Báo Điện tử Gia đình Mới

Vì sao có hiện tượng song sinh dính liền như cặp Song Nhi?

Hiện tượng song sinh dính liền như cặp Song Nhi vừa được phẫu thuật tách rời thành công thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhưng vì sao có hiện tượng này không phải ai cũng rõ.

Hiện tượng song sinh dính liền là dị tật hiếm gặp

Chia sẻ với Gia Đình Mới về dị tật song sinh dính liền, BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết: “Trong quá trình 30 năm làm siêu âm sản khoa, tôi đã gặp khá nhiều trường hợp dính dị tật. Hầu như năm nào cũng gặp 1 – 2 ca.

Với song sinh dính liền, tỷ lệ rất hiếm gặp chỉ từ 1/50.000 – 1/100.000 ca. Các cặp song sinh dính liền là nữ giới có khả năng xảy ra nhiều hơn so với cặp song sinh dính liền là nam giới”.

  Song sinh dính liền là dị tật hiếm gặp

Song sinh dính liền là dị tật hiếm gặp

Để biết vì sao có hiện tượng song sinh dính liền, cần tìm hiểu về cơ chế dẫn đến song thai. Có hai cơ chế dẫn tới song thai.

Thứ nhất là song thai 2 trứng (dị hợp tử) chiếm 2/3 trường hợp song thai, khi đó 2 trứng được thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau và vì vậy sẽ có những đặc trưng di truyền riêng biệt, có thể cùng hoặc khác giới tính.

Mỗi thai nhi nằm trong buồng ối được nuôi dưỡng bởi 1 bánh nhau riêng biệt. Không có sự thông nối mạch máu giữa 2 thai.

Thứ hai là song thai 1 trứng (đồng hợp tử) chiếm 1/3 trường hợp song thai, khi đó 1 trứng thụ tinh với 1 tinh trùng, hợp tử phân đôi thành 2 thai nhi, luôn cùng giới tính và giống nhau về đặc trưng di truyền.

Số bánh nhau và số buồng ối hình thành tùy thuộc vào giai đoạn phân đôi của phôi. Nếu phân đôi trước ngày thứ 4 sau khi thụ tinh (giai đoạn 2 đến 8 tế bào) sẽ có hai bánh nhau và hai buồng ối riêng biệt.

Nếu sự phân đôi xảy ra giữa ngày thứ 4 và ngày thứ 8 (giai đoạn phôi nang) sẽ tạo nên 1 bánh nhau chung và hai buồng ối.

Còn nếu sự phân đôi xảy ra trong khoảng 8 đến 13 ngày sau khi thụ tinh thì song thai có chung một bánh nhau và một buồng ối; nếu sự phân đôi xảy ra sau 13 ngày thì song thai dính nhau.

Sự khác biệt lớn nhất của sinh đôi bình thường và sinh đôi dính thai khi ở trong bụng mẹ chính là nhau thai và túi ối. Nếu sinh đôi bình thường mỗi thai nhi nằm trong buồng ối được nuôi dưỡng bởi 1 bánh nhau riêng biệt thì các cặp song sinh dính liền cùng chung nhau thai và túi ối. Mà đã dùng chung thì phải thiếu thốn nên tỉ lệ biến cố, hiểm nguy sẽ cao hơn.

Các xét nghiệm máu, dịch ối hay nhiễm sắc thể không thể kết luận được song thai dính nhau. Các con có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến cuối tuần thứ 14. Tuy nhiên mọi thứ đều tương đối.

  BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Bác sĩ Chường cũng cho biết, sự phát triển của kĩ thuật siêu âm hiện nay giúp phát hiện dị tật thai nhi dính liền dễ dàng hơn và sớm hơn.

Tình trạng song thai dính liền xảy ra do quá trình phân chia phôi muộn, thường là sau 13 – 15 ngày sau khi thụ thai.

Nhưng cũng có một giả thuyết khác được các nhà khoa học đặt ra là, hai phôi riêng biệt bằng cách nào đó có thể hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển ban đầu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân tác động khác như tổn thương thần kinh, thiếu axit folic…

Do đó, người phụ nữ mang thai thường được bác sĩ khuyến cáo nên khám xem có thiếu gì không, nên bổ sung axit folic trước 1 tháng khi mang thai. Một ngày trung bình bổ sung 400 microgram axit folic.

  Tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của 1 trong 2 người. Ảnh minh họa

Tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của 1 trong 2 người. Ảnh minh họa

Di tật song sinh dính liền tồn tại nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo BSCKII Nguyễn Xuân Chường, việc mang thai song sinh dính liền rất phức tạp và làm tăng đáng kể nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ.

Cũng như cặp song sinh khác, những đứa trẻ dính liền có khả năng sinh non. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cặp song sinh có thể xảy ra ngay lập tức như suy hô hấp, các vấn đề tim mạch...

Khi chào đời, các cặp song sinh dính liền sẽ ra cùng lúc, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình sinh nở tự nhiên. Do đó, với song thai dính liền, tỷ lệ bệnh tật và tử vong mẹ cũng như trẻ sơ sinh cao hơn gấp 2 - 3 lần so với đơn thai.

Song sinh dính liền có rất nhiều kiểu dính như dính đầu, dính ngực, ngực bụng, dính vùng chậu có thể tạo ra 2 chân, 3 chân hoặc 4 chân… dính phức tạp. Phân chia càng muộn thì dính càng nặng. Dính nhau phần ngực, bụng chiếm tỷ lệ nhiều nhất tới 75%; 23% dính phần chậu hông, chân, bộ phận sinh dục; 2% nối nhau ở hộp sọ.

Không ít trường hợp trong đó có thể dễ ràng được tách biệt khi phần bị dính không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng có không ít trường hợp song sinh dính liền chung nhau những bộ phận quan trọng như nội tạng (chung tim, một lá gan), não bộ… khó can thiệp.

Hiện nay dù y học tiến bộ nhưng tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của 1 trong 2 người, thậm chí cả hai nếu phần dính liền là những bộ phận quan trọng.

Do đó, các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo chị em, để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, ngay khi vừa biết mình có thai, chị em cần tới cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám và theo dõi thai kỳ.

Với trường hợp song thai, thai phụ sẽ được tư vấn, khám và siêu âm để đánh giá tình trạng thai như đã nằm đúng vị trí trong lòng tử cung chưa, một hay nhiều thai...

Nếu là song thai thì có đặc điểm gì? Song thai 1 nhau - 2 ối hoặc 1 nhau - 1 ối là các song thai có thể có một số biến chứng trong quá trình phát triển khiến chúng có thể chết lần lượt trước khi kịp can thiệp y khoa cứu sống trẻ.

  Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 14. Ảnh minh họa

Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 14. Ảnh minh họa

Chẩn đoán song sinh dính liền như thế nào?

Cặp song sinh dính liền có thể được chẩn đoán bằng siêu âm thai ngay từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 14. Tuy nhiên, cặp sinh đôi có sự kết hợp nhiều có thể bị nhầm lẫn thành đơn thai. Vậy nên cần phải thực hiện các kỹ thuật sau: 

- Siêu âm tim, siêu âm màu Doppler: Được sử dụng tuần thứ 20 để đánh giá rõ hơn mức độ kết nối, giải phẫu của cặp song sinh và hoạt động của các cơ quan của chúng. 

- Cộng hưởng từ (MRI): Nếu siêu âm phát hiện cặp song sinh dính liền, MRI có thể được chỉ định. MRI có thể cung cấp chi tiết hơn về vị trí cặp song sinh dính liền được kết nối và cơ quan nào chia sẻ. MRI thai nhi và siêu âm tim thai hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc trong và sau khi mang thai. 

- Các xét nghiệm hình ảnh học khác được chỉ định tuỳ từng loại kết nối khác nhau.

 

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO