Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ Phạm Anh Khoa bị tố 'gạ tình': Chỗ đứng nào cho phong trào 'me too' ở Việt Nam?

Việc Phạm Anh Khoa tiếp tục làm đại sứ cho các hoạt động chống bạo lực với phụ nữ khiến dư luận bức xúc và đặt ra câu hỏi: Những phong trào như "me too" liệu sẽ có chỗ đứng ở Việt Nam?

pakmt2

Im lặng hay chọn cái giá của sự lên tiếng?

Kể từ khi vũ công Phạm Lịch lên tiếng tố cáo ca sĩ Phạm Anh Khoa có hành vi "gạ tình", quấy rối mình vào ngày 27/4 đến nay, đã hơn 2 tuần trôi qua mà sự việc vẫn không hề "hạ nhiệt".

Phạm Lịch chia sẻ:

Phạm Lịch chia sẻ: "Phạm Anh Khoa từng quấn khăn tắm khi tôi đến nhà tập", cô cũng cho biết nhiều lần bị Phạm Anh Khoa quấy rối bằng những từ ngữ tục tĩu, liên tục có hành động đụng chạm, thậm chí vỗ đùa Phạm Lịch để bắt nhịp ca khúc

Bên cạnh Phạm Lịch, vũ công Nga My cũng đưa ra bằng chứng Phạm Anh Khoa quấy rối cô bằng những lời tán tỉnh khiếm nhã.

Nga My tố cáo Phạm Anh Khoa rủ đi khách sạn, tới nhà riêng lúc nửa đêm (Ảnh: Zing)

Nga My tố cáo Phạm Anh Khoa rủ đi khách sạn, tới nhà riêng lúc nửa đêm (Ảnh: Zing)

Một stylist giấu danh tính được gọi M.P. kể lại việc bị Phạm Anh Khoa tấn công tình dục bất thành cách đây 4 năm, khiến cô chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, phải dùng thuốc điều trị trầm cảm hơn 1 năm. 

Cô gái giấu tên M.P. kể trong nước mắt:

Cô gái giấu tên M.P. kể trong nước mắt: "Khoa dùng tay để khóa chặt tay tôi, ấn mặt tôi vào tường, có lúc còn bịt miệng để tôi không thể la hét và cứ thế sàm sỡ"

Sự việc của Phạm Anh Khoa khiến nhiều người liên tưởng đến "me too" - phong trào lên tiếng của các nạn nhân bị tấn công tình dục đang lan rộng trên thế giới.

Tấn công tình dục là một tội danh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự một con người, vậy nên bất cứ phán xét nào đưa ra đều phải được cân nhắc trước khi có kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh dư luận ủng hộ, cũng có không ít mũi dùi chĩa vào những người lên tiếng mà điển hình là Phạm Lịch, ngay sau khi cô quyết định ngừng im lặng.

Empty
Empty
Empty

Trên các trang mạng xã hội hay chính tại trang cá nhân của Phạm Lịch, thay vì chờ đợi bằng chứng rõ ràng, nhiều người đã công kích vào Á quân Thử thách cùng bước nhảy 2014. 

Phạm Lịch bị cho là nghiêm trọng hóa vấn đề, hay phổ biến nhất vẫn là cho rằng Phạm Lịch cố tình tạo scandal để "đu bám" tên tuổi của rocker Phạm Anh Khoa. 

Ngay cả khi bỏ qua yếu tố truyền thông, bởi nếu theo dõi giới giải trí có thể thấy Phạm Lịch từng được nhiều ngôi sao như Mỹ Tâm, Tóc Tiên, hoa hậu Hương Giang lựa chọn hợp tác, một bộ phận công chúng vẫn cảm thấy việc bị "gạ gẫm" như Phạm Lịch thuật lại là quá sức... bình thường. "Chỉ có thế thôi mà cũng làm quá", "Chắc cũng phải thế nào thì mới bị gạ gẫm thế chứ"...

Vẫn có nhiều người cho rằng sử dụng lời nói mang tính

Vẫn có nhiều người cho rằng sử dụng lời nói mang tính "gạ gẫm" không phải là quấy rối tình dục

Hai cô gái lên tiếng tố cáo còn lại cũng cùng chung số phận. Vũ công Nga My sinh năm 1995 đã bị "đào" lên những bức hình gợi cảm và gán mác "buông thả, phóng túng" để rồi mặc nhiên cho rằng đây là một dấu hiệu "bật đèn xanh" cho những hành động không đứng đắn. 

Ngay cả với nạn nhân thứ 3, người tố cáo Phạm Anh Khoa không dừng lại ở quấy rối bằng lời nói mà còn có hành động tấn công tình dục, dù đã giấu mặt nhưng cô gái này vẫn bị đặt dấu hỏi nghi ngờ: "Tại sao không lên tiếng luôn mà phải chờ tới giờ này?", "Liệu có động cơ gì không?"...

"Đừng bảo tôi phải ăn mặc ra sao mới đúng, hãy bảo họ đừng đi cưỡng bức" - tại nước ngoài, rất nhiều phong trào đã được thực hiện để chống lại việc đổ lỗi cho các nạn nhân của tấn công tình dục

Đối với những nạn nhân của quấy rối hay tấn công tình dục, việc lên tiếng luôn là một vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh những chỉ trích nhắm đến người bị tố cáo, các nạn nhân cũng sẽ phải chịu những ánh mắt soi mói, bình phẩm hay thậm chí là "victim blaming" - đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân như trên. 

Có thể thấy rằng hành động đổ lỗi cho nạn nhân chính là khi những giá trị bị đặt sai chỗ. Tưởng chừng đề cao nam giới, nhưng việc đổ lỗi cho nạn nhân lại chính là hạ thấp đi đạo đức và sự bản lĩnh của những người đàn ông, coi họ cũng như những loài vật sống bằng bản năng, không nhận thức nổi hành động của mình. 

Dư luận bất bình khi tổ chức phát động "me too" tiếp tục đề nghị Phạm Anh Khoa làm đại sứ

Vào ngày 12/5 vừa qua, Trung tâm CSAGA - tổ chức Phi chính Phủ, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, cũng là tổ chức từng đứng ra phát động phong trào "me too" - đã thực hiện một đoạn phỏng vấn cùng Phạm Anh Khoa - người đang là tâm điểm tranh cãi của dư luận.

Giám đốc Trung tâm CSAGA Vietnam và Phạm Anh Khoa trong buổi talkshow

Giám đốc Trung tâm CSAGA Vietnam và Phạm Anh Khoa trong buổi talkshow

Theo CSAGA: "Tại cuộc đối thoại, ca sĩ Phạm Anh Khoa đã khẳng định anh không có ý định gạ tình như bị cáo buộc. Tuy nhiên, anh cũng thẳng thắn thừa nhận một số hành vi, lời nói đã nêu đối với bạn diễn, xuất phát từ tính cách bỗ bã, bản năng của cá nhân cũng như môi trường hoạt động khá đặc thù của giới văn nghệ sĩ". 

Bên cạnh đó, tổ chức CSAGA cũng tuyên bố đề nghị Phạm Anh Khoa tham gia tích cực trong phong trào mà tổ chức đang dẫn dắt với 2 hashtag #ngungimlang cho nữ và #haydungvachiase cho nam, nâng cao nhận thức cho các nam nghệ sĩ khác nói riêng, nam giới nói chung đã và đang có những lời nói và hành vi tương tự.

Tổ chức CSAGA vẫn tiếp tục đề nghị Phạm Anh Khoa làm đại sứ, gây bức xúc trong dư luận

Tổ chức CSAGA vẫn tiếp tục đề nghị Phạm Anh Khoa làm đại sứ, gây bức xúc trong dư luận

Đoạn chia sẻ cùng Phạm Anh Khoa của CSAGA đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận - những người đang trông đợi các hoạt động ủng hộ lên tiếng vì nạn nhân tấn công tình dục. 

Empty
Empty
Empty

Theo bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập và đang là Giám đốc Trung tâm CSAGA: "Bất cứ bước nhận lỗi nào thì cũng nên ghi nhận vì đó là sự phục thiện. Ai phục thiện dù ít hay nhiều nên được khích lệ". 

Bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập và đang là Giám đốc Trung tâm CSAGA

Bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập và đang là Giám đốc Trung tâm CSAGA

Bà Nguyễn Vân Anh lý giải rằng CSAGA muốn tiếp cận sự việc theo hướng tích cực, giúp Phạm Anh Khoa nhận lỗi và thay đổi. Tuy nhiên những lý giải này vẫn chưa giải tỏa những bức xúc của dư luận quan tâm.

Empty
Empty

Chỗ đứng nào cho phong trào "me too" ở Việt Nam?

Nếu như những người trong câu chuyện không phải những người thuộc giới giải trí, để có những nền tảng phát ngôn như báo chí, truyền thông hay có sức ép từ dư luận, liệu câu chuyện "me too" sẽ kết thúc như thế nào? Nếu chỉ là một cô gái bình thường, liệu có được ủng hộ từ những người xung quanh để lên tiếng như Phạm Lịch, hay những lời kêu cứu cũng đã chìm trong những câu "victim blaming" từ lâu? Có lẽ chúng ta đều có thể dễ dàng hình dung được.

Nếu chỉ là một cô gái bình thường, đơn độc và không có sự hỗ trợ nào, liệu những câu chuyện

Nếu chỉ là một cô gái bình thường, đơn độc và không có sự hỗ trợ nào, liệu những câu chuyện "me too" có được đưa ra ánh sáng?

Có một điều dễ thấy rằng sự việc Phạm Anh Khoa bị tố cáo gây chú ý rộng rãi không bởi vì nó thuộc giới giải trí, mà bởi nó đã chạm đến nỗi bức xúc của cộng đồng về vấn đề quấy rối và tấn công tình dục. Ngay cả không phải ở những môi trường "đặc thù của giới văn nghệ sĩ", việc các nạn nhân bị lạm dụng vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, mà không có một biện pháp cụ thể nào được thực hiện.

Hành vi quấy rối có thể diễn ra ở bất cứ đâu và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục

Hành vi quấy rối có thể diễn ra ở bất cứ đâu và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục

Theo Luật sư Lê Hằng (Công ty Luật Trương Anh Tú), các qui định pháp luật như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Lao động 2012 hay các luật khác của Việt Nam chưa hề có định nghĩa chính xác thế nào là “quấy rối tình dục”. Hành vi quấy rối tình dục có nhiều mức độ phức tạp, khó chứng minh khi không để lại tổn thương vật lý, tuy nhiên lại chưa hề được luật hóa đến nơi đến chốn.

Điều đó đồng nghĩa với việc các nạn nhân của quấy rối tình dục gần như vẫn chưa được pháp luật bảo vệ. 

Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn cần lên tiếng, nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Điều đó có nghĩa rằng "me too" không chỉ là câu chuyện của riêng nữ giới, nam giới hay một ngành nghề, lĩnh vực nào cụ thể. 

Các phong trào như "me too" sẽ chỉ có thể lan tỏa một cách tích cực khi ta nhận thức được rằng câu chuyện ấy có thể xảy đến với bất cứ ai, và nếu không lên tiếng mạnh mẽ để đòi hỏi những biện pháp từ các cơ quan chức năng hay các tổ chức xã hội, những nạn nhân vẫn sẽ im lặng, những việc cần sáng tỏ sẽ vẫn chìm trong bóng tối. Mà cái ác, thì luôn nảy sinh từ những khoảng tối như thế. 

Mai Hoa/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO