Báo Điện tử Gia đình Mới

Sau khi 'nhậu' bao lâu thì lái xe mà không bị phạt?

Các bác sĩ cho rằng việc nồng độ cồn lưu lại trong máu, hơi thở trong thời gian bao lâu còn tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của mỗi người, không có mức thời gian áp dụng chung.

  Từ 1/1/2020, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông bị phạt tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe.

Từ 1/1/2020, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông bị phạt tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe.

Từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực. Một trong những quy định của Luật là cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia.

Cũng trong ngày 1/1/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm giao thông (sửa đổi, bổ sung Nghị định 46) cũng chính thức được áp dụng. Trong Nghị định 100, các hành vi vi phạm giao thông liên quan tới nồng độ cồn bị xử phạt tăng gấp nhiều lần so với Nghị định 46. 

Đối với người điều khiển các phương tiện từ xe đạp, xe máy, ô tô... đều tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm, mức xử phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng, tước bằng lái xe.

Do đó, hiện nay, rất nhiều người đang quan tâm về việc: Sau khi uống rượu, bia bao lâu thì trong hơi thở, máu không còn nồng độ cồn?

Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng không thể có khoảng thời gian chính xác tuyệt đối về việc âm tính nồng độ cồn trong cơ thể sau khi uống rượu, bia cho tất cả mọi người. Bởi mỗi người có cơ thể, thể trạng khác nhau, lượng bia rượu uống khác nhau. 

"Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ đồng hồ gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%).

Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa. Đối với người khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ loại bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe. Ngược lại, đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều" - bà Trang giải thích.

  Nồng độ cồn trong máu và hơi thở của mỗi người sẽ chuyển hóa khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Nồng độ cồn trong máu và hơi thở của mỗi người sẽ chuyển hóa khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Rất khó xác định điều này bởi nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

- Thứ nhất là lượng rượu, nồng độ rượu tiêu thụ: Người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.

- Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.

- Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

- Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.

"Thời gian chuyển hóa nồng độ cồn trong mỗi cơ thể là khác nhau. Vì vậy, không ai biết chắc chắn thời gian bao lâu thì rượu sẽ âm tính trong máu. Người dân phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước, đến tối hôm sau vẫn còn dương tính cồn trong máu và hơi thở” - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bày tỏ băn khoăn, hiện nay một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng có một chút ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở.

Về vấn đề này, BS Nguyên cho rằng, người dân nên yên tâm vì lực lượng xử lý hành vi vi phạm đều có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần hai. Ở một số nước, test sàng lọc ban đầu nếu dương tính họ sẽ làm bước hai.

“Nếu không may ăn phải những đồ ăn thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra sẽ có một chút ethanol trong hơi thở, thì sẽ rườm rà hơn một chút”, BS Nguyên cho hay. 

Bác sĩ Nguyên khẳng định, những quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia hoàn toàn đúng về mặt khoa học vì bất kể nồng độ rượu nào, kể cả nồng độ rượu thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh.

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO