Báo Điện tử Gia đình Mới

Tôi vượt qua sóng gió trong đại dịch COVID-19 nhờ quan sát cách tiêu tiền của mẹ

Với tôi, cuộc sống vốn ngắn ngủi, không nên 'bạc đãi' bản thân. Tôi chưa từng thấm nhuần những lời dạy của mẹ về đồng tiền cho đến khi trải qua chuỗi ngày nơm nớp lo âu suốt mùa dịch.

Tôi sợ hãi trong tâm dịch ở Sài Gòn...

Là con gái mẹ nhưng tôi không giống mẹ nhiều, đặc biệt ở tính tiết kiệm. Mẹ giỏi vun vén, biết cách dành dụm, sử dụng đồng tiền đúng mục đích. Tôi thì trái ngược, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, lắm lúc thiếu hụt còn vay chỗ này một ít, xoay chỗ nọ một ít. 

Có lẽ 2021 là một năm đáng nhớ với mỗi chúng ta, vì cả nước “oằn mình” chống dịch COVID. Tôi còn ở trong tâm dịch, giữa đất Sài Gòn. 33 tuổi, tôi vẫn chỉ là một nhân viên văn phòng, ở trọ và sở hữu một khoản tiền lương “thường thường bậc trung”.

Dù mức lương không cao nhưng tôi lại rất hào phóng với bản thân. Tôi đặc biệt chú trọng đến chuyện ăn uống. Thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc, rau củ organic, thịt nhập khẩu, hải sản chất lượng… Song song đó, mỹ phẩm sử dụng cũng là hàng chính hãng, loại tốt. Cả thực phẩm và mỹ phẩm đã ngốn hết 2/3 tháng lương của tôi. Phần còn lại tôi dùng đóng tiền nhà và mua vài thứ linh tinh khác.

Có những tháng phát sinh tiệc cưới, thôi nôi, sinh nhật, tôi thường mượn bạn rồi sang tháng nhận lương gửi trả. Có những món hàng đắt tiền tới thời hạn phải thay mới như điện thoại, máy tính thì tôi chọn hình thức trả góp và cố gắng chi tiêu dè xẻn chút đỉnh để không trễ hạn thanh toán. Tôi chưa từng lập tài khoản tiết kiệm bao giờ, vì thi thoảng dư đôi ba triệu, tôi lại hứng lên mua sắm không suy nghĩ. Tôi thuộc tuýp người không hay băn khoăn về chuyện tiền nong, đến khi Sài Gòn bùng dịch và bị tàn phá nặng nề…

Tôi vượt qua sóng gió trong đại dịch COVID-19 nhờ quan sát cách tiêu tiền của mẹ 0

Công ty tôi giảm lương nhân viên - 30%, ngay tại thời điểm đó, tôi mới thấm thía hai từ “tiết kiệm” thực sự quan trọng như thế nào. Tôi luôn ở trong trạng thái phấp phỏng, sợ công ty đột ngột sa thải không có tiền trang trải cuộc sống, sợ mắc bệnh không có tiền trả viện phí, sợ không đủ tiền mua thực phẩm vì hàng hóa ngày càng khan hiếm…

Tôi đã oán trách bản thân không biết bao nhiêu lần. Tôi chợm nghĩ, nếu như bản thân biết quý trọng đồng tiền, biết lập kế hoạch chi tiêu, biết tích góp dành dụm thì ắt hẳn hôm nay tâm thế của mình đã khác.

Trong khi đó mẹ tôi...

Nếu tôi cảm thấy bất ổn giữa chốn Sài Thành thì tại vùng quê Phú Yên, mẹ tôi lại rất kiên cường. Ba và mẹ tôi quyết định sống riêng để giữ mối quan hệ vợ chồng mấy chục năm không thay đổi theo chiều hướng xấu. Hai người vẫn xem nhau như bạn bè và có trách nhiệm chung với con cái.

Sau nhiều đêm trằn trọc tính toán, mẹ tôi thông báo sẽ xây nhà trên mảnh đất cạnh nhà dì. Khu dân cư ở đây là nơi “tụ họp” của con cháu bên họ ngoại. 64 tuổi, cái tuổi “đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời”, mẹ tôi đã lựa chọn sống một cuộc đời trọn vẹn và bắt đầu hành trình ấy là một mái nhà riêng.

  Ngôi nhà của mẹ ở quê

Ngôi nhà của mẹ ở quê

Thời dịch giã, việc xây nhà gặp muôn vàn khó khăn và mức độ khó khăn tăng gấp bội với một người phụ nữ lớn tuổi như mẹ. Giãn cách xã hội khiến việc di chuyển giữa xã này với xã khác, huyện này với huyện khác gặp trở ngại không ít, nên ngôi nhà vừa xây vừa tạm hoãn, kéo dài thời gian hơn dự kiến, rồi nguyên vật liệu tăng giá 30-40%, rồi mẹ ốm vì kiệt sức.

Dù họ hàng mỗi người giúp một tay nhưng mẹ vẫn đóng vai trò chủ chốt. Một hai lần mẹ gọi điện khóc với tôi vì tủi thân, vì mệt, thế mà ngay hôm sau đã tươi cười kể lể cho tôi tiến độ xây cất tới đâu, mẹ đã mua những món gì, giá thành ra sao…

Hơn 3 tháng ròng rã, cuối cùng căn nhà của mẹ tôi cũng hoàn tất: Diện tích 80m2 và chi phí là 600 triệu (gồm cả khoản tiền 50 triệu mẹ gửi cho dì về mảnh đất). Mẹ không vay mượn ai mà còn dư 2 cây vàng để phòng thân. Khi nghe mẹ chia sẻ từng khoản tiền cụ thể, chi dùng như thế nào, tôi đã khóc vì tâm phục khẩu phục. Trong mắt tôi, mẹ quả thật là người phụ nữ giỏi giang, không phải chỉ ở hiện tại.

Ba mẹ tôi vốn là những công chức bình thường. Song, nhờ tài thu vén khéo léo của mẹ, hai chị em tôi được học hành đàng hoàng, được chu cấp không thiếu thứ gì. Và cách đây 10 năm, ba mẹ đã xây một ngôi nhà khang trang, tiện nghi. Với tôi, mẹ giỏi là do ba mẹ chỉ làm duy nhất một công việc, không buôn bán hay làm thêm gì khác nhưng mẹ vẫn tạo dựng một cuộc sống đủ đầy cho gia đình.

Nguyên tắc của mẹ

Bên cạnh những lời khuyên tiền nong mẹ thường căn dặn, tôi kết hợp “quan sát” hành động của mẹ, tự nhận thấy mẹ rất quý trọng mỗi đồng tiền làm ra. Khi tiêu một đồng nào, mẹ cũng đều cân nhắc rất kỹ.

Mẹ tuân thủ nguyên tắc “ăn chắc mặc bền”, “tích tiểu thành đại”. Vì thế, mẹ sẽ chia khoản tiền lương thành 2 phần: 1 phần để chi tiêu sinh hoạt, 1 phần dành tiết kiệm. Mẹ áng chừng số tiền chi tiêu mỗi tháng rất chuẩn và kiên quyết không đụng đến tiền tiết kiệm.

  Nhà của mẹ

Nhà của mẹ

Mẹ dùng tiền tiết kiệm mua vàng. Mẹ mua từng chỉ vàng, từng chỉ vàng và cứ thế góp nhặt thành nhiều chỉ vàng. Mẹ sẽ hoạch định rõ số vàng này để xây nhà, số vàng này để mua bảo hiểm, số vàng này để cho con cái lúc lập gia đình.

Sở dĩ mẹ tiết kiệm siêu giỏi là vì những gì mẹ tự làm được thì sẽ không dùng tiền để mua. Chẳng hạn mẹ phụ ba trồng rau củ, nuôi heo gà - cải thiện bữa ăn gia đình, tiết kiệm kha khá tiền chợ. Mẹ chăm cây ổi, cây mận, làm bánh, làm kem nên chúng tôi hiếm khi ăn vặt ở ngoài. Mẹ còn tự tay đan áo len, may quần áo mặc nhà cho hai chị em.

Tuy nhiên, mẹ tôi sống tiết kiệm, không phải tằn tiện hay ki bo. Nếu hai chị em tôi thích một món đồ và đưa ra lời giải thích hợp lý vì sao cần món đồ đó thì mẹ luôn sẵn sàng chi tiền. Lúc nào tôi cần tiền đóng học phí hay đăng ký khóa học ngoại ngữ là mẹ gửi tiền ngay không do dự. Mẹ có thể chi li với bản thân nhưng không tiếc tiền với con cái bao giờ.

Mỗi lần kết thúc cuộc nói chuyện, mẹ thường nhắc nhở tôi là phải ráng dành dụm tiền, vì ngày mai chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân. Hãy bắt đầu với 1 triệu mỗi tháng, từ từ tăng dần lên 1,5 triệu, 2 triệu… Sau 1 năm, 2 năm nhìn lại, tôi chắc chắn ngạc nhiên về thành quả của mình. Mẹ tôi khẳng định chắc nịch như vậy. Tôi biết, tôi hiểu, nhưng tôi chưa thực hành được, trừ phi tôi bị “đẩy ngã”.

Rốt cuộc thì tôi cũng bị “hạ gục” bởi một tác nhân không ngờ tới - dịch bệnh COVID-19. Nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ vậy, tôi đã tỉnh ngộ và thấu suốt nhiều thứ.

Tôi sẽ không so sánh bản thân với bất cứ ai khác nữa, mà chỉ so sánh với chính mình của ngày hôm qua.

Bước đi đầu tiên luôn là bước đi gian nan nhất, nhưng nếu vượt qua thì những bước tiếp theo sẽ dễ dàng hơn. Tôi muốn cho bản thân thêm một cơ hội cố gắng, thay đổi quan điểm và tư duy về đồng tiền để tôi của những năm 40, 50 không phải hối tiếc như bây giờ.

Người dự thi: Thanh Nguyên (ở quận Gò Vấp, TP.HCM)

Tôi vượt qua sóng gió trong đại dịch COVID-19 nhờ quan sát cách tiêu tiền của mẹ 3

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO