Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận vì bệnh không tự chủ được việc đi tiểu

Bàng quang thần kinh là bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh. Căn bệnh có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu liên tục, sẹo thận không phục hồi, dẫn đến suy thận, làm tăng nguy cơ tử vong, trong khi căn bệnh này không được chỉ định ghép thận.

bang-quang-than-kinh

Bệnh nhân bàng quang thần kinh nhập viện gần đây nhất là trường hợp bé Nguyễn Hoàng Miên (5 tuổi, Bắc Ninh). Chị Hương - mẹ bé Miên, cho biết khi mới sinh con gái có một khối u kích thước khoảng 3 x 5cm ở vùng cùng cụt. Bé đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán có dị dạng thần kinh là thoát vị tủy - màng tủy và được mổ điều trị lúc 1 tuổi.

Từ sau mổ đến nay bé Miên không tự chủ được trong việc đi tiểu, nước tiểu rỉ liên tục, không kiểm soát được và đã có 4 lần bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Gần đây thấy con có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Bé được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn tiết niệu và phải nhập viện điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được điều trị kháng sinh, thăm dò chức năng thận, đánh giá mức độ ảnh hưởng của bàng quang thần kinh lên hệ niệu. Các bác sỹ kết luận bé bị hội chứng bàng quang thần kinh sau mổ thoát vị tủy - màng tủy. Việc phẫu thuật giải quyết dị tật bẩm sinh thoát vị tủy - màng tủy đã khiến hệ thần kinh điều khiển hệ thần kinh tự động của bàng quang bị tổn thương, bàng quang bị tê liệt, không co bóp được.

Theo bác sĩ cho biết, nếu để nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần thì trẻ có nguy cơ bị suy thận, nguy hiểm tới tính mạng.

Ths. Bs Nguyễn Duy Việt - Phó khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích: “Bàng quang thần kinh khiến bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và tống hoàn toàn nước tiểu ra ngoài; hoặc ngược lại bàng quang hoạt động quá mức, co lại thường xuyên, không có khả năng phối hợp với các cơ co thắt bàng quang. 

Theo Ths.Bs Nguyễn Duy Việt, các triệu chứng thường gặp của bệnh bàng quang thần kinh ở trẻ em là: bệnh nhân rỉ tiểu liên tục và thường không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu; tiểu bí, khó tiểu, tiểu nhỏ giọt do bàng quang hoạt động kém, không co lại và tống được hết nước tiểu ra ngoài.

Ngoài ra, trẻ có thể gặp tình trạng nước tiểu ứ đọng lâu ngày dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận, bể thận, sỏi tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Hậu quả của bệnh khiến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu liên tục, sẹo thận không phục hồi, dẫn đến suy thận, làm tăng nguy cơ tử vong, trong khi căn bệnh này không được chỉ định ghép thận.

Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần khám sàng lọc các dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang như tật nứt đốt sống hoặc bất sản xương cùng, các khối u trong tủy sống hoặc xương chậu.

Đối với những bệnh nhi đã bị các chấn thương tủy sống, phẫu thuật cột sống, u hệ thống thần kinh trung ương, ngộ độc kim loại nặng....khi gặp một trong các triệu chứng bệnh nói trên cần khám để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Bệnh nhân nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng nguyên nhân sẽ tiến tới suy thận, trường hợp nặng bệnh nhân cần phải chạy thận, nếu không có thể tử vong.

Ths.Bs Nguyễn Duy Việt cho biết, việc chẩn đoán bàng quang thần kinh ở trẻ em thường dựa vào các xét nghiệm thăm dò như: siêu âm thận, chụp X-quang bàng quang, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn, xạ hình thận... Sau mổ dị tật thoát vị tủy – màng tủy, tất cả bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm thăm dò chẩn đoán nói trên.  

Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, các nguyên nhân chính gây bàng quang thần kinh ở trẻ em độ tuổi từ 3 tháng – 15 tuổi, bao gồm:

 -        Dị tật thoát vị tủy – màng tủy (chiếm khoảng 95%); 

-        Tật nứt đốt sống hoặc bất sản xương cùng và các bất thường cột sống khác; 

-        Khối u trong tủy sống hoặc xương chậu; 

-        Chấn thương tâm lý; 

-        Tổn thương tủy sống. 

Việc điều trị bệnh cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Đảm bảo chức năng thận; Đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân; Bệnh nhân có khả năng sinh hoạt độc lập khi trưởng thành.

Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, nhưng thông tiểu ngắt quãng sạch là kỹ thuật cần được thực hiện ở tất cả bệnh nhân bàng quang thần kinh. Đây là phương pháp làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Một ống thông sạch được đặt qua niệu đạo bàng quang rồi rút ra. Lặp lại như vậy nhiều lần trong ngày (mỗi lần cách nhau 3-4 tiếng). 

Chọn ống có kích thước phù hợp với lứa tuổi của bệnh nhi: 

Trẻ sơ sinh – 1 tuổi: ống thông số 6;

Trẻ 1 - 3 tuổi: ống thông số 8;

Trẻ 3-7 tuổi: ống thông số 10;

Trẻ từ 7 tuổi trở lên: ống thông số 12.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO