Báo Điện tử Gia đình Mới

Từ năm 2021-2022, các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học sẽ 'biến mất' khỏi thời khóa biểu

Từ năm học 2021-2022, học sinh THCS sẽ không còn học từng đơn môn Hóa học, Vật lý, Sinh học như chương trình hiện nay mà 3 môn học này được tích hợp thành 1 môn: Khoa học tự nhiên.

5 đơn môn thay bằng 2 liên môn

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ được học sách giáo khoa mới.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 3 bộ sách lớp 6 gồm bộ Cánh Diều, Bộ sách Chân trời sáng tạo và Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các địa phương đang trong quá trình lựa chọn để chọn bộ sách phù hợp với địa phương mình.

Đáng chú ý, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lớp 6 sẽ có thay đổi về một số môn học.

Cụ thể: 2 môn Lịch sử và Địa lý sẽ gộp thành 1 môn Lịch sử và Địa lý.

3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học gộp thành môn Khoa học Tự nhiên.

Như vậy, từ năm học 2021-2022, trong thời khóa biểu của học sinh sẽ không còn các đơn môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử mà sẽ thay vào thành 2 môn "Khoa học tự nhiên" và "Lịch sử và Địa lý".

3 bộ sách giáo khoa mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt cũng đã có 2 cuốn sách này.

  2 môn tích hợp và phối hợp thay thế cho 5 môn học riêng lẻ hiện nay.

2 môn tích hợp và phối hợp thay thế cho 5 môn học riêng lẻ hiện nay.

Các môn Lý, Hóa, Sinh sẽ “biến mất”

Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên SGK môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, khi làm SGK lớp 6, đơn vị xác định xây dựng Khoa học tự nhiên là môn học tích hợp, còn Địa lí và Lịch sử là môn học phối hợp.

SGK môn Khoa học tự nhiên phải đảm bảo vừa hỗ trợ cho GV giảng dạy tích hợp, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy trước yêu cầu phù hợp với năng lực HS.

Các tác giả biên soạn xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. Đơn cử, khi dạy về vật thể sống, nội dung không chỉ đơn thuần là kiến thức sinh học, mà còn tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. Do vậy, đòi hỏi GV dạy Sinh học ngoài việc dạy kiến thức phải đảm nhận thêm việc bổ sung các kiến thức nền cho học sinh.

Việc tích hợp sẽ giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học và Sinh học. Đơn cử, nội dung protit, lipit, gluxit dạy trong kiến thức Hoá học thì sẽ không cần dạy trong kiến thức Sinh học nữa; khái niệm vật chất đã dạy trong nội dụng Hoá học sẽ không cần dạy trong nội dung Vật lý; chủ đề về năng lượng trước đây được dạy riêng trong từng môn nay được tích hợp chung. Mặc dù dạy môn tích hợp, không còn riêng biệt từng môn như trước đây nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi.

“Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Để GV có thể dạy được là thách thức rất lớn, cần bám sát nội dung bồi dưỡng, tập huấn. Việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Sách được biên soạn với phương châm tinh giản, kế thừa nội dung hiện hành, đạt được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết thực, gắn liền với cuộc sống. Thông qua môn học giúp HS khơi nguồn sáng tạo, tư duy rộng hơn trong quá trình học tập” - PGS Mai Sỹ Tuấn nói.

Lịch sử - Địa lí trở thành một môn học tích hợp

TS Nguyễn Văn Ninh - đồng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lí lớp 6 – bộ Cánh Diều cho hay, dù kiến thức ở 2 môn giao nhau nhưng vẫn sẽ đảm bảo tính phân môn nhất định.

Nội dung trong sách Lịch sử và Địa lí các cấp học từ THCS trở lại sẽ có 4 chủ đề gồm: Phát kiến địa lí - đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc gộp 2 phân môn thành 1, chưa có nhiều sự giao thoa.

Trong SGK Lịch sử và Địa lí lớp 6 mới, nhóm tác giả vẫn lồng ghép thêm chủ đề về biển đảo. Các kiến thức không chỉ đơn thuần nguyên về biển đảo, mà còn các vấn đề về chủ quyền, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam. Từ đó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc của học sinh.

Cũng theo ông Ninh, môn học mới sẽ có giải pháp chiến lược về mặt con người. Việc đào tạo GV đáp ứng 2 môn này thì đã được các trường Sư phạm thực hiện. Ngay sau 2018, các trường sư phạm đã mở mã ngành mới là đào tạo GV dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Đây là về mặt chiến lược lâu dài.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO