Báo Điện tử Gia đình Mới

Vi khuẩn lao được phát hiện 134 năm trước, hiện vẫn làm gần 2 triệu người chết mỗi năm

Với mục tiêu hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân vào năm 2020.

Căn bệnh lao vẫn đang gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ảnh minh họa

Căn bệnh lao vẫn đang gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ảnh minh họa

Chiều 8/12, Bệnh viện Phổi TW đã gặp mặt báo chí cung cấp thông tin mới nhất về công tác phòng chống lao, đẩy mạnh cam kết đa ngành thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng chống Lao và Hưởng ứng Tuyên bố Matxcova về chấm dứt bệnh Lao toàn cầu năm 2030.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi TW, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về Phòng chống lao do Chính phủ Liên bang Nga và Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tổ chức tại Matxcova trong 2 ngày 16-17/11/2017 đã đánh dấu mốc son, đi đến một tuyên bố chung về cam kết chính trị hành động chấm dứt bệnh lao.

Tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã chia sẻ về các kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam.

Theo đó, trong năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 của WHO. Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ mắc hiện nay và giảm 40%  tỉ lệ tử vong do lao trong 5 năm (2015-2020).

Cần tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến cơ sở. Ảnh minh họa

Cần tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến cơ sở. Ảnh minh họa

PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết, bệnh lao đã tồn tại hàng nghìn năm và nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn lao cũng đã được biết đến từ 134 năm trước, nhưng đến nay căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, bệnh lao có thể được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Chính vì vậy, trong mục tiêu hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020, Việt Nam đang cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân vào năm 2020.

Cố gắng thực hiện 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của chương trình và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, chất lượng.

Chương trình cũng đã xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.

‘Tuy nhiên, với 30% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.

Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.

Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng’, Giám đốc Bệnh viện Phổi TW cho hay.

Chính vì vậy, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh lao tại cơ sở - nơi gần người dân nhất là rất quan trọng.

Từ đó, cần thay đổi nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động trong việc phát hiện và phòng, chống bệnh lây ra cộng đồng.

Đây vừa là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao và cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, nhằm tạo ra một sức mạnh tổng hợp thì mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO