Báo Điện tử Gia đình Mới

Sự cố chạy thận 9 người chết ở Hoà Bình: Cựu giám đốc Trương Quý Dương bị khởi tố

Ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trương Quý Dương bị khởi tố

Ông Trương Quý Dương bị khởi tố

Ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình cho hay đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Ông Trương Quý Dương bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để làm rõ trách nhiệm của ông này trong sự cố chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại bệnh viện hồi tháng 5/2017.

Đáng chú ý, trước đó trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án công bố vào tháng 7/2018 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình khẳng định chưa phát hiện thấy ông Dương có sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh, liên kết, mua bán, sửa chữa máy móc, thiết bị y tế; thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo nên không đề cập xử lý.

Ngày 9/1/2018, Cơ quan CSĐT có văn bản thông báo và đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định của ngành y tế, của Nhà nước đối với ông Trương Quý Dương.

Trong vụ án này, vai trò của ông Trương Quý Dương được Cơ quan CSĐT tỉnh Hòa Bình đánh giá: Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, ông Dương chưa sâu sát trong việc thực hiện chức trách người đứng đầu bệnh viện, cụ thể như: từ năm 2015 đến 2017 không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo cho cá nhân cụ thể để điều hành hoạt động của đơn nguyên; không có quyết định giao hệ thống nước RO cho cá nhân trong Khoa Hồi sức tích cực đảm nhiệm; từ khi có quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, giám đốc không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa, bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước RO; để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO tùy tiện trong thời gian dài.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan, "chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi hoạt động của bệnh viện theo quy chế bệnh viện và pháp luật của Nhà nước", nên ông Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Trong khi đó, cũng tại bản kết luận điều tra bổ sung tiếp tục giữ nguyên quan điểm cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên toà xử Hoàng Công Lương diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua

Phiên toà xử Hoàng Công Lương diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua

Diễn biến vụ án

Tháng 5/2017, khi đó có 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đột ngột có dấu hiệu bất thường. Sau đó, 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về BV Bạch Mai điều trị.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình và đã tiến hành đã khởi tố vụ án. 

Ngày 29/5/2017, ông Trương Quý Dương – Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã bị tạm đình chỉ.

Ngày 22/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế), Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và bác sĩ Hoàng Công Lương. 

Đến ngày 5/7/2017, bác sĩ Hoàng Công Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại.

Ngày 22/2/2018, cơ quan chức năng truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Bùi Mạnh Quốc về tội “Vô ý làm chết người”. 

Ngày 7/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên. Tuy nhiên, sau đó phiên tòa bị hoãn theo đề nghị của các luật sư.

Đến ngày 15/5/2018, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa. Trong suốt 12 ngày xét xử (từ 15/5 đến 30/5, không tính ngày nghỉ), bị cáo Hoàng Công Lương liên tục khẳng định, chỉ được trưởng khoa phân công xuống Đơn nguyện thận nhân tạo làm bác sĩ điều trị, không có vai trò quản lý. Do đó, bị cáo Lương cho rằng không thể truy tố mình tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc đã nhận lỗi, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Ngày 23/5, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị: Bị cáo Hoàng Công Lương mức án 30-36 tháng tù treo, Trần Văn Sơn 4-5 năm tù, Bùi Mạnh Quốc 5-6 năm tù.

Ngày 29/5, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có 2 tình tiết mới trong vụ án cần làm rõ, đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ngày 30/5, các luật sư của bị cáo phản đối việc trả hồ sơ và đề nghị tòa tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội.

Ngày 4/6, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo thông tin sơ bộ về phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, nêu rõ quan điểm truy tố tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ chứng cứ, chưa đủ căn cứ, do bác sĩ Lương không phải là người được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.

Ngày 5/6, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án làm 9 người tử vong trong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và kiến nghị điều tra, làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO