Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Góc vườn] Đi đâu hạt gạo ầu ơ?

Cánh đồng trông rộng hơn, không phải về diện tích mà là khoảng cách giữa con người với con người trên cánh đồng, rất thưa.

Buổi sáng tinh mơ. Cơn gió nhè nhẹ lùa qua khe cửa sổ, mấy chú chim non lục đục bên cánh của như đồng hồ báo thức. Tôi ngồi dậy, căng mắt lên. Nhóc Sơn hàng xóm sang í ới: “Chú ơi, chú hẹn con đi tập thể dục sáng nay mà sao giờ chú mới dậy”. Tôi xoa đầu nhóc rồi bảo: “Nào! Chú dậy rồi đây, ra đồng thể dục thôi con”.

Hàng người đứt khúc nối nhau đi thu hoạch lúa. Trên đồng xa, không còn tiếng cô Tư í ới gọi chú Lực, cũng không còn tiếng con Út Đẹt kêu lên khi bị cua quắp nữa. Một sự thay đổi khá lớn, những người đi thu hoạch lúa chủ yếu là người làng khác, họ được dân làng cho thuê lại ruộng. Sở dĩ vậy là do nếu như không canh tác chủ ruộng sẽ bị chính quyền thu lại đất. Không ai nỡ để tài sản của mình bị trưng thu dễ dàng thế, cho dù họ đã chán với đời người nông dân, cho thuê lại không lấy thuế được họ cho là một “diệu kế” hoàn hảo của người thông thái.

Empty

Làng ở gần với quốc lộ, một con đường rộng thênh thang rất lý tưởng để phát triển cụm công nghiệp. Vì thế, cánh đồng làng đã nằm trên giấy tờ quy hoạch của tỉnh từ năm năm trước. Nhưng cũng vì thế mà làm cho bao nhiêu người trông ngóng bấy nay, cô Tư ngóng, chú Lực ngóng, ai trong làng cũng ngóng, mong dự án về làm tươi mới làng quê, đặc biệt là sẽ mua lại phần ruộng của nhà mình. Năm năm đó, họ bèn lấy ngắn nuôi dài, người đi vá xe ven đường, người mở quán nước, nhà nghỉ âu cũng tạm đủ sống trong lúc chờ dự án.

Nhóc Sơn chạy theo tôi ra đồng, trước mắt nó và trong mắt tôi là hai bầu trời khác nhau. Ngày thơ bé, tôi và ba nó thường ra đồng giúp ba má gặt lúa, chăn trâu rồi cả mót lúa và móc cua nữa chứ. Trời nắng chang chang, ba nó nhỏ con hơn tôi nhưng hay nghịch, lần nào từ đồng về quần áo cứ đen thui, mặt dính đầy sình nhơ, trên tay là một mớ chiến lợi phẩm mà thiên nhiên ban tặng.

Empty

Hai chú cháu dắt tay nhau đi mấy vòng cánh đồng. Đúng mùa thu hoạch mà sao giờ tôi nhàn rỗi đến lạ, không còn tất bật như ngày trước, thóc thóc rơm rơm. Mà mùi thóc non hình như nhạt hơn trước, phải chăng do con người dùng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Nhưng được cái sản lượng tăng rất rõ ràng, điều mà hun đúc con người dám làm mọi việc. Những cỗ máy cắt lúa cứ ngồm ngoàm trên cánh đồng, như ngoạm tuổi thơ trong tôi từng khúc.

Cu cậu nắm tay chú thật chặt, chốc chốc lại ngước mặt lên và hỏi: “Sao giờ con không thấy tổ chim non ở dưới ruộng thế chú, ba con hay kể ngày xưa cứ hễ đi gặt lúa là ba lại mang về một tổ chim non, rồi ba nuôi chúng lớn, chúng hót cho ba nghe, con cũng muốn được như vậy”. Tôi bèn trả lời thằng nhóc “Chắc chim non nhanh lớn bay đi mất rồi con, ta chịu khó đi thêm vòng nữa sẽ thấy thôi con ạ”.

Empty

Tôi rất ghét nói dối nhưng quả thực tôi vừa nói dối nhóc Sơn, vì cũng từ lâu rồi tôi đã thấy những đàn chim thưa dần trên cánh đồng. Do môi trường hay do con người? Mà môi trường dù sao cũng là do con người quyết định. Từng đàn chim sải cánh về những nơi “quê hơn” để tránh xa cơn lốc đô thị hóa đang càn quét môi trường sống. Cánh đồng trông rộng hơn, không phải về diện tích mà là khoảng cách giữa con người với con người trên cánh đồng, rất thưa. Tiếng cười khoái trá của người nông dân khi được vụ cũng không vang vang như trước, bỗng thấy hao hao nỗi nhớ phảng phất trong tâm niệm người hoài cổ.

Thoáng cái đã gần trưa, người người xếp các bao thóc căng mòng lên các xe mà họ gọi là xe “bọ xít” rồi lao thẳng ra khỏi cánh đồng làng. Không ai nhờ vả tôi bốc bao lên xe hộ, vì họ đều là những người lạ, không còn là cô Tư, chú Lực nữa. Trên ruộng cũng không còn người bó rơm, mót lúa như trước vì việc đó quá nhỏ nhặt trong nền kinh tế thị trường sôi động. Thóc ra khỏi làng, thóc vào nhà máy rồi thóc lại về với chính nồi cơm của cả làng, của cô Tư, chú Lực, nhưng thóc này không còn được đổi trực tiếp bằng mồ hôi nước mắt nữa mà được đổi bằng tiền – thứ mà đa phần được cho là thước đo của giá trị cuộc sống.

Empty

Hai chú cháu ngồi phịch cái xuống lúm cỏ xanh rờn còn sót lại mong manh, giật mấy ngọn cỏ gà còn cuối cùng như minh chứng cho một thời đã qua. Tôi dậy nhóc buộc cổ cỏ gà, rồi kéo. Hồi xưa, tôi và bố nó hay chơi trò này lắm, còn bây giờ trẻ con chẳng mặn mà, may sao nhóc này vẫn cảm thấy hứng thú, vừa kéo nhóc vừa cười rộn.

Nhóc bất chợt hỏi tôi: “Mỗi làng có một cánh đồng hả chú? Thế cánh đồng này rốt cuộc là của làng mình hay của làng nào, ngày xưa chú và ba con hay chơi ở khu nào thế? Tôi cười nhẹ một cái, đặt tay lên đầu nhóc chỉ về phía ánh sáng mặt trời: “Phía xa xa kia con ạ!”

Nguyễn Văn Công/GIADINHMOI/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO