Xay ép rau củ quả: Không tốt, thậm chí gây hại cho trẻ khi ăn

Bình luận

Nhiều cha mẹ dùng cách xay rau, ép rau củ lấy nước cho con ăn để tăng cường vi chất. Nhưng cách làm này lại hoàn toàn sai lầm, gây mất chất dinh dưỡng trong rau củ.

Thấy cô con gái 3 tuổi lười ăn rau, củ, quả, sợ con thiếu vi chất, thiếu chất xơ nên chị Nguyễn Thị Lý (ở Hà Đông, Hà Nội) thường dùng cách xay rau, củ tươi nấu cháo cho con ăn; hoặc ép nước rau, củ, hoa quả cho con uống.

Dù đã thay đổi thực đơn rau, củ, quả, thịt cá… liên tục nhưng bé vẫn bị thiếu vi chất, sức đề kháng suy giảm, hay ốm vặt khi thay đổi thời tiết. “Thậm chí có những thời điểm bé chán ăn, cứ thấy mẹ bưng bát cháo là khóc thét, chạy trốn, ép kiểu gì cũng không được làm tôi rất mệt mỏi, cảm thấy đến bữa cho con ăn như một cuộc chiến” – chị Lý tâm sự.

  Chế biến đồ ăn cho trẻ sai cách sẽ làm mất chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ. Ảnh minh họa

Chế biến đồ ăn cho trẻ sai cách sẽ làm mất chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ. Ảnh minh họa

PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết, cha mẹ cứ nghĩ việc xay, ép rau củ nấu cháo, súp cho con là cách giúp con bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Nhưng thực tế, việc chế biến, xay, ép rau, củ, quả sai sách đang mà mất vi chất và chất xơ trong rau củ. Và khi cho con trẻ ăn những thực phẩm chế biến sai cách này sẽ làm trẻ không hấp thu được vi chất cần thiết, ăn như vậy trong thời gian dài trẻ sẽ bị thiếu vi chất, chán ăn, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.

Giải thích rõ hơn về việc xay, ép rau, quả gây mất dinh dưỡng, PGS Lê Bạch Mai lý giải: “Việc xay, ép rau lấy nước, đặc biệt là xay, ép rau tươi sẽ làm mất vitamin, nhất là vitamin C. Bởi trong rau tươi có rất nhiều men phá hủy vitamin C.

Bình thường vitamin C và men phá hủy vitamin C nằm ở những ô riêng nhau ở trên cây rau, hay nói cách khác là 2 chất đó không gặp nhau nên không bị phá hủy.

Nhưng khi rửa rau gây giập nát, vò rau, băm rau, nghiền rau, xay rau, ép rau… tất cả những cách làm này đều phá vỡ tế bào rau, tế bào rau được giải phóng ra, cùng với đó là giải phóng men phá hủy vitamin C và gây mấy vitamin C trong rau.

  Xay, ép rau củ quả không đúng cách sẽ làm mất vi chất và mất chất xơ trong rau củ củ

Xay, ép rau củ quả không đúng cách sẽ làm mất vi chất và mất chất xơ trong rau củ củ

Còn đối với quả thì không gặp phải tình trạng phá hủy vitamin do trong quả có rất ít men phá hủy vitamin C. Tuy nhiên, việc ép quả lấy nước lại làm mất đi chất xơ trong quả, nhất là các chất xơ không hòa tan.

Chất xơ không hòa tan có tác dụng làm tăng hoạt động của nhu động ruột, tăng thể tích phân và tăng hấp thu nước, làm quá trình tiêu hóa và đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể diễn ra dễ dàng hơn. Vậy nên việc ép nước rau củ quả đồng nghĩa với việc gạn bỏ hết chất xơ, trẻ không được bổ sung đủ chất xơ sẽ gặp phải tình trạng táo bón.

Mà táo bón kéo dài làm bụng trẻ ậm ạch, khó chịu, quá trình tiêu hóa gặp khó khăn, chất cặn bã trong cơ thể không được bài tiết ra ngoài khiến trẻ sợ hãi khi phải dung nạp thức ăn mới, dẫn đến sợ ăn, chán ăn, lâu ngày bị gầy yếu, thiếu chất”.

  Hấp, trần rau củ trước khi xay, ép nấu cháo cho trẻ sẽ không làm mất vi chất dinh dưỡng

Hấp, trần rau củ trước khi xay, ép nấu cháo cho trẻ sẽ không làm mất vi chất dinh dưỡng

Do đó, bác sĩ Mai khuyến cáo, nếu cha mẹ muốn nghiền rau củ, ép rau củ cho con thì nên hấp rau, củ hoặc đun nước sôi để chần rau, củ nhằm bất hoạt men phá hủy vitamin C, sau đó mới nghiền, ép, xay rau, củ… chế biến đồ ăn cho bé. Làm như vậy sẽ không gây mất vitamin trong rau, củ, đồ ăn của trẻ mới đầy đủ dinh dưỡng. Đối với hoa quả, bên cạnh việc ép nước cho trẻ uống, cha mẹ cũng cần tập cho con ăn cả miếng, ăn như vậy vừa giúp bổ sung chất xơ cho con, vừa giúp tập phản xạ nhai nuốt, cầm nắm cho trẻ.

Bạn đang xem bài viết Xay ép rau củ quả: Không tốt, thậm chí gây hại cho trẻ khi ăn tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình