Báo Điện tử Gia đình Mới

Trái dâu và bí "made in" New Zealand sẽ có mặt ở thị trường Việt Nam

Người tiêu dùng Việt Nam được thưởng thức trái dâu và bí của New Zealand, đồng thời người dân New Zealand sẽ sớm được thấy quả chanh và bưởi của Việt Nam trên các kệ hàng hóa ở nước này. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi Đối thoại Nông nghiệp cấp cao New Zealand- Việt Nam lần thứ nhất vừa tổ chức tại Hà Nội.

Ngày 24/2/2021, Việt Nam và New Zealand đã chính thức ký kết Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại buổi Đối thoại Nông nghiệp cấp cao New Zealand-Việt Nam lần thứ nhất. Đối thoại được tổ chức trực tuyến giữa Giám đốc điều hành Bộ Các ngành Cơ bản New Zealand (MPI) Ray Smith và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.

Trái dâu và bí 'made in' New Zealand sẽ có mặt ở thị trường Việt Nam 0

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT Việt Nam khẳng định nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế của hai quốc gia. New Zealand và Việt Nam đều là những nước sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn, với nhiều mặt hàng bổ trợ cho nhau. Việc thành lập Đối thoại Nông nghiệp cấp cao New Zealand-Việt Nam và ký bản Hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp sẽ tạo động lực cho các chương trình hợp tác sẵn có, góp phần tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước. Đây cũng là mục tiêu mà hai Thủ tướng đã tuyên bố khi chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược vào năm ngoái.

Giám đốc điều hành Bộ Các ngành Cơ bản New Zealand Ray Smith nhấn mạnh đây là cơ hội tốt để cả hai nước cùng đánh giá những hoạt động có thể hợp tác cùng nhau nhằm phục hồi và thúc đẩy ngành nông nghiệp sau những tác động của đại dịch COVID-19.

Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực Nông nghiệp giúp hai bên phát triển các mối quan tâm chính trong nông nghiệp, bao gồm việc đẩy mạnh thương mại song phương, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, tăng cường an toàn thực phẩm, tận dụng các công nghệ và nghiên cứu phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông thôn.

Bộ Các ngành Cơ bản New Zealand hiện đang hỗ trợ một số dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, dịch tễ học thú y và thành lập hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông-lâm nghiệp. Những chương trình này bổ sung cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc khuôn khổ Chương trình Viện trợ Phát triển New Zealand hiện đang tài trợ cho Việt Nam, bao gồm dự án Phát triển Giống trái cây Cao cấp tại Tiền Giang, dự án An toàn đập Việt Nam- New Zealand triển khai tại khu vực miền Trung và dự án Rau an toàn tại Bình Định.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong công tác đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thông qua Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.” Ông Ray Smith chia sẻ.

Trái dâu và bí 'made in' New Zealand sẽ có mặt ở thị trường Việt Nam 1

Lãnh đạo hai bộ cũng cam kết nhanh chóng hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho một số loại hoa quả của hai nước để người tiêu dùng Việt Nam được thưởng thức trái dâu và bí của New Zealand đồng thời người dân New Zealand sẽ sớm được thấy quả chanh và bưởi của Việt Nam trên các kệ hàng.

Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, với tổng kim ngach thương mại hai chiều đạt mức 2 tỷ đô la New Zealand tính đến cuối tháng 9/2020. Dù đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng của New Zealand và ngược lại nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cao đến từ người tiêu dùng.

K.Thoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO