Báo Điện tử Gia đình Mới

Rất nhiều phụ nữ gặp khó khăn vì chồng cũ ‘trở mặt’ sau ly hôn

‘Qua theo dõi nhiều vụ việc, chúng tôi thấy rằng nhiều phụ nữ đang gặp khó khăn vì người chồng cũ đã không thực hiện đúng bản án ly hôn về quyền thăm con, chi phí nuôi con, phân chia tài sản...’, bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam cho hay.

vo-chong-ly-hon

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ nhỏ khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng các gia đình hiện đại đang quá bận rộn mà quên đi mất việc phải chăm sóc con cái?

Đặc biệt, câu chuyện sau ly hôn của mỗi gia đình cần phải làm sao cho hợp lý mà không ảnh hưởng đến con trẻ?

Đề cập đến vấn đề này, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với bà Trần Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam).

PV: Thưa bà, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ, đặc biệt là gần đây nhất bé trai tên K. 10 tuổi bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man, bà có suy nghĩ sao về tình trạng này?

Bà Trần Thị Hương: Đây rõ ràng là hành vi vi phạm Luật trẻ em năm 2016, là hành vi bạo lực đối với trẻ em, cản trở trẻ em thực hiện quyền của mình như quyền đi học, vui chơi, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng…

Việc này cũng cho thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức và có thể coi là dấu hiệu khủng hoảng về giáo dục gia đình cũng như văn hoá gia đình khi các bậc cha mẹ có thể ra tay bạo hành với con của chính mình.

Bản thân tôi là một người mẹ và tôi thực sự không thể tin được khi nhìn hình ảnh các vết thương trên người các cháu bé, nhưng tôi nghĩ vết thương về tinh thần của các cháu còn đau đớn và dai dẳng hơn nhiều.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

PV: Việc bố cháu K. ngăn cản không cho cháu K. gặp mẹ trong suốt 2 năm có phải là hành vi vi phạm pháp luật không, thưa bà?

Bà Trần Thị Hương: Câu chuyện của cháu bé K. ở Hà Nội trong mấy ngày gần đây thực sự là rất đau lòng.

Tôi được biết rằng mẹ cháu bé đã rất cố gắng để liên lạc với con nhưng đều bị người cha ngăn cản. Có thể nói là quyền thăm con sau khi ly hôn của người mẹ đã bị vi phạm.

Việc đảm bảo quyền thăm nom con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được pháp luật quy định rõ trong Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Cụ thể: Luật Hôn nhân gia đình 2014, Điều 82 khoản 3 quy định ‘sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở’; Điều 83 Khoản 2 quy định ‘Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con’.

Đồng thời, ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa cha, mẹ và con cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình 2007.

Hành vi cố tình ngăn cản việc thăm, nuôi con của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

PV: Qua những vụ việc phía Hội LHPN Việt Nam đã từng tiếp nhận, và đặc biệt là vụ việc của cháu K. thì phải chăng việc thực hiện bản án sau ly hôn đối với phụ nữ đang có vấn đề thưa bà?

Bà Trần Thị Hương: Qua theo dõi nhiều vụ việc cũng như các đơn thư mà Hội LHPN Việt Nam nhận được, chúng tôi thấy rằng nhiều phụ nữ đang gặp khó khăn vì người chồng cũ đã không thực hiện đúng bản án ly hôn về quyền thăm con, chi phí nuôi con, phân chia tài sản...

Do đó, rất cần quan tâm đến việc tăng cường bảo đảm thi hành án sau ly hôn để đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Empty

PV: Thưa bà, việc thực hiện bản án sau ly hôn đang gặp nhiều khó khăn vậy phía Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ, tư vấn như thế nào cho phụ nữ khi ly hôn, đặc biệt là việc đảm bảo quyền nuôi con?

Bà Trần Thị Hương: Hội LHPN Việt Nam thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong đó có lĩnh vực hôn nhân - gia đình thông qua việc thực hiện quyền và trách nhiệm của Hội được pháp luật quy định.

Cụ thể là tư vấn, hỗ trợ trực tiếp hoặc thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật để phụ nữ hiểu về quyền của mình khi ly hôn đối với việc phân chia tài sản, quyền nuôi con và các quyền khác theo quy định pháp luật theo nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ khi vợ chồng ly hôn có con nhỏ.

Thực hiện quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân gia đình: Hội Liên hiệp phụ nữ là một trong những chủ thể được pháp luật quy định có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có đủ căn cứ theo quy định (Khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014); quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Đây là những quyền mà Hội đã sử dụng trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Xin cảm ơn bà!

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO