Xá tội vong nhân: Những người không giống ai, 11 năm đi nhặt xác hài nhi

Tuệ Minh
Vì các lý do khác nhau, nhiều người mẹ đã không thể giữ lại thai nhi đang lớn dần trong bụng. Những em bé xấu số ấy đã được các cô, chú ở Đồi Cốc thay mặt bố mẹ chúng tiễn đưa về bên kia thế giới với tư cách là một con người.
2018-24-08-01-18-13

“Cái đêm hôm ấy mưa rét căm căm. Ông ấy nhận được một cuộc điện thoại. Đầu giây bên kia cứ ngập ngừng mãi, cô ấy bảo ông ấy đến lấy “thai nhi” hộ vì vừa mới hút xong.

Ông Văn và một bà trong nhóm vội vàng đến địa chỉ như trong điện thoại. Đến nơi, cháu bé vẫn còn khóc, hơi thở gấp gáp.

Ông Văn đưa về nhà thờ, lúc ấy 4 giờ sáng, chúng tôi tụm lại cầu nguyện cho cháu. Nhưng được một lúc thì cháu cũng đi. Cả đêm ấy, ai cũng bàng hoàng. Đứa trẻ đã thành hình, đủ chân, đủ tay, chỉ vài ngày nữa thôi cháu có thể được ra đời. Vậy mà...”

Bà Lập bỏ dở câu chuyện, lặng lẽ đi khắp các hàng mộ màu trắng trong nghĩa trang.

Có những ngôi mộ còn được cha mẹ chúng kịp đặt tên: Đỗ Thị Đỏ, Phạm Văn An, Nguyễn Thanh Thúy..., những cũng có nhiều ngôi mộ khác mà những em bé đó còn chưa kịp được đặt tên. Và đa số là những đứa trẻ không tên, không tuổi, không quê quán...

Những ngôi mộ này là nơi nghỉ của hàng vạn sinh linh vô tội

Những ngôi mộ này là nơi nghỉ của hàng vạn sinh linh vô tội

Bà Lập là một trong những người làm công việc mà nhiều người cho là "không giống ai" ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn Hà Nội trong suốt 11 năm qua.

Bà Lập là nông dân chính gốc ở thôn Đồi Cốc. Nhà bà cấy 1 mẫu ruộng, nuôi 10 con chó và 3 con trâu. Nét khắc khổ in hằn thành nếp trên khuôn mặt của bà.

Ngoài việc cấy hái, phụ con cái bán hàng, trông cháu thì bà thường dành thời gian để làm một công việc đặc biệt trong suốt 11 năm: Chăm sóc vong linh của các hài nhi xấu số tại nghĩa trang Đồi Cốc.

Hà Nội vào một ngày mưa tầm tã. Con đường dẫn vào nghĩa trang cũng vì thế mà bùn lầy... 

Bà lặng lẽ đi vào khu nghĩa trang thai nhi, thắp một ngọn nến rồi im lặng trong giây lát để cầu nguyện. Đôi mắt thoáng buồn, nhìn những ngôi mộ lạnh lẽo được đặt đầy hoa trắng. Ban đầu, đây là khu đất của gia đình bà Nhiệm (trong thôn). Bà Nhiệm đã hiến cả khu đất này làm nghĩa trang cho các hài nhi. 

Công việc chính của bà Lập là chăm lo, dọn dẹp, tắm rửa cho các hài nhi trước khi chôn cất.

2018-11-08-00-16-04

Vừa kể chuyện, bà Lập vừa lấy thai nhi từ thùng lạnh ra rồi tắm rửa sạch sẽ. Bà cẩn thận mặc cho cháu một bộ quần áo tươm tất. Thai nhi khoảng 2kg, trông khá lớn và đầy đủ hình hài. 

"Cứ mỗi lần tắm rửa cho các cháu tôi lại thấy thương", bà buồn bã nói.

Bà Lập bảo hôm nay nghĩa trang đón 10 cháu. Có hôm, nghĩa trang đón tới 40 cháu.

Khi được hỏi cảm giác đầu tiên của bà khi làm công việc này, bà không ngần ngại trả lời: Sợ hãi. Sợ vì những thai nhi vô tội, đủ hình hài.

11 năm, từ lạ lẫm, sợ hãi, giờ thành quen rồi... 

2018-24-08-08-34-04

Ông Văn, một người đàn ông của thôn Đồi Cốc. Hôm nay, ông Văn vừa đi lấy thai nhi về...

Cầm trên tay chiếc túi ni lông màu đen, ông vội vã xuống xe rồi chạy vào phòng lạnh. Chiếc tủ lạnh vẫn còn vài chục túi như vậy. Mỗi chiếc túi để các thai nhi. Có em nhỏ nhỏ như nắm tay, có em đã thành hình hài một người đầy đủ. 

Ông Văn vội vã cầm chiếc túi đựng thai nhi để cất vào nhà bảo quản của nghĩa trang

Ông Văn vội vã cầm chiếc túi đựng thai nhi để cất vào nhà bảo quản của nghĩa trang

Sau khi cất hài nhi vào tủ lạnh chờ lễ chôn cất, ông Văn lại ra nghĩa trang dọn dẹp cùng mọi người. Vừa được 1 lúc, điện thoại của ông có tin nhắn gọn lỏn:

"Ông đến lấy thai nhi nhé". 

Ông Văn lại vội vã xách chiếc xe máy cũ lên đường...

Khoảng 7h tối, tại một phòng khám cách đó không xa, cánh cổng hoan ố màu xỉ của sắt. Không một bóng người. Một vài chiếc túi ni lông đen được treo ngay tại cổng. Ông Văn lặng lẽ lấy chiếc túi đen, treo vào xe máy rồi đi tiếp. 

Ông Văn kể, ông cùng bà Lập, bà Quý cùng nhiều người khác trong thôn tình nguyện làm việc này. Ông là người duy nhất biết đi xe máy nên được giao nhiệm vụ làm "người vận chuyển".

11 năm. Bất kể nắng mưa, ông lặng lẽ đến các phòng khám, bệnh viện quanh khu vực xin xác các hài nhi về Đồi Cốc an táng. 

Những ngôi mộ của hàng vạn đứa trẻ cũng bớt lạnh lẽo bởi được bàn tay chăm sóc  của những người dân thôn Đồi Cốc

Những ngôi mộ của hàng vạn đứa trẻ cũng bớt lạnh lẽo bởi được bàn tay chăm sóc của những người dân thôn Đồi Cốc

Ông Văn nhớ lại: Hồi đầu, người ta thường để các hài nhi trong thùng rác. Thậm chí có khi họ còn vứt ra đường hoặc cống nước. Việc nhặt nhạnh, rồi làm sao để các cháu được nguyên vẹn rất khó khăn. 

Chính những người đàn ông, đàn bà ở thôn Đồi Cốc đã góp tiền mua túi nilon mang tới cho các cơ sở nạo phá thai để họ đựng các hài nhi xấu số. 

Từ đó, ông không phải đi nhặt, đi gom nữa. Mà các phòng khám sẽ để gọn trong túi, rồi nhắn tin, ông chỉ việc đến cửa và âm thầm mang các cháu về. 

Các cháu không may mắn được sinh ra làm người. Các ông bà ở Đồi Cốc đã thay mặt bố mẹ các cháu làm thủ tục để tiễn đưa các cháu về trời với tư cách là một con người vào ngày thứ 7 hàng tuần. 

2018-24-08-01-21-44

Giống như bà Lập, bà Quý cũng là người hàng ngày chăm sóc khu nghĩa trang này. Bà Quý là giáo viên về hưu. Công việc của bà Quý là quản lý sổ sách, khách thập phương, các đơn vị đoàn thể, cá nhân đến đây và hàng tuần cùng chôn cất các “em bé” tại đây.

Bà Quý gắn bó với nghĩa trang này được 11 năm...

Bà Quý gắn bó với nghĩa trang này được 11 năm...

11 năm qua, bà Quý không còn nhớ đã tiếp bao nhiêu người đến đây. Cũng không đếm hết được bao nhiêu đứa trẻ đã nằm tại nơi này. Chỉ biết là rất nhiều. Số lượng các hài nhi tăng lên, nghĩa trang ngày càng mở rộng.

Bỏ một đứa con là quyết định rất đau đớn của người mẹ. Sự day dứt, ám ảnh ấy sẽ theo mãi, theo mãi không thôi. 

Mỗi lần bà Lập, bà Quý và ông Văn lật giở nhật ký của những người mẹ quay về Đồi Cốc tìm con đều không cầm được nước mắt. Cảm giác vừa chua xót, vừa đau đớn, vừa thương cảm ấy đã níu kéo, đã tiếp thêm động lực cho những người nông dân tiếp tục làm công việc đặc biệt này trong suốt 11 năm qua.

2018-24-08-00-48-40

- “Con của mẹ, hôm nay là ngày giỗ của con. Mẹ xin lỗi vì mẹ đã làm như vậy, nhưng mẹ không còn lựa chọn nào khác. Mẹ chỉ mong con đừng trách mẹ, về với Chúa con nhé.” – Đồi Cốc 7/8/2018.

- “Mẹ xin gửi con ở đây, đừng trách mẹ con nhé!” - Đồi Cốc 26/4/2017.

- "Mẹ xin lỗi vì đã bỏ con ở đây, thiên thần của mẹ. Mẹ đã làm con lỡ duyên với cuộc đời này. Mẹ là người mẹ tồi tệ, đáng trách. Nhưng mẹ không thể làm gì khác được, mong con hãy yên nghỉ nơi đây cùng mọi người con nhé!" - Đồi Cốc 10/5/2018.

- "Hôm nay mẹ đã bỏ con. Mẹ chỉ biết khóc vì hối hận, tuổi trẻ lầm lỡ của mẹ không cho mẹ sự lựa chọn thứ hai.Mẹ xin lỗi." - Đồi Cốc ngày 16/5/2017

 Dòng nhật ký  của một người mẹ được lưu lại tại nghĩa trang

Dòng nhật ký của một người mẹ được lưu lại tại nghĩa trang

Tối.

Đồi Cốc mưa.

Bà Lập dắt chiếc xe đạp xỉn màu rời khỏi nghĩa trang.

Nhìn từ phía sau, từng chùm sáng còn sót lại như cuốn theo dáng đi chậm rãi của bà.

Dường như, bà đang không đi một mình...

Nhân ngày xá tội vong nhân, cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ được về cõi lành

Nhân ngày xá tội vong nhân, cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ được về cõi lành

Việt Nam có 1.52 triệu ca nạo phá thai mỗi năm

Có 250.000 – 300.000 ca được báo cáo chính thức

Ở Việt Nam, cứ 19s sẽ có 1 ca nạo phá thai

Xếp thứ 3 thế giới về số ca nạo phá thai, đứng đầu Châu Á

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO