Báo Điện tử Gia đình Mới

Vì sao bão và áp thấp nhiệt đới vào đất liền thường bị suy yếu?

Bão và áp thấp dù lớn hay bé đều gây ra hậu quả khôn lường cho những vùng mà chúng đi qua. Vậy, bão và áp thấp là gì và vì sao khi vào đất chúng thường bị suy yếu?

 Bão và áp thấp nhiệt đới là gì?

Theo khoa học, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở Bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường dưới mức 1000mb. Sự chênh lệch về khí áp ở vùng tâm bão với các vùng xung quanh là nguyên nhân gây ra tốc độ gió bão rất lớn.

  Bão số 5/2018 (Ảnh vệ tinh)

Bão số 5/2018 (Ảnh vệ tinh)

Bão, ATNĐ có thể ví như một chiếc bánh khổng lồ, khi cắt đôi chiếc bánh đó ta thấy bên trong nó cũng có nhân bánh đó là mắt bão và thành mắt bão.

Như vậy có thể xem bão là một vùng gió xoáy từ các phía thổi vào trung tâm bão, càng gần trung tâm thì gió càng mạnh, có khi lên đến vài trăm cây số một giờ, nhưng chính giữa lại là một vùng gió tương đối nhẹ hay lặng gió gọi là mắt bão. Không khí xhung quanh dồn vào giữa không phải theo những đường thẳng mà theo hình xoắn ốc.

Trong một trận bão, ở tầng gần mặt đất không khí bốn bề di chuyển vào giữa, đến vùng giữa bão thì không khí chuyển động lên cao rồi toả ra tứ phía. Bão bắt nguồn từ các vùng biển nhiệt đới, làm chuyển động một khối không khí ẩm rất lớn.

Khối không khí ẩm này chuyển động lên cao thì hơi nước mà nó chứa ngưng tụ lại thành mây và gây ra mưa, cho nên vùng bão không những có gió mạnh mà lại có mây dày đặc phủ kín và mưa nhiều.

Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.

Khi chưa hình thành bão, nếu tốc độ của gió còn dưới 63 km/giờ, thì gọi là áp thấp nhiệt đới. Mỗi khi có bão với gió mạnh hơn 63 km/giờ, bão được đặt tên bởi Cơ quan Khí Tượng Nhật Bản (Japanese Meteorological Agency) ở Tokyo.

Sự khác nhau giữa bão và áp thấp nhiệt đới

Theo định nghĩa khí tượng

Khi áp thấp nhiệt đới đủ mạnh vì liên tục phát triển đủ năng lượng để thu hút gió và hơi nước mạnh lên sẽ hình thành bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là danh từ được dịch từ tiếng Anh “tropical storm”. Sự khác biệt giữa áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới được phân biệt theo cấp gió.

  Hiện tại, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Nam Đài Loan ngày 10/9/2018 (Ảnh: Internet)

Hiện tại, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Nam Đài Loan ngày 10/9/2018 (Ảnh: Internet)

Theo sự phân chia cấp gió của đô đốc hải quân người Ireland là Francis Beautfort, thì gió được chia thành 13 cấp từ 0 tới 12. Khi gió xoáy mạnh từ cấp 6-7 được gọi là áp thấp nhiệt đới.

Ngày nay, đôi khi cấp gió bão được miêu tả như là cấp trong thang Beaufort từ 12 tới 16, có liên quan gần đúng với cấp tốc độ tương ứng của thang bão Saffir-Simpson.

Trong đó các trận bão thực sự được đo đạc, trong đó cấp 1 của thang bão Saffir-Simpson tương đương với cấp 12 trong thang Beaufort. Tuy nhiên, các cấp mở rộng trong thang sức gió Beaufort trên cấp 13 không trùng khớp với thang bão Saffir-Simpson.

Theo định nghĩa quốc tế

Bão nhiệt đới phải có gió mạnh hơn 64 km/giờ (hay 35 knots), tức là hơn cấp 8. Nếu gió yếu hơn 63 km/giờ, gọi là áp thấp nhiệt đới.

Nếu gíó mạnh hơn 118 km/giờ (cấp 12, 64 knots), bão được gọi là bão lớn với cuồng phong (typhoon).

Ngoài ra còn có bão rất to hay siêu bão (super typhoon, intense major hurricane, super cyclonic storm, very intense tropical cyclone) với gió mạnh hơn 240 km/giờ (hay trên 130 knot), tức cấp 4 trong thang bão Saffir-Simpson hoặc cấp 15 (Thang bão Beaufort) trở lên.

  Bão và áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền gây hậu quả nặng nề (Ảnh: Internet)

Bão và áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền gây hậu quả nặng nề (Ảnh: Internet)

Danh từ “typhoon” được dùng trong vùng biển Đông và tây bắc Thái Bình Dương; “hurricane” trong vùng Đại Tây Dương; và “tropical cyclone” trong vùng Ấn Độ Dương. 

Lí do bão và áp thấp nhiệt đới thường suy yếu khi vào đất liền

Vào năm 1948, nhà khí tượng Erik Palmen đã tìm ra rằng, bão và áp thấp nhiệt đới chỉ có thể hình thành và phát triển khi nhiệt độ nước biển đạt ít nhất 26 - 27oC.

Giá trị nhiệt độ 26 - 27oC có liên quan đến quá trình đối lưu của khí quyển. Điều này giải thích tại sao bão hình thành nhiều nhất vào thời kỳ cuối mùa nóng khi nhiệt độ mặt nước biển là cao nhất. 

Không khí xung quanh một cơn bão phải có chuyển động xoáy vào tâm. Chuyển động xoáy vào tâm là phần cơ bản của hoàn lưu bão.  

Do đó, khi vào đất liền, do ảnh hưởng của địa hình và đặc biệt là do không được cung cấp đầy đủ hơi ẩm nên bão bị mất tiềm nhiệt ngưng kết-năng lượng để tồn tại, kích thước thu hẹp, khí áp đầy lên nên bão, áp thấp nhiệt đới bị suy yếu và tan rã sau 1−2 ngày.  

Cập nhật tin bão số 5 - bão Barijat mới nhất trưa 12/9/2018

Hồi 07 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 510km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định.

Đến 07 giờ ngày 14/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực Đông Bắc của Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Cũng trong sáng nay, siêu bão MANGKHUT trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương duy trì sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ).

 Siêu bão MANGKHUT sẽ di chuyển hướng về khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng 03 ngày tới. 

(Theo Trung tâm DBKTTV Quốc gia, Dân Trí, Tin tức Việt Nam)

H.Tú (T/h)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO