Báo Điện tử Gia đình Mới

Uống Oresol sai cách, trẻ 18 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, mất nước nghiêm trọng

Bị tiêu chảy ăn uống kém và mệt nhiều, trẻ được bố mẹ cho uống thực phẩm chức năng dạng Oresol đã pha sẵn thay vì thuốc Oresol và dẫn đến bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, mất nước, rối loạn điện giải nặng.

  Hình ảnh loại thực phẩm chức năng dạng Oresol gia đình đã cho cháu bé sử dụng (ảnh do gia đình bệnh nhi cung cấp)

Hình ảnh loại thực phẩm chức năng dạng Oresol gia đình đã cho cháu bé sử dụng (ảnh do gia đình bệnh nhi cung cấp)

Thông tin từ khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho hay, đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhi bị nhiễm khuẩn tiêu hóa dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật do bù nước không đúng cách.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai xác nhận, đó là trường hợp cháu H.K.N. (18 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa trong tình trạng mất nước nặng: môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt.

Trước đó cháu lên cơn co giật nặng, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái và gần như mất ý thức.

Với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn tiêu hoá dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật, cháu đã nhanh chóng được xử lý truyền dịch, làm các xét nghiệm cơ bản, siêu âm tim, chụp sọ não, chọc dịch não tủy.

Từ lúc nhập viện cháu bé đã có thêm 4 lần co giật khoảng 30 giây - 1phút/ lần và các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để cắt cơn giật.

Sau 4 ngày theo dõi và điều trị đúng phác đồ, tình trạng của cháu dần ổn định.

Chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cậu con trai đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, anh Hoàng Cao S.  bố cháu bé chia sẻ: Trước vào viện 3 ngày, cháu bị tiêu chảy ăn uống kém và mệt nhiều, gia đình đưa cháu đến khám tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol.

Tuy nhiên khi ra hiệu thuốc mua, người bán hàng nói đã hết thuốc Oresol và đưa thực phẩm chức năng dạng Oresol đã pha sẵn.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, bố của bệnh nhi viết: “Mình thắc mắc tại sao lại mất nước khi Oresol vẫn uống được, dù là ít? Lúc này mấu chốt của vấn đề mới được làm sáng tỏ, loại Oresol mình mua ở hiệu thuốc thực tế là thực phẩm bổ sung với thành phần và hàm lượng không đủ so với loại Oresol được kê trong đơn.

Loại mình mua là một chai pha sẵn 250ml, bán đầy trên Lazada và các chợ online, các mẹ hay mua đồ online chỉ cần search cái là thấy.

Đây là bài học mình muốn chia sẻ để cả nhà cùng thêm chút ý thức và hiểu biết khi mua thuốc cho con cũng như chăm sóc gia đình”.

Nói về Oresol, bác sĩ Tuấn Anh cho biết, Oresol là một loại thuốc, là thành tựu khoa học của thế giới đã cứu sống hàng triệu trẻ em mắc tiêu chảy mất nước.

Khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng.

Oresol với thành phần là Na, K,Cl ... khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước và điện giải đã mất, giúp trẻ phục hồi. Ví dụ 1 gói pha với một lít nước hoặc 1 gói pha với 200ml nước theo qui định của nhà sản xuất.

Nếu pha quá loãng hoặc quá đặc sẽ làm thay đổi áp lực thẩm thấu của oresol khiến ruột không thể hấp thu được, không những không có tác dụng bù mất nước mà còn khiến trẻ đi ngoài nhiều hơn và dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác.

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm chức năng thay thế Oresol cũng rất nguy hiểm vì nó tác động ngay tới sức khỏe của trẻ do không được bù đủ nước và điện giải.

Theo khuyến cáo của BS Tuấn Anh thì khi pha oresol phụ huynh phải đọc kỹ hướng dẫn cách pha, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định (pha chính xác lượng nước, không ước lượng, áng chừng).

Khi pha dung dịch với nước phải uống hết trong vòng 24 giờ, sau 24 giờ nên bỏ đi và pha gói mới.

Tuyệt đối không bảo quan trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần, không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng.

Không đun sôi dung dịch đã pha, tuyệt đối không cho thêm đường, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt….

Phụ huynh tuyệt đối không dùng thực phẩm chức năng dạng Oresol để thay thế cho thuốc Oresol.

Đặc biệt, khi thấy con có biểu hiện bất thường như uống không đủ liều Oresol, mệt mỏi, ngủ li bì khó đánh thức, môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt thì phải cho trẻ vào viện ngay.

Đó là những dấu hiệu của việc mất nước nặng mà nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.

M.Thanh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO