Báo Điện tử Gia đình Mới

Tự ý truyền dịch: Làm liều có thể chịu họa

Mỗi khi cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt… nhiều người thường sử dụng truyền dịch với suy nghĩ giúp cơ thể khỏe lên tức thì. Không hiểu biết, không chuyên môn, không rõ khả năng đáp ứng của cơ thể… khiến cho phương pháp truyền dịch trở thành sự đe dọa sức khỏe, tính mạng người sử dụng.

truyendich

Vừa qua, tại Vĩnh Phúc, một nạn nhân đã bị tử vong vì truyền dịch. Cụ thể, khoảng 8 giờ ngày 18/4, anh P.V.Q (SN 1974, phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên) đến quầy thuốc tân dược Hiền Chi (quầy thuốc gần nhà anh Q.) nhờ truyền dịch.

Tại đây, 2 dược sỹ sử dụng 3 loại thuốc gồm 2 lọ dung dịch Glucose 5%, 2 ống Calciclorid 50ml và 2 ống Dimedrol 10mg/1ml truyền vào tĩnh mạch anh Q.

Sau đó, khoảng 9h30, anh Q có biểu hiện bủn rủn tay chân, da tái nhợt, kêu mệt mỏi nên được đưa đến trung tâm y tế cấp cứu. Tuy nhiên, anh Q. không qua khỏi.

Trên thực tế không chỉ riêng với các hiệu thuốc, các cơ sở không giấy phép vẫn vô tư thực hiện truyền dịch mà còn rất nhiều các dịch vụ truyền dịch tại nhà.

Chưa kể, không ít người có suy nghĩ truyền dịch là phương pháp nhanh nhất, tốt nhất, rẻ nhất giúp cơ thể phục hồi, bệnh tật tiêu tan.

Họ cho rằng thứ dịch truyền được gọi là 'nước biển, nước hoa quả, đạm' đều lành tính, đơn thuần không gây hại.

Vì thế, khi ốm, sốt, cảm thấy mệt mỏi, nhiều người ra hiệu thuốc, mua dịch truyền với giá hơn 100.000 đồng/lọ, dây truyền, kim tiêm và sử dụng. 

Chưa kể tới, ngay trong cách 'hành nghề' của nhiều người cũng rất đáng lo ngại. Dịch truyền, dụng cụ y tế mua về không được tiệt trùng hoặc chỉ 'trần sơ qua bằng nước sôi' đã tiến hành truyền dịch, dụng cụ được tái sử dụng nhiều lần hay bảo quản không đảm bảo vệ sinh là điều thường thấy nhất.

Chính sự bừa bãi, thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của nhiều người đang biến dịch truyền trở thành 'con dao hai lưỡi' đe dọa sức khỏe, tính mạng con người.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Nguyễn Thu Hà (Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết việc truyền dịch chỉ thực hiện khi bệnh nhân không còn cách nào để bù nước, dưỡng chất cho cơ thể vì bệnh nhân vẫn có thể bù nước, dưỡng chất bằng cách ăn uống.

Đôi khi, ăn uống còn cung cấp dưỡng chất nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều. Đơn cử, với tỉ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì truyền 1 chai glucose 5% chỉ tương đương với việc uống gần 1 thìa café đường.

Chính vì thế, bác sĩ khuyên, chỉ khi bệnh nhân không thể ăn uống, nôn trớ quá nhiều, tiêu chảy… mà không thể bù nước qua đường ăn uống thì cần truyền dịch.

Tuy nhiên, việc làm này phải có sự chỉ định của bác sĩ và không phải trường hợp nào cũng được truyền, nhất là bệnh nhân sốt cao.

Ngoài ra, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định từng bệnh nhân chứ không nên tùy tiện muốn là truyền sẽ rất nguy hiểm.

'Đối với nhân viên y tế khi gặp trường hợp người bệnh bị sốc do truyền dịch cần phải đánh giá đúng tình trạng người bệnh, phải xử trí tại chỗ và khi quyết định chuyển đến cơ sở y tế khác thì phải đảm bảo an toàn trong thời gian di chuyển người bệnh', bác sĩ Nguyễn Thu Hà (Khoa Truyền Nhiễm, BV Bạch Mai) nhấn mạnh.

Không chỉ riêng với truyền dịch, hiện nay, người dân còn thiếu ý thức trong sử dụng các sản phẩm thuốc. Sử dụng bừa bãi, thiếu hiểu biết, điều trị dò theo kinh nghiệm tiềm ẩn rất nhiều nguy hại đến sức khỏe, tính mạng.

Khi nào chúng ta cần truyền dịch:

- Khi một trong các chỉ số trung bình trong máu, về các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải... thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép.

- Trong một số trường hợp đặc biệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng cũng cần truyền nước khi bệnh nhân bị: Mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, bị ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật...

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO