Báo Điện tử Gia đình Mới

Từ mai 25/9, không cần tới Hà Nội, TP.HCM vẫn được bác sĩ Bạch Mai, Chợ Rẫy khám bệnh

Những ca bệnh nặng ở các cơ sở y tế tuyến dưới sẽ được các y bác sĩ của bệnh viện tuyến Trung ương hội chẩn để cùng đưa ra phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

Đề án thực hiện nhiệm vụ kép 'vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội'

Thông tin tại cuộc họp báo về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế diễn ra vào chiều mai 25/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó ban chỉ đạo Đề án "Khám chữa bệnh từ xa" cho biết, ngày 22/6, Bộ Y tế ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo: "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa".

  Họp báo thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.

Họp báo thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.

Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế.

Hơn 1.000 điểm cầu được kết nối, hàng trăm người bệnh được cứu sống

Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé...

Điển hinh là ca bệnh tại Ba Đồn, Quảng Bình: Ngày 01/9 chị Trần Thị T (30 tuổi, Ba Đồn) nhập viện khi thai nhi 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện TW Huế và được cứu sống kịp thời cả mẹ và con.

  Nhiều ca bệnh nặng được hội chẩn kịp thời qua Teleheath, giúp người bệnh tuyến dưới thoát án tử.

Nhiều ca bệnh nặng được hội chẩn kịp thời qua Teleheath, giúp người bệnh tuyến dưới thoát án tử.

Ngày 04/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam T.V.C, 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine.

Ngày 11/9 BV Bạch Mai hỗ trợ BV ĐK Tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa….

Tại buổi họp báo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án.

Đó là Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; Sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…

Ngày mai 25/9 sẽ chính thức khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa trên cả nước ghi dấu ấn triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống ngành y tế Việt Nam.

 Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO