Báo Điện tử Gia đình Mới

Trong 'bão' COVID-19, bà mẹ 2 con đã thay đổi cách chi tiêu, chèo lái gia đình ra sao?

Có lẽ tôi là người cầm lái thất bại rồi? Tôi năm nay 36 tuổi, là bà mẹ của hai đứa con. Cuộc sống của tôi vốn rất vui vẻ và thoải mái. Nhưng từ khi dịch bệnh đến, tôi đã trở thành một người khác rất khác rồi.

Cuộc đời của mỗi người như một chiếc thuyền ngoài khơi. Có khi sóng yên biển lặng, có khi giông tố bão bùng. Người cầm lái không những phải có bản lĩnh mà cần cả kinh nghiệm nữa.

Kinh nghiệm lấy từ đâu khi chúng ta chỉ ra khơi một lần? Kinh nghiệm đến từ những con sóng nhỏ, đến từ hướng gió và đến từ những hạt mưa, chỉ cần bạn để ý là sẽ thấy.

Có lẽ tôi là người cầm lái thất bại rồi? Tôi năm nay 36 tuổi, là bà mẹ của hai đứa con. Cuộc sống của tôi vốn rất vui vẻ và thoải mái. Nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 đến, tôi đã trở thành một người khác rất khác rồi.

Suýt làm mẹ đơn thân  

Thưở ấu thơ tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông. Nhưng bố tôi là thương binh có tiền trợ cấp, lại thêm vườn rau ao cá rộng mênh mông nên tôi chưa phải chịu đói bao giờ. Có thể nói suốt 18 năm sống cùng bố mẹ, tôi chưa khi nào phải suy nghĩ đến chuyện tiền nong.

Sau khi tốt nghiệp tôi đi làm, cũng chật vật mấy tháng không xin được việc. Lúc tốt nghiệp đã nghĩ mình lớn rồi không cần tiền của bố mẹ nữa. Thế là mấy tháng thất nghiệp ấy bạn trai tôi nuôi.

Rồi tôi cũng đi làm, làm thủ kho cho một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối. Người ta cứ nói "giàu nhà kho no nhà bếp", mà tôi thấy mình có giàu đâu. Lương lãnh đủ 3 triệu một tháng, thêm tiền trợ cấp nhập hàng đêm, cũng thêm tầm 1- 2 triệu nữa. Ngày lễ tết có thêm tiền thưởng và tiền khách hàng mừng tuổi. Cả công ty đều thế, tôi không biết thủ kho giàu ở chỗ nào.

Trong 'bão' COVID-19, bà mẹ 2 con đã thay đổi cách chi tiêu, chèo lái gia đình ra sao? 0

Yêu nhau lâu người yêu bảo cưới, ừ thì cưới. Cứ tưởng người yêu phải để giành được nhiều lắm cơ, vì từ khi đi làm tôi không còn xin tiền nữa. Ai dè cũng chẳng hơn tôi bao nhiêu. Hai đứa vô tư vô lo không biết về sống với nhau sẽ thế nào.

Cuộc đời mà, đâu phải cái gì cũng thuận buồn xuôi gió. Bố mẹ bạn trai không đồng ý, lý do thì cũng nhiều. Thôi kệ, tôi vẫn sống cuộc sống của tôi. Sau trận sóng gió ấy một năm thì tôi có bầu, cũng không thiết tha gì về làm dâu nhà họ.

Tôi quyết định làm mẹ đơn thân. Nhưng bạn trai không đồng ý. Người yêu về thưa chuyện với bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi cũng già rồi, thương con mà không còn sức lo cho con được nữa. Thế là tôi đi đăng ký kết hôn, chẳng có đám cưới, chẳng có lời chúc phúc. Hai đứa trẻ con to đầu dọn về sống với nhau.

Lúc này cũng không nghĩ gì đâu, tiền có bao nhiêu thì tiêu bằng ấy. Thêm một đứa bé, tôi tăng ca vài đêm là đủ tiền bỉm sữa luôn rồi. Lấy chồng mà tiền đứa nào đứa nấy tiêu. Tiền phòng trọ và tiền trông trẻ của con, chồng trả. Tiền ăn, tiền sữa, tiền bỉm, tiền tiêm phòng vợ lo.

Tôi cũng chẳng quan tâm lương thưởng của chồng là bao nhiêu, và sau khi đóng 2 khoản kia thì chồng còn lại bằng nào. Các chị công ty cứ bảo tôi dại không biết giữ tiền của chồng. Chồng thì bảo tôi làm một cái thẻ tiết kiệm, thỉnh thoảng cho tiền bỏ vào. Mà tôi bảo không cần, làm gì cho mất công. Còn trẻ còn khỏe còn kiếm được, sao cứ phải lo xa như ông bà già.

Hai vợ chồng rảnh cuối tuần lại bế con đi lên phố chơi. Ăn uống chồng trả, mua đồ vợ chi, tháng cũng hai ba lần như thế. Nên đừng hỏi tôi tiền lương thưởng đâu hết rồi.

Tôi mua con lợn sứ thỉnh thoảng đi làm ca đêm lấy tiền về nhét lợn, chồng thấy hay hay cũng vài lần nhét ké. Lúc con ốm đập lợn, lúc cần mua tủ lạnh đập lợn, mua tivi tủ lạnh cũng đập lợn. Chẳng biết đã thay bao con lợn rồi, mà tiền để giành không bao giờ có.

Rồi khi tôi sinh đứa thứ 2 lúc này cũng đã ngoài 30 sức khỏe không như trước nữa. Công việc thủ kho ngửi đủ mùi hàng hóa độc hại tôi không làm nổi, nghỉ việc về nhà ăn bám chồng, chồng tôi vẫn đang đà kiếm được.

Đời thay đổi khi có COVID-19

Tôi đẻ con xong định bụng con tròn một tuổi cho đi trẻ rồi kiếm việc làm thì đùng một cái chị "Cô Vy" đến. Tôi đành bắt đầu chuỗi ngày dài ở nhà ôm đứa bé, dậy đứa lớn học. Công việc của chồng cũng bấp bênh không kiếm được như trước nữa.

Tôi xoay sở với số tiền lương còn lại trong thẻ, ăn uống gì cũng bớt lại. Chồng tôi vay chị gái 30 triệu, khi nào hết dịch sẽ dồn tiền trả sau. Rồi dịch qua đi, đứa bé và đứa lớn đều đi học cả. Tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm việc của mình.

  Món bánh ăn sáng cho cả nhà

Món bánh ăn sáng cho cả nhà

Nhưng lúc này tôi đã 35 tuổi, ngưỡng cửa của sự chơi vơi. Công ty thì cần người trẻ, quán ăn lại cần người trung niên. Tôi chán nản lên mạng tham gia các hội nhóm diễn đàn văn học. Vui thì làm thơ, buồn thì viết truyện. Ấy thế mà cũng đủ tiền bỉm sữa cho con. Tiền để giành vẫn không có đâu, đủ ăn là tốt rồi.

Cứ tưởng như thế đã bình yên, nào biết đâu dịch bùng thêm lần nữa. Lần này xong luôn. Chỗ làm của chồng tôi phải đóng cửa, phải ở nhà nghỉ việc không lương. Chồng lại đi vay người thân thêm 20 triệu nữa, nợ cũ còn chưa trả được đồng nào.

Lúc này hai vợ chồng ở nhà bốn mắt nhìn nhau, tôi thấy chồng cũng gầy đi nhiều lắm, tóc đã bắt đầu có thêm sợi bạc. Đứa trẻ to xác khi xưa cũng sắp già rồi.

Tôi bắt đầu kiểm điểm lại bản thân, sao ngày xưa không chịu khó đi tăng ca nhiều chút nữa. Sao có tiền không nghe chồng bỏ thẻ, thì giờ đây sao phải nợ thế này? Rồi sau dịch biết làm gì mà trả?

Thôi vậy, giờ phải lo chuyện trước mắt đã. Thế là tôi lên kế hoạch chi tiêu, cái gì không cần thiết tôi đều cắt hết. Hà Nội thực hiện giãn cách, đi chợ giờ đã là điều xa xỉ. Tôi cầm tiền đi siêu thị mua đủ thịt gà cá trứng sữa.

Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành

Trước kia đi không nhìn giá bao giờ. Giờ thì tôi cẩn thận xem, chỉ chênh nhau 2-3 nghìn đồng cũng quý. Trước kia tờ rơi khuyến mại tôi không bao giờ đọc, giờ thì soi từng chữ luôn rồi. Thẻ tích điểm ít khi sờ tới, giờ cũng mang ra sử dụng luôn. Các chương trình khảo sát cộng điểm tôi không khi nào thực hiện. Giờ chỉ mong tuần được khảo sát mấy lần.

Tôi bắt đầu tính toán lại bữa ăn, không cắt giảm nhiều mà đổi đi cách thực hiện khác. Bữa sáng thay vì đi mua đồ ăn sẵn, tôi bắt tay vào làm. Xưa mua gói xôi 10 nghìn chỉ đủ lão chồng ăn, thì nay tôi tự nấu. Một bát gạo nếp thêm đôi ba hạt lạc, cả nhà ăn no nê.

Thay vì mua 15 nghìn cái bánh mì kẹp chỉ mình đứa lớn chén. Nay tôi mua bột mỳ về đập một quả trứng, thêm hai thìa đường rán lên cả nhà ăn. Vậy là mỗi sáng tôi giảm được 20 nghìn so với trước dịch rồi.

  Đồ dùng thanh lý

Đồ dùng thanh lý

Bữa trưa và bữa tối, thay vì nấu một nồi canh đầy ăn không hết thì bỏ đi. Tôi chia các loại đồ ăn ra làm nhiều phần nhỏ. Nếu là thịt lợn thì một phần băm đập trứng chiên lên thành chả, một phần băm nấu bát canh mồng tơi. Đầu cá nấu bát canh chua, thân đem rán, cái đuôi kho với thịt bữa sau ăn. Thế là vừa ngon vừa nhiều món lại không lãng phí.

Tôi thấy đồ ăn trong tủ lạnh cũng lâu hết hơn. Còn hai đứa con, sữa uống tôi cũng cắt bớt, thay vào đó cho con uống nước cam chanh. Một đứa 9 tuổi và một đứa 3 tuổi, nhu cầu sữa cũng không cần phải nhiều như trước nữa. Chanh leo, chanh xanh, cam tính ra lại rẻ hơn sữa nhiều. Chồng tôi pha cho thêm vài viên đá, hai bạn tấm tắc khen ngon.

Hôm nào chán không muốn ăn cơm, tôi băm ít thịt thêm hai nắm mỳ gạo chũ, thế là thành bát phở mùa dịch rồi.

Lối nhỏ trước cửa nhà, trước kia là hàng hoa mười giờ, giờ thành chỗ tôi trồng hành lấy lá thả nồi canh. Chỉ những thay đổi nhỏ trong bữa ăn, mà tôi thấy mình tiết kiệm được kha khá. Cuộc chiến chống dịch này còn dài lắm, ăn uống không tính toán là không vượt qua được.

Bản thân tôi không ham xem phim như trước nữa, tôi chịu khó viết bài gửi báo nhiều hơn. Không phải tất cả các bài gửi đi đều có kết quả tốt, nhưng tài khoản tiền vào cũng có tăng lên. Tôi làm 2 thẻ tiết kiệm online, cứ có tiền về lại chuyển sang đó một ít. Một cái gửi không kỳ hạn rút lúc nào cũng được phòng khi cần tiền gấp. Một cái gửi 3 tháng một, sau 3 tháng rút ra cho thêm một ít vào gửi kỳ mới, cái này để giành trả nợ.

Tôi xóa hết Shopee, Lazada, Tiki ra khỏi điện thoại, mắt không thấy tâm không phiền. Mặc dù tôi biết có đặt hàng cũng không giao được, nhưng nó giúp tôi từ bỏ thói quen thấy thích là mua. Nhiều món mua về cũng không biết để làm gì, lúc mua chỉ vì thấy nó đẹp và rẻ.

  Hãy tiết kiệm khi có thể

Hãy tiết kiệm khi có thể

Tôi ngồi một ngày soạn hết những món đã mua không mục đích ấy, mới thấy mình lãng phí biết bao. Tôi chụp ảnh đăng lên hội nhóm bán hàng, bán rẻ đi chút nhưng tôi không tiếc nuối, có giữ lại tôi cũng không dùng đến đâu. Chốt đơn xong, tôi gói hàng cất vào một góc, khi nào hết giãn cách thì sẽ đi giao.

Tôi cũng chịu khó tham gia các cuộc hội thảo online, ngồi nói chuyện 2-3 tiếng được 200 nghìn thẻ điện thoại, thẻ gửi đến tay lại bán rẻ luôn cho người khác, tuần làm một hai lần cũng có cân thịt cho con.

Không ngại đối mặt sóng gió

Có thể bạn sẽ nghĩ tôi là bà mẹ tồi, khi đến phần sữa cho con cũng cắt bớt. Nhưng chỉ khi ở trong hoàn cảnh của tôi bạn mới hiểu, một nghìn giữa lúc dịch bệnh này đáng quý bao nhiêu.

Tôi nghĩ khi dịch qua đi, có thể tôi không tìm được công việc ổn định, nhưng tôi biết tiết kiệm rồi. Tôi sẽ một người biết chi tiêu, biết vun vén cho gia đình nhỏ bé. Tôi chắc rằng mình sẽ trả được hết nợ thôi.

Con thuyền của tôi vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió, tôi cũng không còn trẻ nữa. Nhưng biển kia rộng mênh mông, đường đời còn rất dài.

Nhìn lại bản thân mình, tôi cũng có nhiều điều tiếc nuối. Nên tôi có lời nhắn nhủ với các bạn trẻ vài lời như này thôi: Bạn thích ăn, thích chơi thích làm gì cũng được, nhưng hãy để lại cho mình một lối thoát. Khi còn sức để kiếm tiền thì cứ kiếm, tiết kiệm được thì cứ tiết kiệm.

Tiền không phải là tất cả, nhưng ít nhất bạn nên có một khoản để dành. Để khi giông tố ập đến, bạn sẽ không phải  đi vay tiền và sống chật vật như tôi. Chúc mọi người bình an vượt qua cơn bão COVID-19 này nhé.

                  Người dự thi: Đinh Thị Hảo (36 tuổi, Hà Nội)

Trong 'bão' COVID-19, bà mẹ 2 con đã thay đổi cách chi tiêu, chèo lái gia đình ra sao? 4

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức. 

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO