Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ em vợ tố MC VTV bạo hành: Bi kịch ở giữa những điều Đúng – Sai

Trong trường hợp này, dù câu chuyện là đúng hay sai thì với diễn biến hiện tại đều bất lợi cho tâm sinh lý của cô bé đang ở tuổi 15. Bởi, đứa trẻ thấy những người thân yêu nhất của mình không bảo vệ mình thì không ai có thể bảo vệ mình.

Phân tích cách ứng xử của gia đình đối với trường hợp cô bé 15 tuổi tố cáo anh rể là MC VTV bạo hành, ông Trần Ban Hùng, nguyên Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, với con cái, người làm cha mẹ phải cho con thấy, bất kể con đúng hay sai cha mẹ vẫn luôn đứng về phía con.

Chuyên gia Trần Ban Hùng lý giải, nếu câu chuyện này không hoàn toàn đúng, tức là trẻ làm sai, những điều cha mẹ, anh chị cô bé nói ra khiến bé cảm thấy đến cả người thân nhất là cha mẹ cũng quay lưng lại với mình. Điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, bị xa lánh, không được ủng hộ. Trẻ sai mà cha mẹ quay lưng, không đứng ra bảo vệ trẻ như vậy trẻ sẽ càng sai hơn.

Còn nếu trẻ đúng mà tất cả người lớn trong gia đình dồn trẻ khiến người khác hiểu trẻ sai thì trẻ sẽ hoàn toàn mất niềm tin vào người thân. Và điều này sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, anh chị em trong gia đình.

Nguy hiểm hơn nữa là khi trẻ có hành động, lời nói trái ý với cha mẹ, nhưng người lớn ngại với hàng xóm, ngại với dư luận xã hội nên đổ lỗi cho đứa trẻ làm sai. Nó sẽ càng tệ với trẻ, trẻ bị khủng hoảng và có thể dẫn tới những hành vi tồi tệ hơn như bỏ nhà ra đi hoặc tự tử. Bởi, đứa trẻ thấy những người thân yêu nhất của mình không bảo vệ mình thì không ai có thể bảo vệ mình.

Chuyên gia Trần Ban Hùng, nguyên Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển tại Việt Nam

Chuyên gia Trần Ban Hùng, nguyên Trưởng ban Bảo vệ trẻ em của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển tại Việt Nam

Vậy nên, kể cả khi trẻ nói với bạn bè, đăng tải trên mạng xã hội, nói với thầy cô những thông tin sai hoàn toàn thì việc bố mẹ cần làm không phải là chĩa búa rìu vào trẻ mà phải đứng về phía trẻ, bảo vệ trẻ.

Khi trẻ sai phải nói chuyện với trẻ, phân tích để trẻ biết được việc làm, hành động của mình là không đúng. Việc cha mẹ, người thân tìm cách chứng minh với dư luận những gì trẻ nói là không đúng vô tình sẽ làm đứa trẻ khủng hoảng, mất đi niềm tin với gia đình.

Mặt khác, việc đó sẽ làm trẻ bị bêu xấu trước bạn bè, trước dư luận xã hội. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của trẻ, làm cho tình trạng khủng hoảng của trẻ ngày càng nặng nề hơn.

Do vậy, lời khuyên của chuyên gia Trần Ban Hùng dành cho các bậc làm cha, làm mẹ khi gặp phải những tình huống liên quan đến trẻ nhỏ là, người lớn khi làm bất cứ điều gì cũng cần nghĩ đến việc bảo vệ an toàn cho trẻ.

Khi sự việc xảy ra, điều đầu tiên cần làm là người thân hãy nói chuyện với trẻ để nghe trẻ nói về hành động, việc làm của mình. Nếu trẻ không hợp tác hoặc người lớn không tìm được giải pháp tốt nhất, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.

Qua quá trình trò chuyện, chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ nói ra sự thật, nếu đúng là trẻ bị bạo hành thì cần báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc gọi số 111 để được trợ giúp.

Còn trong trường hợp sự việc không có thật, trẻ câu like trên mạng xã hội thì sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ nhận thức được việc mình làm gây nguy hại như thế nào, có sự chỉ dẫn để trẻ nhận thức đúng đắn và tái hòa nhập với gia đình, xã hội tốt hơn.

Lý Lĩnh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO