“Ngày hôm nay, chúng tôi – những người kiểm lâm đi vào rừng, bắn kẻ nào đó săn bắn động vật hoang dã và trở thành kẻ giết người hay chính chúng tôi là người bị giết”, những cuộc gặp gỡ, những chuyến đi vào rừng khiến Trang trân trọng và biết ơn những người kiểm lâm.

Trang Nguyễn bắt đầu tham gia các hoạt động về bảo tồn động vật hoang dã từ năm 16 tuổi. Cô là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam. Hiện nay, cô đang thực hiện các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam.

Ngoài ra, cô còn là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh. Năm 2018, cô được nhận giải thưởng Future for Nature cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, lọt vào danh sách 30 Under 30 Forbes Vietnam và Women of the Future - South East Asia.

Nhiều người đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn từ những hành động nhỏ nhất khi được Trang truyền cảm hứng qua album “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày” mà cô chia sẻ trên mạng xã hội, “Thôi thì mình sẽ làm bất cứ điều gì có thể, trong khả năng của mình, bạn nhỉ?”

Đó là câu nói Trang thường phải nghe nhất mỗi khi đi rừng.

“Cháu nên ở nhà, ở thành phố ấy. Da cháy sạm hết thì lấy chồng làm sao được?”, chú kiểm lâm vừa nói vừa giật tấm bản đồ từ tay Trang, chỉ tay về hướng ngược lại với chỉ dẫn của bản đồ. Lần đi khảo sát đặt bẫy máy ảnh ở khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum này là lần đầu tiên Trang bị lạc trong rừng.

Trang biết nghề bảo tồn động vật hoang dã là một ngành không hề “nữ tính”, nhất là đối với những người dành phần lớn thời gian đi thực địa và chọn gắn mình với khoa học, nghiên cứu. Mỗi lần bộc bạch ước mơ muốn làm ngành bảo tồn động vật hoang dã, thầy cô và bạn bè đều cười chê, cho rằng đó là thứ viển vông. Lúc đó, Trang chỉ biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng công việc của một nữ bảo tồn lại có nhiều rắc rối và khó chịu xảy đến như vậy.

“Màu da chẳng nói lên điều gì về một người phụ nữ. Đối với những người phụ nữ như tôi, có nhiều thứ quan trọng hơn là ở nhà cố gắng giữ cho màu da thật trắng để nhận được vài lời khen mà theo tôi chẳng mang lại lợi ích gì cho cuộc đời của mình hay cho xã hội. Động vật hoang dã chẳng thèm quan tâm da tôi màu gì, với tôi thế là đủ”, Trang đáp trả lại những câu hỏi, thái độ “con gái thì…” một cách khảng khái.

Vì là con gái, nên những người nghiên cứu đi thực địa như Trang được khuyên nên uống thuốc tránh thai. Lý do được đưa ra là sự bất tiện như thế nào trong điều kiện không có nhà vệ sinh và nước sạch khi đi rừng, nếu có chuyện không hay xảy ra trong đó thì ít ra Trang cũng vẫn được “bảo vệ” bằng cách này.

Trang kể, có lần cô phải ở trong rừng nhiều tháng, việc sử dụng thuốc tránh thai để tránh kinh nguyệt cũng không có tác dụng. Vì vậy, cô buộc phải đào hố và tìm cách chôn băng vệ sinh đã sử dụng. Đối với Trang, việc giữ cho môi trường hoang dã sạch sẽ, tránh ô nhiễm quan trọng hơn sự xấu hổ khi gặp những cái nhăn mặt, tiếng xì xào tỏ vẻ kinh tởm của cánh đàn ông cùng tham gia đi thực địa.

Đại đa số những người làm nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là lĩnh vực đi thực địa đều là đàn ông. Nhưng Trang lại tìm được nhiều cảm hứng và có thêm động lực từ những người phụ nữ làm trong ngành bảo tồn thiên nhiên hoang dã. 

Trang thường lên dây cót tinh thần, “Nếu có ai đó nói rằng điều bạn mong muốn thật viển vông, bạn sẽ không làm được đâu thì bạn phải thật tự tin vào bản thân mình, phải cố gắng hơn nữa, nhiều hơn nữa để làm được điều mà bạn mong muốn. Cho dù thế nào đi nữa, cũng không được bỏ cuộc. Nhất định, nhất định không được bỏ cuộc, Trang nhé!”.

Khi còn là học sinh tiểu học, bên cạnh chủ đề về phim ảnh, hoạt hình, Trang và người bạn của mình chiều nào đi qua căn nhà cùng xóm cũng tò mò đoán xem chiếc chuồng sắt hẹp và cao được dựng lên trong sân nhà này nhốt con gì. Âm thanh lạ, lúc thì gầm gừ, lúc thì rên rỉ càng thôi thúc sự hiếu kỳ của cô gái 8 tuổi.

Cho đến một lần tình cờ biết được con vật bị nhốt trong lồng - một chú gấu - Trang không ngờ đây chính là một cột mốc quan trọng sẽ thay đổi cuộc đời cô mãi mãi. Chưa bao giờ Trang nhìn thấy chú gấu ở một cự ly gần đến vậy. Cô thấy chú gấu nằm ngửa ra sân, 4 chân bị trói chặt. Hai người đàn ông lúi cúi gần đó, một người đeo găng tay cao su, người còn lại đang dò dẫm trên ngực chú gấu. Lúc ấy, Trang vẫn chưa thực sự hiểu họ làm những hành động đó với chú gấu để làm gì.

Nhưng mùi hôi trộn lẫn với mùi phân và nước tiểu, tiếng rên rỉ và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị trói nằm giữa sân ngày hôm đó, cho đến tận bây giờ vẫn luôn hiện lên trong tâm trí cô. Mùi hôi đó ám ảnh Trang đến mức, nhiều thời gian sau, Trang sử dụng nó để phát hiện ra những vụ nuôi giữ động vật hoang dã trái phép.

Buổi tối ngày chú gấu bị hút mật, Trang đứng trên sân thượng nhà mình, lặng nhìn về phía căn nhà nuôi giữ chú gấu ấy, thầm xin lỗi chú gấu vì Trang đã không biết phải làm gì và không thể làm được gì. Lời hứa khi lớn lên nhất định sẽ không để con người hành hạ gấu hay bất cứ loài động vật nào theo Trang từ ngày đó. “Nhất định, tôi sẽ làm bảo tồn động vật hoang dã”, Trang quả quyết.

Trang cũng như bạn bè đồng lứa, bắt đầu nhen nhóm ước mơ về một ngành nghề trong tương lai. Ngành bảo tồn động vật hoang dã hiện lên trong suy nghĩ của Trang đầu tiên.

Trang thi và đỗ vào chuyên Sinh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với hy vọng học chuyên Sinh sẽ giúp cô thêm biết và thêm hiểu về hệ sinh thái, môi trường và về tập tính của các loài động vật. Trong khi bạn bè tập trung vào học di truyền để ôn thi các kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế thì Trang lại tận dụng khoảng thời gian ít ỏi của một học sinh chuyên để tự mày mò, đọc sách, nghiên cứu các tổ chức và xem các bộ phim tài liệu về thiên nhiên hoang dã.

Đứng giữa sự lựa chọn thi vào trường nào, học chuyên ngành gì khi kết thúc lớp 12, Trang vẫn giữ quyết tâm học và nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã. Cô gái 18 tuổi khi ấy lục tung tài liệu hướng dẫn thi đại học trên internet nhưng không thấy một chuyên ngành nào đào tạo để giúp cô thực hiện mong muốn này tại Việt Nam.

Trang tình cờ tới cuộc Hội thảo du học Anh, tiến tới bàn hướng dẫn hỏi về chuyên ngành mình muốn học với hy vọng tìm kiếm cơ hội nào đó. Cái tên trường Đại học Cambridge được nói ra trong sự vui mừng bởi một người làm tư vấn tuyển sinh: “Hơn 20 năm làm tuyển sinh, lần đầu tiên có một học sinh Việt Nam hỏi tôi về chuyên ngành này”.

Với sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện ước mơ cuộc đời mình, Trang đã nhận được học bổng toàn phần, bao gồm toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt tại Anh. Trang lên đường sang Anh du học với trái tim nhiệt huyết của cô gái tuổi 18 nhiều trăn trở với ngành bảo tồn động vật hoang dã.

Mùa thu năm 2012, một tuần sau chuyến đi nghiên cứu ở khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, chuyến bay dài 22 tiếng và 6 tiếng nghỉ đưa Trang tới Vương quốc Anh, chuẩn bị năm học mới tại trường Đại học Cambridge.

Cơn đau dữ dội suốt chuyến đi buộc Trang phải nhập viện ngay khi máy bay hạ cánh và phải mổ cấp cứu viêm ruột thừa. 

Những tưởng mổ xong sẽ khỏe mạnh trở lại, nhưng một thời gian sau, giữa nơi đất khách quê người, Trang hoang mang khi nghe bác sĩ “Tôi rất tiếc phải báo với em tin này nhưng dấu hiệu kiểm tra ruột thừa của em cho thấy em bị ung thư đường ruột. Chúng tôi hy vọng có thể mổ cho em càng sớm càng tốt”. Nước mắt rơi, đầu óc Trang hoàn toàn trống rỗng, “Ung thư á?”

Trang đi thẳng tới lớp, đưa tờ thư của bác sĩ cho một sinh viên người Ấn Độ nghiên cứu về loài báo tuyết ở Himalaya. Chị ấy ôm Trang rất chặt và cả hai cùng khóc.

Cả buổi sáng hôm đó, Trang ngồi giảng đường nghe giảng mà mọi thứ nhoà đi, cô không định hình được mình đang ở đâu và sẽ phải làm gì tiếp theo.

“Bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư, mai em mổ rồi”, Trang gọi điện thông báo tình hình của mình với chị gái của cô. Và đưa ra lời đề nghị “Để mẹ ở nhà với bố, bắt mẹ sang thăm em làm gì. Em ốm nằm viện thì ai ra đón mẹ, mẹ sang một mình lại không biết tiếng… Chị đừng nói gì cả, có gì em sẽ báo mẹ sau”.

Ở trời Âu, Trang nhận được sự động viên của các thầy cô giáo và các bạn cùng học ở trường đại học. Trải qua một mùa Giáng sinh ngập tràn thiệp được gửi tới bệnh viện, Trang thấy mình khoẻ hơn và càng củng cố quyết tâm nghiên cứu về bảo tồn động vật hoang dã.

Trang chia sẻ: “Có lẽ cũng như những đứa trẻ khao khát được khám phá thế giới hoang dã, tôi đã từng tưởng tượng mình đang ăn mặc như những nhà thám hiểm thường thấy trên TV, đầu đội mũ cứng, mặc quần áo kaki trắng ngà và đôi giày chuyên dụng. Tôi tưởng tượng ra mình đang đứng trước cây baobab, sờ vào vỏ cây thô cứng, áp tay vào thân cây mát rượi và ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời chói chang của vùng đất châu Phi. Đối với tôi lúc bấy giờ, đó chỉ là ước mơ, và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thực hiện được ước mơ ấy. Vậy mà chỉ còn khoảng 20 tiếng nữa là tôi sẽ thực sự đến vùng đất đó, thực sự thực hiện ước mơ thuở nhỏ.” 

Madagascar chào đón Trang đến để làm nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp của mình ở trường đại học. Vượt qua bao thử thách, trong đó có 2 cuộc bạo loạn, khi Trang hoàn thành được ước mơ ấy, “Bạn sẽ phải mơ ước thêm một ước mơ thật lớn nữa, và lại can đảm, cố gắng hết sức để đi về phía đó thôi”.

Để rồi, “Ngày hôm nay, chúng tôi – những người kiểm lâm đi vào rừng, bắn kẻ nào đó săn bắn động vật hoang dã và trở thành kẻ giết người hay chính chúng tôi là người bị giết”, những cuộc gặp gỡ, những chuyến đi vào rừng khiến Trang trân trọng và biết ơn những người kiểm lâm. Vì Trang hiểu, “chỉ một mẩu nhỏ sừng tê giác mà có biết bao động vật và biết bao người ngã xuống”. Mỗi khi nghe tin ai đó làm công việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã bị tấn công hay nằm xuống, Trang có cảm giác một phần máu thịt của mình cũng mất đi theo.

Nhìn thấy nhiều hình ảnh thiên nhiên bị tàn phá, biết thêm nhiều động vật hoang dã bị săn bắn trái phép trong quãng thời gian 5 năm đi thực địa, Trang vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng làm được nhiều việc hơn nữa, như sứ mệnh của một nhà bảo vệ động vật hoang dã.

Mỗi khi nghe thông tin tái phát hiện một loài động vật hay trong tháng qua không có con tê giác nào bị giết, niềm tin trong Trang lại vẹn nguyên như mới…

“Ngay cả trong những lúc tuyệt vọng nhất, buồn chán nhất, tôi vẫn tin rằng có một niềm hy vọng dành cho sự sinh tồn của các loài động vật và thiên nhiên hoang dã trên trái đất này”, nhà bảo tồn động vật hoang dã chia sẻ.

Trang gọi các loài động vật là “bạn ấy” một cách nhẹ nhàng khi nhắc tới đàn voi cô gặp trên đường hay bắt gặp một gia đình vượn cáo đang ôm nhau trên một cành cây…

Và trái tim của Trang đã rung lên một nhịp rộn ràng yêu thương với mẹ thiên nhiên khi chứng kiến hình ảnh một bạn voi trong đàn bị thương không thể đi nhanh được, một bạn voi khác đã quay lại, dụi vòi vào vết thương của bạn mình rồi quấn vòi chúng vào nhau, cùng bước đi trong ánh chiều tà.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO