“Thay vì từ chối bệnh nhân thì tại sao bác sĩ không tiếp nhận họ? Chưa biết có thể kéo dài sự sống được cho bệnh nhân trong bao lâu nhưng ít ra, đó là niềm an ủi lớn đối với bố mẹ chúng.”

Một buổi sáng đầu tuần, Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K TƯ ồn ã mà vắng lặng. Sự ồn ã nhất định đến từ những hoạt động thường nhật vẫn diễn ra.

Theo từng bước chân mau lẹ của các y bác sĩ đi dọc hành lang khoa và trong từng buồng bệnh, bóng áo trắng của họ xen lẫn màu áo vàng của người nhà và áo hồng của các bạn nhỏ…

Còn với những người bố, người mẹ của các bệnh nhân tại đây, ngày nào với họ cũng như ngày nào. Họ không biết hôm nay là thứ mấy, là ngày bao nhiêu trong tháng chỉ chăm chăm hỏi những thiên thần nhỏ của mình “Hôm nay con thích ăn gì?”, “Con đau ở đâu?”…

tit phu 1-2

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương (Phó Trưởng Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K TƯ) vừa nói vừa làm các thao tác của một người bác sĩ phụ trách điều trị:

“Hôm nay Minh Anh thế nào?”

“Đâu rồi, cái u to đùng của bác đâu rồi?”

“Bụng con đã mềm hơn hôm qua nhưng con mới truyền hoá chất được vài ngày nên cần phải theo dõi thêm trong các ngày tới.”

Mỗi lần nghe bác sĩ Việt Hương nói về bệnh tình của con mình, lòng chị Thuỷ thắt lại, tim như có ai bóp nghẹt. Nhưng cũng chính bác sĩ Việt Hương là người đã trao cho Minh Anh thêm một cơ hội được sống và cho gia đình chị Thuỷ hy vọng con rồi sẽ ổn thôi.

Nước mắt không ngừng rơi trên khuôn mặt đầy âu lo của người mẹ sinh năm 1989. “Em đừng khóc, mình chỉ là một trong rất nhiều người bất hạnh thôi, còn nhiều người khổ hơn mình. Em cứ yên tâm, giữ gìn sức khoẻ để chăm sóc con thật tốt”, Bác sĩ Việt Hương nhẹ nhàng đặt tay lên vai chị Thuỷ an ủi.

“Bệnh viện trả về”, lần thứ hai, vợ chồng chị Thuỷ đón nhận bốn chữ cay nghiệt này trong nỗi tuyệt vọng cùng cực. Cách đây hơn một tháng là lần đầu tiên chị Thuỷ đón nhận tin sét đánh này.

Minh Anh nhập viện trong tình trạng cấp cứu tại Bệnh viện Nhi TƯ từ chiều Mùng 3 Tết Mậu Tuất, đến Mùng 4 Tết, chị Thuỷ được bác sĩ gọi vào phòng trao đổi tình hình của con mình. Chị Thuỷ bàng hoàng khi nhận thông báo từ bác sĩ: Minh Anh bị ung thư giai đoạn muộn, người nhà có nguyện vọng cho cháu về không?

Chị Thuỷ vẫn gặng hỏi bác sĩ như để tự vớt vát cho mình và đứa con thêm chút hy vọng dù là nhỏ nhoi. Chị Thuỷ không cam lòng, đứa con của chị đang khoẻ mạnh, ngày Mùng 1 Tết vẫn đi chúc Tết họ hàng hai bên, Mùng 2 Tết vẫn chạy nhảy bình thường, ít ốm đau bỗng dưng đến một ngày phát hiện bị ung thư giai đoạn muộn.

- Còn một cách là truyền hoá chất…

- Nếu con em truyền hoá chất thì cháu có sống được lâu không?

- Điều này tuỳ thuộc vào thể trạng của cháu. Thể trạng cháu đang yếu, nếu hợp hoá chất thì sẽ có kết quả còn không thì có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Minh Anh được chuyển tới Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Nhi TƯ để truyền hoá chất. Ngày Mùng 5 Tết, Minh Anh bị suy hô hấp, lịm dần đi, gia đình chị Thuỷ xin cho con về nhà, chờ chết. Toàn thể gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự cho cô bé 6 tuổi, bỗng hơn 12 giờ, Minh Anh đòi: “Mẹ ơi! Con muốn ăn dưa hấu”, chị Thuỷ ôm con mừng rơi nước mắt. Từ đó, Minh Anh tỉnh dần…

Rạng sáng ngày 9/3, hai vợ chồng chị Thuỷ đưa bé Minh Anh từ quê nhà Ninh Bình tới Hà Nội khi thấy bụng con chướng to và con liên tục kêu đau bụng.

Năm giờ sáng, gia đình ba người đã có mặt tại Bệnh viện K, cơ sở 2.

Ba tiếng chờ đợi đến giờ làm việc là khoảng thời gian hai vợ chồng chị chỉ biết ôm con trong nỗi xót xa và cầu mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp. 

Tám giờ sáng, vợ chồng chị được nhân viên y tế tại đây chỉ sang Bệnh viện K, cơ sở 3 – nơi có Khoa Nội Nhi.

Hơn 9 giờ sáng, Minh Anh được làm các xét nghiệm cần thiết. Khoảng thời gian chờ đợi kết quả khám bệnh chưa bao giờ dài đến thế với gia đình ba người chị Thuỷ. Bốn chữ “Bệnh viện trả về” cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí hai vợ chồng chị Thuỷ. Họ sợ thêm một lần nữa phải nghe những từ đau buồn này. Nhưng không may, điều đó đã xảy đến với gia đình chị.

Chị Thuỷ ôm con gào khóc ở Phòng khám, không biết phải làm thế nào. “Em chỉ mong bệnh viện có người nhận điều trị cho con em”, nghe thấy lời cầu cứu của chị Thuỷ, một nhân viên của Phòng Công tác Xã hội giới thiệu chị tới gặp bác sĩ Việt Hương – một người chuyên nhận bệnh nhân nặng, bị bệnh viện trả về.

Cái tên Việt Hương vụt sáng lên ở nơi cuối đường hầm đang ngập nỗi tuyệt vọng của vợ chồng chị Thuỷ. Hai vợ chồng, người bế con, người xách đồ, chạy thang bộ lên tầng 3, vừa đi vừa mếu máo, gặp ai cũng hỏi “Bác sĩ Việt Hương ở đâu? Khoa Nhi ở chỗ nào?”…

Tấm biển Khoa Nhi hiện ra trước mặt, gặp được bác sĩ Việt Hương, Thuỷ trình bày tình trạng của con mình, nặng tới mức ở Phòng khám lắc đầu trả về.

- Minh Anh bị u tuyến thượng thận trái. Khối u của con đã vỡ nhưng may mắn lại được giữ trong một cái bọc. Bệnh của con đã đến mức thế này rồi thì em có chấp nhận đánh đổi hay không? Con mất trong vòng tay em hay trong vòng tay chị? Và trong trường hợp xấu nhất xảy ra, em có thông cảm được cho bác sĩ không?

- Em chấp nhận! Chỉ cần có thêm một giây con được sống trên đời, em cũng chấp nhận đánh đổi! 

Minh Anh được bác sĩ Việt Hương tiếp nhận trong tình trạng u to, nguy kịch tới tính mạng. Tâm niệm: “Cho dù bệnh nhân có thể sẽ ra đi sau đó vài ngày, thậm chí vài giờ nhưng trước tiên hãy cứ dang rộng vòng tay ôm họ bằng cách tiếp nhận đứa trẻ. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người nhà bệnh nhân, sẽ thấy điều họ cần là sự an ủi, che chở của những người xung quanh, đặc biệt là bác sĩ. Vậy thì, thay vì từ chối bệnh nhân thì tại sao bác sĩ không tiếp nhận họ? Chưa biết có thể kéo dài sự sống được cho bệnh nhân trong bao lâu nhưng ít ra, đó là niềm an ủi lớn đối với bố mẹ chúng”, bác sĩ Việt Hương ngay lập tức viết giấy, ký tên và đóng dấu xác nhận, chuyển xuống Phòng Khám:

“Vào Khoa Nhi, bệnh nhân nặng, yêu cầu giải quyết!”

“Bệnh nhân trẻ em, tình trạng nặng, đề nghị cho vào viện!”

Vậy là, sau nhiều lần bác sĩ Việt Hương đích thân viết giấy ký xác nhận, cuối cùng Minh Anh cũng được nhập viện. Lúc đó, trong lòng chị Thuỷ bỗng dưng trút được một gánh nặng “Bác sĩ Việt Hương quá tốt, thay vì cho con tôi về thì lại tiếp nhận con, cho con thêm cơ hội sống. Nếu có một điều ước thì tôi ước con không bị bệnh, nhưng ông trời đã không cho gia đình tôi được trọn vẹn thì phải chấp nhận và cố gắng!”. Khi con được bác sĩ tiếp nhận, chồng chị Thuỷ mới yên tâm về quê, nơi có đứa con nhỏ mới 10 tháng tuổi đang chờ bố.

Có lẽ, thấu hiểu tấm lòng của một người mẹ và mang trong mình sự nhân từ của một người bác sĩ, bác sĩ Việt Hương tiếp nhận bệnh nhân mà không một chút đắn đo. Dù khắp nơi trả về, bác sĩ Việt Hương vẫn tiếp nhận với quan niệm “Một giây của sự sống quý hơn cái chết”.

“Không thương con mới là bất thường, mẹ nào chẳng thương con. Như chị em mình, đến tuổi này mà mẹ vẫn thương cơ mà, vẫn dặn dò con từ những cái nhỏ nhất. Em đừng khóc nữa, con thấy em khóc con cũng sợ”, lời động viên của bác sĩ Việt Hương như được tiếp thêm sức mạnh cho chị Thuỷ tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác của con mình. Chị Thuỷ có thêm động lực, cả gia đình có tia hy vọng, vực dậy niềm tin biết đâu con mình là trường hợp hi hữu.

Minh Anh chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân mang trong mình cái kết “Bệnh viện trả về’ được bác sĩ Việt Hương tiếp nhận và dốc lòng cứu chữa.

- Con tên là Đinh Thị Hồng Nhung - thành phố Nam Định. Hôm nay, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, con chúc mẹ mạnh khoẻ, xinh đẹp và thành công hơn trên bước đường sự nghiệp mà mẹ đã chọn để cứu được nhiều người bệnh hơn. Con vô cùng biết ơn mẹ vì đã cứu chữa cho con khỏi bệnh và đem lại sự sống cho con.

Con xin cảm ơn vị ân nhân cứu mạng - bác sĩ Việt Hương, một người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân!

Chưa kịp xem dòng tin nhắn được gửi đến vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sĩ Việt Hương chưa kịp mở ra đọc thì có cuộc gọi đến:

- Mẹ Hương ơi, con đây!

Bác sĩ Việt Hương ngỡ ngàng vài giây chưa định hình được giọng nói đầu giây là ai.

- Ừ con à, mẹ đây. Con là ai nhỉ?

- Con là Hồng Nhung ở Nam Định đây.

Bác sĩ Việt Hương nhớ ngay ra em bé được chị cứu sống cách đây 13 năm. Khi đó, Hồng Nhung mới chỉ là đứa trẻ 20 tháng tuổi, bị nặng đến mức gia đình chấp thuận và quyết định cho con về.

Nhìn thấy, như có điều gì thôi thúc, bác sĩ Việt Hương tới nhận bệnh nhân với lời hứa sẽ nỗ lực hết sức để cứu bé thoát khỏi tay tử thần. Tất cả đồng nghiệp của bác sĩ Hương đều khuyên bệnh nhân đã nặng như thế rồi, không cứu giúp được thì cứ theo ý người nhà, cho bệnh nhân về. Không ai tin bác sĩ Việt Hương sẽ cứu được.

Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến, Hồng Nhung đã khoẻ lên mỗi ngày và đủ điều kiện xuất viện. Nếu 13 năm trước, bác sĩ Việt Hương không dũng cảm tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Hồng Nhung thì có lẽ Nhung bây giờ đã ở một nơi khác, đã không trở thành thiếu nữ xinh đẹp, giỏi giang như hiện tại:

- Cảm ơn con gái ngoan, chăm sóc ông bà nội và bố mẹ, học giỏi con nhé!

- Dạ! Con cảm ơn mẹ! Mẹ ơi kì học trước con được giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố mẹ ạ. Mẹ cho con gửi lời hỏi thăm đến bác trai và hai anh ở nhà nhé!

Câu chuyện của Hồng Nhung, của Minh Anh và hàng trăm em nhỏ trong cuộc chiến giành giật sự sống cho các mầm non đã đang cho bác sĩ Việt Hương thêm động lực cứu chữa người bệnh. Lòng trắc ẩn trong con người của bác sĩ Việt Hương đã trỗi dậy, chị muốn cố gắng xoa dịu nỗi đau và sự lo lắng của cả bệnh nhân và người nhà bằng cách đưa ra quyết định là chỗ dựa cho người nhà và bệnh nhân trong lúc họ hoang mang, khó khăn nhất.

tit phu 2-2

Ngay từ ngày đầu nhập viện, anh Tâm – bố của bệnh nhân Lê Hoàng Phúc đã gặp đồng hương của mình. Chị Thuỷ lau giọt nước mắt “Gặp nhau ở đâu không gặp lại gặp ở đây. Giá kể gặp nhau ở chợ, ở chỗ chơi của các con có phải tốt không”, anh Phúc chỉ biết cười xoà trước câu chào của chị Thuỷ.

“Phúc của bác đâu rồi?”, bác sĩ Việt Hương đi vào phòng bệnh tìm gặp cậu bé 2 tuổi mới vào viện. Chị Thuỷ chỉ tay về phía Phúc đang ngồi trong lòng bà nội, bố cậu cầm thanh treo truyền dịch bên cạnh. Phúc khóc quá, bố và bà nội phải đưa cậu ra ngồi bên ngoài nhưng cậu bé vẫn thút thít.

“Bố với bà ngoại đừng để con khóc nhiều, không thì sẽ bị chệch ven truyền, lấy ven lại sẽ càng đau hơn”, bác sĩ Việt Hương căn dặn.

Phúc dụi đầu vào ngực bà nội, anh Tâm ngồi bên cạnh nhìn con rồi ngước lên nhìn chai truyền phía trên cao như giấu giọt nước mắt đang trực trào nơi khoé mắt đã đỏ hoe “Thực sự, tôi không muốn gặp bác sĩ Việt Hương trong hoàn cảnh như thế này đâu, chẳng ai muốn gặp bác sĩ cả. Nhưng may mắn cho gia đình tôi đã gặp được bác sĩ Việt Hương. Nhìn sự nhiệt tình của bác sĩ, gia đình tôi yên tâm hơn phần nào và suy nghĩ tích cực hơn. Chưa biết kết quả điều trị ra sao nhưng gặp được bác sĩ Việt Hương với chúng tôi cũng đã là một điều tốt rồi.”

Cùng phòng bệnh với Phúc và Minh Anh, cô bé 7 tuổi Thảo My là một trong số bệnh nhân nằm viện điều trị lâu nhất tại Khoa Nhi này. My nhập viện từ tháng 11/2016 với kết luận của bác sĩ, bị u nguyên bào thần kinh.

Có lẽ My đã quen với bệnh viện, quen với bóng áo trắng blouse, với kim tiêm, với những lần truyền hoá chất nên em nằm im, nhắm nghiền mắt, thi thoảng mới ê a một tiếng.

Nhìn đứa con của mình đang nằm ngoan truyền hoá chất, đôi môi con bặm lại, đầu gối lên tay không cắm kim truyền, chị Hương (quê Hưng Yên) tâm sự, bác sĩ Việt Hương quen mặt từng đứa, lúc nào vào phòng cũng quan tâm, hỏi han tình hình của tất cả bệnh nhân trong phòng chứ không riêng gì bệnh nhân mà bác sĩ trực tiếp điều trị.

Ngoài ra, chị Hương và nhiều ông bố, bà mẹ khác luôn nhận được sự chia sẻ, an ủi từ một người bác sĩ giàu lòng nhân ái. Thi thoảng, nhận được những lời hỏi thăm, sự chia sẻ về cuộc sống hiện tại từ bệnh nhân đã ra viện; hình ảnh người nhà và bệnh nhân đã ra viện từ lâu đến thăm hỏi các y bác sĩ trong khoa…, bác sĩ Việt Hương và đồng nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh trên con đường cứu người đầy gian truân này. Đó là những tình cảm vô giá giữa con người với con người mà không vật chất nào có thể đánh đổi được.

“Hiểu về cái chết” – tự truyện của bác sĩ 22 năm đồng hành với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn

Trước đây, khi chưa trải nhiệm trong công việc và cuộc sống, mỗi lần bệnh nhân rời xa cõi đời là một lần chị dằn vặt bản thân với nhiều suy nghĩ trăn trở tự trách mình. Có những lúc nhìn bệnh nhân ra đi trong sự nuối tiếc của chính mình, sự bất lực của nền y học…

Song mỗi khi được bố mẹ của nhiều bệnh nhân nhi đồng ý để bác sĩ ôm con vào lòng, vuốt mắt cho những cô bé, cậu bé. Trong tình huống đó, bác sĩ Việt Hương phần nào cảm nhận được niềm tin mà người nhà bệnh nhân trao gửi cho mình.

Chính vì thế, bác sĩ Việt Hương viết cuốn “Hiểu về cái chết”: “Tôi không nghĩ mình sẽ thay đổi hoàn toàn được định nghĩa về cái chết trong suy nghĩ người đọc nhưng hy vọng phần nào thay đổi cái nhìn, giúp họ nhìn cái chết một cách lạc quan và dễ chấp nhận hơn.

Do vậy, suy nghĩ về cái chết một cách hiểu biết thì chúng ta càng bao dung nhẫn nại hơn, tử tế dịu dàng hơn đối với bản thân mình cũng như đối với người khác. Và rồi chúng ta cũng ít bám víu vào của cải vật chất, ít tham lam hơn.

Chúng ta sẽ tự nhiên muốn san sẻ những thứ chúng ta có cho xung quanh, cho người thân, người quen và cả người không quen. Chúng ta có thể trở thành những con người thực sự tốt đẹp đầy lòng từ bi, đáp ứng bằng cả con tim mà không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội…”

tit phu 3-2

“Chả nhớ được đã bao lâu rồi tôi chưa về nhà. Nhà là “home” chứ không phải “house”. Nhà là nơi ngày xưa ba anh em có một tuổi thơ êm đềm. Nhà là nơi mình chưa biết thế nào là bão tố cho đến khi bước chân đi lấy chồng và lăn lộn với đời.

Nhà là nơi giờ ngày nào cũng nghĩ ngợi tâm tư và bỗng dưng muốn lao về khi buồn. Xe bắt đầu lăn bánh thì bỗng cái tivi hát “... mẹ trông ra ngoài hiên vắng, mẹ mong đứa con xa nhà…”, bác sĩ Việt Hương ngậm ngùi.

Chuyện người chọn nghề hay nghề chọn người là thắc mắc mà tự mỗi người sẽ tự tìm được đáp án. Nhưng với bác sĩ Việt Hương, sau 22 năm làm bác sĩ, chị và nghề chọn nhau. Nhớ lại năm học lớp 12, thay vì tận dụng quyền được làm hồ sơ thi nhiều trường thì bác sĩ Việt Hương chỉ nộp duy nhất một hồ sơ thi Đại học Y Hà Nội.

Ấn tượng với máu áo trắng blouse và ngưỡng mộ công việc cứu chữa người, bác sĩ Việt Hương càng quyết tâm theo đuổi nghề chông gai này. Theo Nhi Khoa cũng là xuất phát từ chính trái tim của một người yêu trẻ con và lý trí của một sinh viên y khoa.

Ra trường, bác sĩ Việt Hương đi gia sư Tiếng Anh nhưng vẫn luôn mang trong mình khao khát một ngày được trở thành bác sĩ. Niềm hy vọng của chị đã được đáp lại, chị trở thành bác sĩ của Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K sau 4 năm ra trường.

22 năm đã qua, niềm đam mê trong bác sĩ Việt Hương luôn cháy và được bồi đắp mỗi ngày. “Ai đến với nghề, được nghề yêu quý thì người ta mới chọn ở lại với nghề, rõ ràng nghề đang ưu ái tôi”, bác sĩ Việt Hương thổ lộ.

Bất cứ nhân viên y tế nào đều có những lúc phải gác lại hạnh phúc riêng. Có những lúc ngồi đọc báo, nhìn quảng cáo những tour du lịch bắt mắt mà bác sĩ Việt Hương “thòm thèm” những chuyến đi chơi xa cùng gia đình nhỏ của mình. Chị không dám đặt lịch du lịch vì có thể đó trùng vào lịch trực, hoặc nếu không có lịch trực thì có thể bị huy động cấp cứu bệnh nhân…

Có nhiều lý do mà công việc đem lại ngăn chị trước một cú click chuột. “Có lẽ em vẫn cố gắng đi du lịch cùng gia đình nhưng em có thể sẽ đến sau hoặc về trước”, chị đã có lần giao kèo với chồng của mình như vậy.

Công việc cuốn bác sĩ Việt Hương đi, liên tục bị áp lực, kể cả với bệnh nhân cứu được và không cứu được. Những khoảng lặng trong công việc, chị lại ngước lên nhìn bầu trời, thấy thanh thản với những gì mình đã nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, cho dù người nhà đã có lần không hiểu và thông cảm cho những việc chị làm.

Khi còn trẻ, bác sĩ Việt Hương tìm kiếm sự ghi nhận và thấy buồn khi mình đã cố gắng hết sức mà vẫn bị người nhà đối xử không tốt. Nhưng bác sĩ Hương nhận ra, mình cứ làm tốt phần việc của mình thì mọi thứ tự nhiên sẽ tới với mình, mình sẽ được ghi nhận.

Cả năm trời, bác sĩ Việt Hương không sắp xếp được một chuyến du lịch nào. Gần đây, lớp đại học của chị hẹn gặp đầu xuân, chỉ có 10 người trong số 80 người có thể sắp xếp đến cuộc hẹn được. “Suy cho cùng thì bác sĩ ở đâu cũng thế, cũng đều đánh đổi sức khỏe, đôi khi cả tính mạng bản thân để giành giật sự sống cho người khác”, bác sĩ Việt Hương chia sẻ.

Nhớ lại ngày dành cho ngành 27/2 vừa rồi, bác sĩ Việt Hương về nhà muộn, nhìn cảnh con trai hì hụi lau nhà, chồng nấu cơm. Bài thơ “Thư gửi vợ ngành y” ra đời chỉ sau mấy phút với cảm xúc vừa có lỗi vừa biết ơn chồng và các con của mình:

“Thư gửi vợ ngành y

Anh chót yêu em cô gái ngành y

Gánh nặng em mang trên vai mầu áo trắng

Mồ hôi rơi trên má em như giọt nắng

Ấm lòng người bệnh sau những bão giông

Có đôi khi anh hỏi "Yêu chồng không?"

Em tránh ánh nhìn anh như người mắc lỗi

Bởi trong em đã ngập tràn bối rối

Quá lâu rồi, em không dành thời gian cho anh

Em tự hào trong màu trắng mong manh

Không chói lòa, nhưng với em, đẹp nhất

Màu trắng đó suốt đêm thâu tất bật

Kéo từng phút giây cuộc sống vô thường

Người vợ hiền, cô bác sĩ anh thương

Sống cùng em anh đã dần thấu hiểu

Trong ngực áo em là trái tim nóng đỏ

Em dâng hiến cho đời với tất cả niềm yêu

Em yêu nghề, anh yêu em biết bao nhiêu

Bệnh nhân hết đau, em vui, anh biết

Để giúp người bệnh đi được con đường lâu

Anh nguyện cùng em trên con đường vất vả

Anh sẽ thôi hỏi y làm gì cho khổ

Bởi anh biết trong khổ có cái vinh

Em trao đi với tất cả chân tình

Chỉ nhận về mình tình yêu của anh, em nhé”

footer

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO