tăn mãi một câu hỏi trong đầu: Vì sao mẹ cháu bé không thể gặp bé trong khoảng thời gian dài như thế?

Nếu thật sự người mẹ muốn gặp con, thì liệu có cách nào, hay giải pháp gì không khi bị cha đứa trẻ hay người trông nuôi gây khó dễ, cấm đoán?

Mẹ bé K. đã thiếu những hiểu biết pháp luật về quyền của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, cũng như bỏ rơi những ‘nguyên tắc vàng’ để giữ cho con được hạnh phúc sau khi gia đình tan vỡ.

Theo tôi, đây là những điều mà một người mẹ sau khi ly hôn cần lưu ý, đặc biệt là những mẹ không trực tiếp nuôi con.

Tạo cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng, không thù hận sau ly hôn:

Thường sau khi ly hôn, vợ chồng cũ không nhìn mặt nhau, thậm chí đi nói xấu và luôn tạo mối quan hệ căng thẳng không đội trời chung; điều này mới gây thiệt thòi cho con cái.

Con cái lúc này sẽ thiếu thốn tình cảm của bố hoặc mẹ, còn bố mẹ muốn thăm nuôi con cũng bị ‘đối phương’ gây khó dễ.

Cha mẹ không bao giờ được nói xấu ‘đối phương’ với con cái khiến cho trẻ có suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc, dễ hình thành tích cách lỳ lợm, xù xì để ‘đối phó’ với cuộc sống theo nó là không tốt đẹp.

Quan tâm đến con cái bất cứ lúc nào có thể:

Đừng vì bất cứ lý do gì (bận bịu, nghèo khổ...) mà ‘bỏ quên’ con cái.

Quan tâm đến con bằng cách hỏi han, liên lạc thường xuyên, không chỉ nắm được cuộc sống của con khi không thể ở với mình; còn là liều thuốc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lành mạnh, vui vẻ, không mặc cảm, tự ti, thiếu hụt.

Ở câu chuyện của bé K., mẹ bé có thể đến trường học để tìm con, nếu như lý do của chị là bố của K. chuyển nhà trọ liên tục, chị không thể tìm đến nơi con ở.

Nếu K. không đi học thì đây là ‘báo động đỏ’ để mẹ cháu phải nhờ đến sự quan tâm của gia đình hai bên nội ngoại, cơ quan chức năng chứ không phải để mặc mọi chuyện xảy ra lâu đến như vậy.

Thử hỏi, nếu cháu K. không thể trốn khỏi nhà của bố đẻ và mẹ kế thì bé sẽ còn bị hành hạ trong ‘địa ngục trần gian’ như vậy đến bao giờ?

Hiểu biết pháp luật

Cha mẹ, người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người trực tiếp nuôi con cho thăm nom con. Các hành vi cấm đoán, gây khó khăn cho việc thăm nom con đều là vi phạm pháp luật.

Trường hợp của mẹ bé K., nếu thực sự muốn gặp con thì không phải là không có cách, kể cả khi bị bố đứa trẻ cấm đoán.

Các mẹ cần hiểu biết pháp luật và nhờ chính quyền và cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp khi cần thiết.

Người làm cha, làm mẹ đừng vì bất cứ lý do gì mà bỏ bê con cái

Người làm cha, làm mẹ đừng vì bất cứ lý do gì mà bỏ bê con cái

Cản trở cha, mẹ thăm nom con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật

Theo Điều 82, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Theo Điều 83, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định về nghĩa vụ của cha mẹ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo quy định tại Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định:

Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ.

Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.

Khi bị một bên cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Người không trực tiếp chăm sóc con có thể thực hiện như sau:

1, Nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng người kia gây khó khăn, cản trở.

2, Đến trường làm đơn xác nhận, xin sao chụp hồ sơ học bạ, sổ liên lạc… để minh chứng tình trạng sức khỏe, hạnh kiểm và học lực của con

3, Làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho t.hi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án Tòa.

Sau đó, cơ quan Thi hành án mời các bên đến làm việc, người trực tiếp chăm sóc sẽ cam kết về việc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm con, không gây khó nữa. Nội dung này được ghi vào biên bản, có ký tên đóng dấu của cơ quan thi hành án.

Nhưng nếu người trực tiếp chăm sóc con không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận thì bên không trực tiếp chăm sóc được quyền gửi đơn đến Tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Với những chứng cứ và quy trình đã làm, Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu của người nộp đơn, quyết định cho thay đổi người nuôi con một cách thuyết phục.

Nếu người nuôi con không thi hành việc cho thăm con thì người kia có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.

Thông tin tư vấn của Công ty Luật TNHH Dương Gia

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO