Báo Điện tử Gia đình Mới

'Tiêu hủy chó thả rông’: Dồn người nuôi chó vào thế khó?

Người nuôi chó cho rằng, việc áp dụng ngay một cách gắt gao các quy định trên là quá gấp gáp, nhất là khi số tiền phạt cho những chú chó chưa được tiêm phòng lên đến 2,5 triệu đồng – con số lớn hơn nhiều so với giá tiền của các chú chó ta.

cho tha rong_1

Một người chủ đến xin lại chú chó bị đội bắt chó bắt bằng thòng lọng

Bắt vì nguy hiểm và mất vệ sinh

Ngay trước mốc thời gian 15/9/2017 là thời điểm Nghị định 90/2017/NĐ – CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, hoạt động ‘tiêu hủy chó lang thang’ càng thêm thu hút sự chú ý của cộng đồng.  

Đáng chú ý, trước khi có Nghị định này, Chi Cục Thú Y TP. Hồ Chí Minh đã vận dụng các quy định pháp luật về thú y để xử lý theo hướng: nếu chó chạy rông ngoài đường, không có rọ mõm, sẽ bị Đội bắt chó thả rông bắt giữ, đem về nuôi tập trung, sau 72 giờ nếu chủ chó không đến nhận sẽ tiêu hủy. 

Lý do: chó thả rông làm mất vệ sinh, mỹ quan đường phố; nếu chó bị bệnh dại cắn người sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những người ủng hộ cho rằng cần bắt giữ chó thả rông để người chủ chó nâng cao ý thức, khi thả chó ra ngoài cần phải có rọ mõm, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu phố.

cho tha rong_3

 

‘Không truyền đơn, không thông báo. Thích bắt là bắt. Chó nằm trước nhà cũng bị bắt!’.

‘Là một người rất sợ mấy con chó đi rong ngoài đường nhưng em thấy chúng không nên bị đối xử vậy. Thực sự quá ác, coi kiểu như con chó không biết đau ấy mà quật như thế. Nếu thấy chó hoang thì phải đi hỏi các hộ dân coi của ai rồi đến tận nhà họ xem xét để tiêm phòng chứ?’

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chó thả rông ở hai huyện Cần Giờ và Củ Chi sau khi bắt được nhốt ở Trạm Thú y Cần Giờ và Trạm Thú y Củ Chi. Chó ở các quận, huyện còn lại thuộc TP.HCM thì nhốt tại 252 Lý Chính Thắng, quận 3.

Người nuôi muốn nhận lại chó bị bắt phải mang theo sổ chích ngừa bệnh dại, làm rõ những thông tin sau: giống chó, màu lông; ngày, giờ, địa điểm chó bị bắt. Sau khi chi cục đối chiếu, nếu thông tin trùng khớp thì chủ nuôi sẽ nhận lại chó sau khi nộp phạt.

Thời gian chờ chủ nuôi chó đến nộp phạt là 72 tiếng (3 ngày đêm), nếu sau thời gian đó vẫn không có người tới nhận thì chó sẽ bị xử lý và tiêu hủy theo đúng quy định.

cho tha rong_4

 Những con chó thả rông bị giữ tại  252 Lý Chính Thắng (hình ảnh cắt từ clip)

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết trên một số tờ báo: ‘Chi cục Thú y và Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có một thỏa thuận. Đó là chi cục sẽ cung cấp chó vô chủ cho trường để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học liên quan đến giải phẫu và thử nghiệm các loại thuốc. Cả hai bên có cam kết và giám sát trách nhiệm rõ ràng’.

Cũng theo ông Phạm Xuân Thảo: ‘Đối với những người dân bị mất chó một cách bất đắc dĩ nên tìm hiểu mức phạt cũng như quy định xử lý chó vô chủ để có thể giải cứu một cách kịp thời’.

Không nên bị đối xử như vậy!

Phản ứng của người dân càng gay gắt khi gần đây, một clip quay cận cảnh bắt chó của đội này được lan truyền trên mạng xã hội.

Có người nhận xét: ‘Nhìn mặt mấy con chó bị bắt sợ như sắp đem đi thịt, tội nghiệp’ khi thấy hình ảnh chú chó bị hai người đàn ông to khỏe lùa, tra thòng lọng vào thít cổ và vứt lên xe tải.

‘Là một người rất sợ mấy con chó đi rong ngoài đường nhưng em thấy chúng không nên bị đối xử vậy. Thực sự quá ác, coi kiểu như con chó không biết đau ấy mà quật như thế. Nếu thấy chó hoang thì phải đi hỏi các hộ dân coi của ai rồi đến tận nhà họ xem xét để tiêm phòng chứ?’ – ý kiến đóng góp trên mạng xã hội.

Ở các vùng ngoại thành, các gia đình thường ít nhốt chó trong chuồng mà nuôi trong sân, vườn. Việc chó không may bị xổng ra ngoài đường là không tránh khỏi.

Nhiều người lo lắng: trường hợp cán bộ ngành thú y ‘đi tuần’ đúng lúc chó vừa xổng ra ngoài, rồi chủ nhà cũng không biết để đi tìm thì chú chó sẽ bị mất oan.

Những người nuôi chó coi con vật này như một người bạn thân trong gia đình, vì vậy khi bị bắt mất chó, chuyện nhiều người giận dữ là điều không tránh khỏi.

Không ít ý kiến cho rằng quy định này là ‘hợp lý nhưng không hợp tình’, ‘chủ trương đúng nhưng cách làm chưa phù hợp’…

Những câu hỏi trái chiều được đặt ra: Liệu có chuyện nhân viên tổ bắt chó trục lợi khi bắt những chú chó có giá trị hàng chục triệu đồng mà không có văn bản giấy tờ gì hay không? Sau khi lỡ thú cưng chạy xổng ra khỏi nhà và bị bắt, việc tìm được và nhận lại chó có dễ dàng?

cho ro mom

 

Cơ quan chức năng chắc chắn không đủ người để ngày đêm đối phó với những chú cẩu chạy rông. Liệu việc này có khác gì 'bắt cóc bỏ đĩa'.

Cầm chắc 'án tử' khi bị bắt 

Hoạt động bắt giữ và thiêu hủy chó lang thang vô chủ đã thực hiện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay.

Hoạt động bắt chó thả rông thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh rầm rộ hơn so với Hà Nội. Tuy nhiên, các hoạt động này thường theo kiểu ‘ra quân’ nên sau một thời gian, mọi chuyện lại… đâu đóng đấy.

Cơ quan chức năng chắc chắn không đủ người để ngày đêm đối phó với những chú cẩu chạy rông, vì vậy việc ‘phạt mạnh tay’ và ‘tiêu hủy’ khó có thể hiệu quả bằng tuyên truyền để nâng cao ý thức của chủ vật nuôi.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng ngay một cách gắt gao các quy định trên là quá gấp gáp, nhất là khi số tiền phạt cho những chú chó chưa được tiêm phòng lên đến 2,5 triệu đồng – con số lớn hơn nhiều so với giá tiền của các chú chó ta.

Những chú chó của người có điều kiện khó khăn, hay nuôi chó với mục đích giữ nhà là chính rất có thể sẽ cầm chắc ‘án tử’.

Một phương án được nêu lên là phạt cảnh cáo trong thời gian ban đầu thi hành và tuyên truyền một cách rộng rãi đến từng khu vực để mọi người dân có thể nắm rõ quy định này.

Nhiều người cũng cho rằng nên phổ biến việc đeo vòng cổ ghi địa chỉ và số điện thoại của chủ cho thú cưng để tăng khả năng được nhận lại chúng, đặc biệt là khi chúng bị thu giữ bởi các tổ bắt chó thả rông.

Từ 15/9, chủ nuôi sẽ bị xử phạt nặng nếu chó ra đường không được đeo rọ mõm.

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9, chủ nuôi sẽ bị phạt nặng nếu không đeo rọ mõm cho chó khi đến nơi công cộng.

Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nếu chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng sẽ chịu mức phạt tương tự như trên.

Người nuôi thú cưng có thể bị mức phạt cao nhất tới 5 triệu đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật.

Phương Phương /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO