Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cảnh báo lũ, sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

anh3-1

Ảnh minh họa 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía Tây của hoàn lưu cơn bão số 11, từ đêm ngày 15/10 cho đến ngày 17/10 ở Bắc Bộ có mưa, riêng phía Đông Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Từ ngày 16/10 đến ngày 17/10, trên lưu vực sông Thao, sông Lô và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức dưới BĐ 1, riêng đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái và sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng ở mức BĐ 1.

Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Diễn biến bão Khanun cập nhật lúc 11h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương:

Hồi 10 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km. Đến 10 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 190km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới do bão (gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc từ vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam mỗi giờ đi được 10-15km và tiếp tục suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được 5km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 16. Biển động dữ dội.

Vùng biển Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7; từ đêm nay ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 13; biển động dữ dội.

Từ sáng nay, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.

Thông tin về phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất của ông Trần Quang Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương chia sẻ với PV Báo Lao Động:

Lũ quét, sạt lở đất là hiện tư­ợng tự nhiên, chịu ảnh hư­ởng của nhiều nhân tố và thường xảy ra ở những lưu vực sông suối miền núi với các đặc điểm thuận lợi cho hình thành như: Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, địa hình chia cắt, độ dốc lưu vực và độ dốc sông suối lớn nhất là các lưu vực có độ dốc lớn, độ ổn định của lớp đất mặt yếu do quá trình phong hoá mạnh, độ che phủ của thảm thực vật th­ấp do bị tàn phá mạnh tạo điều kiện tập trung hình thành dòng chảy dồn vào các sông suối, lượng n­ước tích tụ ngày càng nhanh và tạo ra thế năng rất lớn gây ra lũ quét. Sự xuất hiện của lũ quét thư­ờng chỉ trong vài giờ sau khi có m­ưa với c­ường độ lớn...

Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở các vùng núi, với quy mô không lớn nhưng chưa thể dự báo được chính xác. Công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất phải tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính. Người dân phải luôn có sự chủ động, cảnh giác và chuẩn bị phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất như sau: Người dân không nên làm nhà ở và sinh sống tại những nơi thường có lũ quét xảy ra như sườn núi, sườn dốc, nơi gần dòng chảy và có độ dốc cao.

Khi có mưa lớn hoặc có những thông tin cảnh báo về mưa, lũ lớn, nên tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đặc biệt khi có mưa lớn. Chủ động, thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ trên vô tuyến, đài hoặc loa phóng thanh, các phương tiện truyền thông. Khi thấy các dấu hiệu bất thường như nghe thấy tiếng động hay nhìn thấy nước chuyển màu đục… thì nên thông báo cho những người xung quanh để kịp thời ứng phó.

Người dân nên chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực đất cao hơn để trú ẩn, bảo vệ tính mạng mình trước tiên, chứ không phải là tài sản. Không được bơi lội qua sông, suối nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường (nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần, có nhiều củi, rác kéo theo dòng chảy). Hạn chế đi lại qua sông, suối ngay sau lũ xảy ra. Không cho trẻ em đùa nghịch hoặc đi lại ở gần những nơi vừa xảy ra lũ quét...

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO