Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều trị chống đau chia sẻ, nhiều người nghĩ bệnh nhân ung thư đều ra đi trong đớn đau nhưng không phải vậy.

Buổi sáng một ngày mưa lạnh, Khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều chị chống đau, bệnh viện K2 tấp nập bệnh nhân và người nhà.

Chồng bệnh án nhiều và dầy cộp chiếm gần hết bàn làm việc của bác sĩ Hương.

Đi dọc hành lang khoa, bác sĩ Hương rẽ vào buồng bệnh, ân cần kéo tấm chăn cho bệnh nhân. Chị nhẹ nhàng hỏi han và giải thích những thắc mắc của bệnh nhân.

tit phu 1

Khá nhiều người có suy nghĩ, bác sĩ chuyên khoa ung thư giới thiệu bệnh nhân tới Khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều trị chống đau vì họ sắp chết. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

Khoảng 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, đồng nghĩa với 70% người bệnh ung thư điều trị trong trạng thái đau đớn về mặt thể xác.

Không phải bệnh nhân nào đến Khoa Chăm sóc triệu chứng và điều trị chống đau cũng ra đi nhanh chóng. Có những bệnh nhân sống được 10 năm.

Bệnh nhân đau đớn về thể trạng thì sẽ suy sụp về tinh thần và mất dần nghị lực đấu tranh với bệnh tật nên khâu chăm sóc giảm nhẹ rất cần thiết.

Chăm sóc giảm nhẹ giúp làm dịu các cơn đau, nâng cao tối đa chất lượng cuộc sống và giá trị tinh thần cho bệnh nhân đến lúc mất.

Chăm sóc giảm nhẹ chú trọng đến việc cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân bằng cách kiểm soát cơn đau và các triệu chứng gây lo lắng khác. 

Bác sĩ có thể cho biết, bệnh nhân ung thư trải qua những mức độ đau như thế nào?

- Có 3 mức độ đau: đau nhẹ, đau vừa và đau nặng. Với mức độ đau nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc hay không cũng không sao; với mức độ đau vừa, họ phải sử dụng thuốc và đau nặng thì bắt buộc người bệnh phải dùng thuốc giảm đau liều lượng cao.

Vậy mức độ đau của bệnh nhân được đánh giá như thế nào?

- Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa thang điểm và đặt câu hỏi cho bệnh nhân để họ tự đánh giá sự đau đớn của mình. Mức độ đau của bệnh nhân được đánh giá tăng dần theo thang điểm từ 0 – 10.

Trước khi bệnh nhân tự điền vào thang điểm đó thì chúng tôi diễn giải cho bệnh nhân hiểu các mức độ của nỗi đau: 0 - 3 là đau mức độ nhẹ, 4 - 6 là mức độ đau vừa và 7 - 10 là mức độ đau nặng. Bệnh nhân sẽ tự lựa chọn mức độ đau cho mình.

Mỗi người lại có sức chịu đựng cơn đau khác nhau. Trong trường hợp bệnh nhân không thông báo đúng mức độ đau vì sợ điều trị hay nâng nỗi đau của mình lên thì bác sĩ kiểm soát điều đó như thế nào?

- Có người nói quá nỗi đau của mình để được bác sĩ quan tâm. Có người sợ dùng thuốc thì nói thấp xuống. Có bệnh nhân đánh dấu đau ở mức độ 9 – 10 nhưng vẫn ngồi nói chuyện với bác sĩ bình thường.

Khi đó, chúng tôi phải giải thích cho bệnh nhân hiểu nếu đau ở mức đó thì người bệnh không thể ngồi nói chuyện được.

Chúng tôi lặng lẽ quan sát bệnh nhân nội trú chứ không hỏi han họ quá mức vì như thế bệnh nhân dễ ám thị về nỗi đau của mình.

Chúng tôi kết hợp sự lựa chọn nỗi đau của bệnh nhân trên thang điểm và sự quan sát để có đánh giá chính xác mức độ đau của họ.

Bác sĩ chỉ cần theo dõi bệnh nhân nội trú 1 - 2 ngày là có thể đưa ra liều lượng thuốc phù hợp với thang đau của bệnh nhân. Nếu bác sĩ dùng thuốc thoả đáng với các cơn đau của bệnh nhân thì thuốc đó có tác dụng.

Ngoài nỗi đau thể xác, bệnh nhân ung thư còn phải trải qua nỗi đau về tinh thần nữa…

- Chúng tôi không đánh giá nỗi đau của bệnh nhân ung thư là triệu chứng mà chúng tôi coi đó là hội chứng. Bởi nỗi đau đó bao gồm nhiều yếu tố.

Ngoài đau đớn thể xác, nỗi đau của bệnh nhân còn do nhiều yếu tố khác tác động như: xã hội, sự chia sẻ, đồng hành của người nhà bệnh nhân, diễn biến tâm sinh lý, tài chính…

Chúng tôi chỉ có thể ghi nhận rõ rệt được nỗi đau thể xác của bệnh nhân. Còn nỗi đau về mặt tinh thần, mỗi bệnh nhân lại có quan điểm và cái nhìn khác nhau.

Với nỗi đau thể xác đã có thuốc hỗ trợ, còn nỗi đau về tinh thần, bác sĩ xử lý như thế nào?

- Ngoài việc điều trị nỗi đau thể xác cho người bệnh, chúng tôi còn có nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý cho họ. Chúng tôi được tham gia các buổi tập huấn hỗ trợ cho người bệnh ung thư bằng cách động viên, chia sẻ với họ.

Khi thấy bệnh nhân căng thẳng, chúng tôi có thể nói chuyện với họ về các chủ đề mà họ thích để phân tán ý nghĩ, loại bỏ buồn phiền và lo lắng của họ.

Thêm vào đó, chúng tôi tạo ra các câu lạc bộ sinh hoạt cho người đồng bệnh và tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Chúng tôi mời các chuyên gia tâm lý đến nói chuyện với họ và tư vấn dinh dưỡng, sức khoẻ cho họ.

Như vậy, việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân cũng cần tới các chuyên gia tâm lý?

- Theo tôi, cần thiết có chuyên gia tâm lý trong khâu chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư. Chúng tôi không được đào tạo để trở thành chuyên gia tâm lý nhưng những buổi tập huấn giúp chúng tôi biết cách lắng nghe bệnh nhân chia sẻ. Từ đó, chúng tôi có sự động viên, thuyết phục và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh.

Theo bác sĩ, việc chăm sóc giảm nhẹ nên được áp dụng từ giai đoạn nào của bệnh?

- Thực tế, việc chăm sóc giảm nhẹ không chỉ được thực hiện ở giai đoạn muộn mà chúng tôi lồng ghép trong các khâu, từ chẩn đoán đến quá trình điều trị và cuối cùng là chăm sóc triệu chứng.

Bệnh nhân ung thư trải qua các cuộc phẫu thuật, điều trị xạ trị, điều trị hoá chất hay điều trị nhắm đích, nếu được chăm sóc giảm nhẹ ngay từ đầu thì bệnh nhân sẽ có thêm ý chí chiến đấu với bệnh tật, giảm được nỗi đau cả về thể xác và tinh thần.

Chúng ta biết, việc truyền hoá chất khiến bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ. Họ khó chịu, chán nản, thậm chí bỏ cuộc.

Có những trường hợp bác sĩ chưa cắm dây truyền hoá chất vào người bệnh nhân thì họ đã buồn nôn. Họ quá căng thẳng và hoảng sợ khi nghĩ tới việc điều trị của mình. Khi đó, chúng tôi dùng một số biện pháp giải toả tâm lý cho bệnh nhân và dùng thêm một số loại thuốc an thần cho họ.

Trong mỗi giai đoạn đó, việc chăm sóc giảm nhẹ có vai trò như thế nào, thưa bác sĩ?

- Vai trò chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở mỗi giai đoạn lại khác nhau. Nếu bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ từ giai đoạn đầu thì thời gian bệnh nhân lưu lại bệnh viện được rút ngắn, cơ hội khỏi bệnh tăng lên và tuổi thọ được kéo dài.

Với bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn, vai trò chăm sóc giảm nhẹ được đặt lên hàng đầu, thậm chí còn quan trọng hơn các điều trị triệt để khác.

Lúc này, mục tiêu điều trị khỏi bệnh cho họ là không thể thực hiện được nữa. Thay vào đó, chúng tôi tìm cách làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh trong quỹ thời gian ngắn ngủi họ có được.

Việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh còn phụ thuộc vào sự đồng hành, chia sẻ của người nhà bệnh nhân nữa…

- Một số bệnh nhân giai đoạn muộn có cảm giác cô đơn khi người nhà lạnh nhạt và bỏ mặc mình.

Tôi điều trị cho một bệnh nhân từ năm 2013 đến cuối năm 2017 thì bệnh nhân đó qua đời. Trong khoảng thời gian đó, tôi không thấy sự xuất hiện của chồng bệnh nhân. Còn hai con gái của bệnh nhân, tôi gặp một cháu năm 2013 và mãi đến năm 2016, tôi mới gặp đứa thứ hai.

Khi bệnh nhân cận kề cái chết, sự sống chỉ được tính bằng tháng, tôi yêu cầu tất cả các thành viên trong gia đình phải có mặt tại bệnh viện để biết tình trạng nguy kịch của bệnh nhân. Tôi muốn họ đến gặp bệnh nhân để bệnh nhân được an ủi phần nào và nhận được sự chia sẻ của gia đình.

Lúc đó, chồng và các con của bệnh nhân mới tới. Từ lúc họ gặp nhau đến khi bệnh nhân qua đời chỉ vỏn vẹn hai tháng. Những người ở lại hoàn toàn không biết bệnh tình của vợ, của mẹ mình ở mức độ nào.

Theo bác sĩ, có lý do gì khiến người bệnh quyết định chịu đựng một mình như vậy?

- Một phần bệnh nhân giấu người nhà vì họ nghĩ bản thân là một gánh nặng cho gia đình về mặt kinh tế. Họ nghĩ đã tiêu tốn một khoản tài chính lớn của gia đình rồi thì không muốn phiền đến gia đình nữa. Họ muốn chịu đựng và tự giải quyết.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân từ chối điều trị vì không nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ gia đình…

- Nhiều bệnh nhân sẵn sàng từ chối điều trị vì chi phí điều trị ung thư quá lớn và kéo dài triền miên. Nhưng cũng nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì không nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình.

Người nhà có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân. Hơn lúc nào hết, bệnh nhân cần họ.

Bác sĩ có thể chia sẻ một vài trường hợp bệnh nhân nào rơi vào hoàn cảnh đó?

- Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân 65 tuổi. Chú ấy điều trị ung thư được 4/5 quãng đường rồi nhưng xin dừng. Cho dù tôi thuyết phục như thế nào thì chú vẫn bỏ cuộc: ‘Bác sĩ quan tâm tới tôi, mong tôi khỏi bệnh nhưng các con của tôi lại không như thế’.

Chú ấy có 7 người con nhưng không một ai đoái hoài việc chú đang phải chịu nỗi đau do bệnh tật mang lại.

Thi thoảng tôi mới thấy người nhà bệnh nhân tới viện nhưng họ không những không hỏi han sức khoẻ của bố mà còn có thái độ xa lánh. Họ lầm tưởng bệnh ung thư có thể lây được. Họ sợ hãi và luôn muốn tránh xa bố.

Tôi nói với chú, nếu các con của chú không chăm lo được cho chú thì chú hãy để vợ của mình làm việc đó. Vợ chú nói cô phải chăm cháu để các con đi làm.

Không phải con cái nào cũng sẵn lòng ở bên chăm sóc bố mẹ khi ốm đau, bệnh tật. Những trường hợp như vậy chúng tôi thất bại trong việc thuyết phục bệnh nhân tiếp tục chiến đấu với bệnh ung thư. Dù chúng tôi rất muốn giúp bệnh nhân nhưng họ khước từ.

Bác sĩ và người nhà bệnh nhân có sự liên hệ như thế nào trong việc giải thích, tư vấn và thuyết phục họ đồng hành với bệnh nhân?

- Chúng tôi có sự liên hệ chặt chẽ với người nhà bệnh nhân. Chúng tôi luôn luôn có số điện thoại của người nhà để liên lạc trong tình huống cần thiết. Trong trường hợp bệnh nhân không giao tiếp được, người nhà chính là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Điều trị ung thư là một hành trình gian nan, gặp nhiều rủi ro và biến chứng, nếu không có sự hợp tác của gia đình thì bác sĩ khó có thể tiến hành điều trị. Người nhà và bệnh nhân cùng phải chấp nhận những điều gì có thể xảy đến khi bước vào cuộc điều trị ung thư.

Bác sĩ có nghĩ việc chăm sóc cho người nhà bệnh nhân cũng là việc nên và cần thiết không?

- Hiện nay, việc chăm sóc cho người nhà bệnh nhân vẫn chưa được quan tâm nhiều. Chúng tôi tập trung chính cho bệnh nhân. Theo mô hình chăm sóc giảm nhẹ của thế giới, chăm sóc cho người nhà bệnh nhân được đánh giá quan trọng.

Khi phát hiện bệnh, không chỉ bệnh nhân mà cả người nhà cũng bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Vì thế cần phải quan tâm tới cả người nhà bệnh nhân.

Khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã có sự hỗ trợ như thế nào với người nhà bệnh nhân?

- Chúng tôi in văn bản ghi rõ tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi truyền hoá chất, dán ở mỗi khoa và yêu cầu cả bệnh nhân và người nhà phải nắm được.

Đó là cách để họ biết được những vấn đề bất thường có thể gặp phải. Khi có biến chứng, người nhà cần liên hệ với bác sĩ, kịp thời đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Với những bệnh nhân ngoại trú, việc chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?

- Ở mọi giai đoạn ung thư, bệnh nhân đều có thể cần chăm sóc tại nhà, không chỉ giai đoạn muộn.

Bệnh nhân được chăm sóc tại nhà được theo dõi ngoại trú bởi đội bác sĩ điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ theo định kỳ. Chính việc này nâng cao hiệu chất lượng cuộc sống và nâng cao tính tuân thủ trong điều trị.

Việc chăm sóc điều trị giảm nhẹ đã giúp bệnh nhân như thế nào?

- Nhiều người nghĩ tất cả bệnh nhân ung thư đều ra đi trong đau đớn. Nhưng với những gì tôi đã chứng kiến, tôi thấy không đúng.

Nhiều bệnh nhân mất ở viện không trong tình trạng đau đớn. Với những bệnh nhân về nhà, chúng tôi đều hỏi han thân nhân, họ phản hồi bệnh nhân ra đi thanh thản.

tit phu 2

Bác sĩ chia sẻ, bệnh nhân thường dè dặt trong việc sử dụng morphin vì sợ nghiện. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bệnh tự ý sử dụng morphin. Bác sĩ suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Khi tiếp nhận bệnh nhân vào khoa, chúng tôi có những đánh giá để sử dụng thuốc hợp lý theo bậc quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Tại Khoa Chăm sóc triệu chứng và điều trị đau, tỷ lệ bệnh nhân dùng morphin khoảng 10 - 15%.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên dùng thuốc theo bậc thang giảm đau. Tuy nhiên, cơn đau có thể phức tạp, bệnh nhân có thể bị đau vì các lý do khác nhau, do đó cần phải sử dụng các nhóm thuốc khác nhau chứ không chỉ riêng morphin.

Bệnh nhân chỉ nên sử dụng morphin khi có sự chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian chỉ định. Nếu sử dụng không theo hướng dẫn của nhân viên y tế thì sẽ nguy hiểm.

Sự nguy hiểm do morphin gây ra nếu không được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ là gì, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân dùng morphin không theo chỉ dẫn của bác sĩ thì sẽ gặp phải tác dụng phụ. Thường gặp nhất là buồn nôn và nôn, táo bón, ức chế thần kinh, co đồng tử, bí đái... có thể gặp các biểu hiện khác với mức độ ít hơn như ức chế hô hấp, ngứa, toát mồ hôi, lú lẫn, ác mộng, ảo giác, co thắt túi mật, co thắt phế quản...

Bệnh nhân sử dụng morphin liều quá cao có thể gây ức chế hô hấp, dẫn tới tử vong.

Như vậy, có nhiều bệnh nhân và chính người nhà của họ đang không hiểu rõ về thuốc giảm đau morphin?

- Trong quá trình điều trị cho nhiều người bệnh, tôi thấy khá nhiều người chưa hiểu đúng về thuốc giảm đau morphin. Cứ nhắc tới morphin, họ liên tưởng tới nghiện. Họ trở nên e dè trong việc điều trị dùng thuốc giảm đau morphin.

Nếu cơn đau của họ được không chế bằng morphin nhưng chúng tôi không nhắc tới tên thuốc sử dụng thì họ rất thoải mái. Ngược lại, khi đã biết mình dùng morphin thì họ có thể ngay lập tức xin ngừng điều trị dù cơn đau đang hoành hành.

Vậy thì có trường hợp bác sĩ giấu bệnh nhân việc dùng morphin để giảm đau cho họ?

- Khi dùng mocphin cho bệnh nhân, tuỳ thuộc vào tâm lý bệnh nhân mà chúng tôi nói chuyện với họ. Có những bệnh nhân dám đương đầu thì nói cả bệnh nhân và người nhà.

Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân chưa sẵn sàng thì chúng tôi chỉ cung cấp thông tin họ đang bị bệnh và phương án điều trị. Nếu nói hết thì họ sẽ bi quan, suy sụp. Còn về mức độ nặng nhẹ như thế nào, chúng tôi chỉ trao đổi với người nhà bệnh nhân.

Nhiều người nhà sử dụng morphin trong phút lâm chung của bệnh nhân để giúp họ giảm đau, giảm khó thở và ra đi thanh thản hơn…

- Thực tế, không phải tất cả bệnh nhân đang hấp hối đều bị đau. Có lẽ, khi mình còn cảm nhận được nỗi đau thì mình còn cảm giác. Với người không còn cảm giác thì họ cũng mất sự cảm nhận về nỗi đau.

Morphin chỉ nên được sử dụng như phương án cuối cùng, khi cái chết đến rất gần với bệnh nhân. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

- Quyết định dùng morphin dựa trên nhu cầu kiểm soát cơn đau chứ không phải đợi đến khi bệnh nhân cận kề cái chết. Khi hết đau, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.

tit phu 3

Hằng ngày, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, chứng kiến nỗi đau về thể xác và tinh thần, tâm lý của chị bị ảnh hưởng như thế nào?

- Có nhiều y bác sĩ mới vào khoa, chưa quen với công việc, họ sẽ áp lực. Nhưng sau đó, khi đã quen dần rồi thì thấy tất cả đều không còn là rào cản nữa.

Tôi nhận ra, khi mình làm hết khả năng, tận tâm với bệnh nhân thì sẽ thấy công việc nhẹ nhàng hơn nhiều.

Điều gì tạo ra niềm vui cho chị và đồng nghiệp?

- Những niềm vui chúng tôi tìm kiếm được từ công việc này vừa khó lại vừa dễ.

Khi bệnh nhân chuyển tới khoa phải có người dìu nhưng khi vào đây 1 - 2 ngày, bệnh nhân có thể cười. Niềm vui đến nhiều hơn khi chúng tôi khống chế được triệu chứng bệnh, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân và giúp chất lượng cuộc sống của họ được nâng cao dù quỹ thời gian còn ít.

Để chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được nâng cao thì cần đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của họ. Với những mong muốn của bệnh nhân, chị làm thế nào để tránh gây thất vọng cho họ?

- Bất cứ bệnh nhân nào vào khoa cũng có những mong muốn riêng. Mong muốn của họ là vô cùng. Nhưng họ không đòi hỏi quá đáng vì mục đích họ tới đây để điều trị bệnh.

Tôi thường khuyên họ, càng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị ung thư mới, thêm hy vọng cho người bệnh.

Nếu ai đó không may mắc ung thư thì đừng quá tuyệt vọng mà hãy dũng cảm đương đầu với nó. Bệnh nhân cần có lòng tin vào bác sĩ và hợp tác với họ.

Cảm xúc của chị thế nào khi chứng kiến nỗi đau của bệnh nhân?

- Nhìn bệnh nhân đau đớn, không riêng gì tôi mà tất cả các y bác sĩ đều day dứt. Bằng sức lực của mình, chúng tôi luôn tìm cách giúp bệnh nhân giảm nỗi đau.

Không ai mong muốn mình là người phải trải qua những cung bậc cảm xúc của bệnh nhân ung thư. Có nhiều nhân viên y tế cũng bị ung thư và chính người nhà của họ cũng bị. Do đó, chúng tôi đồng cảm, phần nào hiểu và cảm nhận được những nỗi đau họ đang mang.

Chị làm thế nào để cân bằng công việc và gia đình?

- Hết giờ làm, trở về nhà, bệnh nhân vẫn gọi điện cho tôi nếu có vướng mắc hay bất thường gì. Nhiều khi bệnh nhân gọi tới đúng lúc tôi đang ăn cơm cùng gia đình.

Gia đình thấu hiểu và chia sẻ và tạo điều kiện để tôi hoàn thành công việc. Khi đến cơ quan, tôi gác lại mọi việc riêng, chỉ tập trung vào công việc nhưng khi về nhà thì tôi vẫn làm việc nếu bệnh nhân cần.

Ở nhà, nếu điện thoại của tôi kêu thì dù có đang làm gì thì chồng hay con cũng đều mang tới cho tôi nghe. Các thành viên trong gia đình đã quen với những cuộc gọi như vậy của tôi. Tôi suy nghĩ: ‘Khi bệnh nhân cần thì họ mới gọi’ nên tôi không tắt điện thoại bao giờ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Tú Anh - Hồng Ngọc - Ái Linh

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO