bac-si-viet-dung-giadinhmoi-gdf1-1053

Bước chân vào chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ từ năm 2005, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. 

bac-si-viet-dung-giadinhmoi-titphu1

Trên thực tế, những năm gần đây, có ngày càng nhiều phụ nữ phẫu thuật ngực và tuổi bệnh nhân phẫu thuật ngực ngày càng được trẻ hóa.

Trong khi nhiều cô nàng ước mơ có vòng ngực đầy đặn, nảy nở thì ở đâu đó có những người lặng lẽ đi thực hiện phẫu thuật thu nhỏ ngực. Những trường hợp như vậy không khó gặp ở khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn.

Đó là công việc phẫu thuật cắt vú cho bệnh nhân nữ phì đại tuyến vú và các bệnh lý khác. 

Hơn 10 năm trước, khi còn là bác sĩ nội trú, bác sĩ Việt Dung mắt chữ O mồm chữ A khi phụ người thầy của mình là GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật thu gọn vú.

Sau thời gian phẫu thuật khoảng vài tiếng đồng hồ, cả quả vú khổng lồ với thể tích lít rưỡi, hai lít... đầu núm vú chạm tới rốn hay cạp quần đã biến thành hai bầu vú săn chắc và tròn đầy.

Sau 10 năm chịu khó tìm tòi, học hỏi, những ca “phóng to, thu nhỏ” đã không còn là một thách thức lớn với bác sĩ Việt Dung nữa. Ngược lại, cô còn thấy phấn khích trước mỗi ca bệnh và càng thích hơn khi ngắm nhìn các “tác phẩm” của mình sau khi phẫu thuật.

Với bác sĩ Việt Dung, tình trạng vòng 1 “quá khổ” là nỗi ám ảnh nặng nề của chị em. Tình trạng vú phì đại hoàn toàn không gây nguy hiểm đến tính mạng cũng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống xã hội như các bệnh lý ngoại khoa khác.

Nhưng nó gây ra sự phiền toái, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và là gánh nặng tâm lý, mặc cảm tự ti với người bị chứng vú phù đại… Nên vú phì đại phải được coi như là một bệnh cần được điều trị chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ. Vì vậy, bác sĩ Việt Dung coi việc phẫu thuật cắt vú phì đại như là nhiệm vụ chữa bệnh của bác sĩ tạo hình thẩm mỹ.

Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, chị mới cảm nhận hết được nhu cầu bức thiết cần được phẫu thuật của họ và thấy được niềm vui, sự tự tin trở lại trong họ sau khi được phẫu thuật.

Bác sĩ Việt Dung và đồng nghiệp tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn vẫn nhớ như in trường hợp bệnh nhân nữ 13 tuổi đến từ Quảng Ngãi.

Sau 1 năm dậy thì, tuyến vú của cháu bé ấy phát triển rất nhanh. Điều này khiến cháu tự ti, thậm chí phải bỏ học vì bị bạn bè chê cười, hàng xóm nghi ngờ có bầu... Hai bố con rong ruổi khắp các bệnh viện để tìm nơi chữa trị nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Cháu bé tới Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn trong chiếc áo to đùng, rộng thùng thình mặc của mẹ để giấu đi bộ ngực phát triển quá cỡ so với độ tuổi của em.

Khi khám cho cháu, bác sĩ Việt Dung giật mình thấy cô bé xanh xao ngày ngày phải mang hai bầu ngực to như quả dưa hấu ước tính thể tích khoảng 2 lít mỗi bên.

Làm một số xét nghiệm cho thấy, cháu bị bệnh Phyloide - một bệnh nhiều khối u lành tính của tuyến vú, xuất hiện thường liên quan đến quá trình dậy thì hay chửa đẻ.

Cháu được các y bác sĩ tại khoa phẫu thuật theo phương pháp sáng tạo, vừa cắt bỏ u, vừa thu gọn tuyến vú, vừa bảo tồn phần tuyến lành và quầng núm vú. Một tuần sau ca phẫu thuật, cháu được ra viện và nhanh chóng quay trở lại trường học.

Ba tháng sau tới tái khám, các bác sĩ và điều dưỡng của khoa vui mừng khi gặp lại cháu trong bộ quần áo học sinh, vui vẻ và tự tin.

Công việc của một bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đòi hỏi sự tinh tế, cần đôi tay khéo léo dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc về chuyên ngành này.

Những công việc thường ngày đó đã trở thành quen thuộc với bác sĩ Việt Dung, đến mức cô đùa vui, “Trước đây, nhiều khi đi chợ, tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn cô hàng thịt cắt được chính xác đến vài hoa. Giờ thì tôi đã hiểu khi lặp đi lặp lại công việc gì đó hàng ngày thì nó sẽ trở thành thói quen đến nỗi không cần cân đo đong đếm nữa”.

bac-si-viet-dung-giadinhmoi-4

Vài năm gần đây, bác sĩ Việt Dung liên tục nhận được tin vui từ các bệnh nhân không âm đạo. Ngày bệnh nhân lấy chồng cũng là ngày vui của cô và đồng nghiệp trong khoa.

Bác sĩ Việt Dung vẫn nhớ một bệnh nhân nữ 36 tuổi người Hà Nam, vào viện cách đây 6 năm, khi khoa còn đang thực hiện tạo hình âm đạo bằng vạt da đùi và da bẹn.

Một khuôn mặt xinh xắn, phúc hậu nhưng lúc nào cũng đượm buồn. Mỗi lần kể chuyện về đời mình cô ấy đều rơm rớm nước mắt.

Cô ấy kể, từ lúc học cấp 3 cô thấy mình không có kinh nguyệt như các bạn khác, cô đã mơ hồ cảm nhận được những bất thường của mình. Tốt nghiệp cấp 3 cô tự đi khám, bác sĩ trả lời là không có âm đạo, cô tìm hiểu và dần nhận ra tương lai mịt mờ của mình.

Cô không dám chia sẻ nỗi đau đó với ai ngay cả bố mẹ và anh chị em ruột. Cô dần dần xa lánh các bạn trai. Nhiều lần bạn trai đến nhà chơi, cô chỉ trốn vào góc bếp, âm thầm khóc một mình… cho đến khi cô ấy đọc được mẩu thông tin trên tờ báo gói xôi sáng nói về khoa Phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh Pôn và dị tật không âm đạo.

Hay một bệnh nhân nữ 24 tuổi người Quảng Ngãi, sau khi lấy chồng 3 năm, đến viện với tình trạng không có âm đạo, thành hậu môn, niệu đạo rách và mỏng dính do cố quan hệ tình dục…

Khoác trên mình bộ quần áo màu xanh phòng mổ, bác sĩ Việt Dung thổ lộ: “Quan điểm về cái đẹp của mỗi người khác nhau nhưng trong một quần thể, tại một thời điểm nhất định thì bao giờ cũng tồn tại quan điểm chung, xu hướng chung. Đó là điều mà cả bác sĩ và khách hàng đều hướng tới.

Cũng rất may, thông thường khi khách hàng tìm đến tôi để làm đẹp thì ít nhiều người đã tìm hiểu về “sản phẩm” mà tôi đã tạo ra nên ít nhiều có sự đồng cảm trong quan điểm về cái đẹp”.

Vì vậy, trước khi đi đến một quyết định lựa chọn kỹ thuật để hướng tới mẫu “sản phẩm thẩm mỹ” nào đó, bác sĩ Việt Dung luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích của khách hàng cũng như thể hiện quan điểm của mình, phân tích những cái nên và không nên, những cái được và cái mất… Trên cơ sở đó, tìm ra phương án chung có thể dung hòa.

Bác sĩ Việt Dung tâm sự, “Thực ra phẫu thuật thẩm mỹ dù được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được đào tạo bài bản thì cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định. Thế nên, chúng tôi không chạy theo sự hoàn hảo. Thà chọn kỹ thuật để đẹp hơn mà an toàn và kết quả duy trì lâu dài tốt hơn là bất chấp nguy cơ để đuổi theo sự hoàn hảo”.

bac-si-viet-dung-giadinhmoi-2523

Từ những ngày còn nhỏ, mỗi lần chơi đồ hàng, cô bé Việt Dung luôn nhận vai bác sĩ, còn bệnh nhân là các bạn cùng xóm. Dụng cụ y khoa trong những trò chơi thuở đó chỉ là gai bòng là kim tiêm, miếng vải xin được ở tiệm may gần nhà được dùng làm băng gạc…

Cái tên Việt Dung đơn thuần được các bạn thay thế bằng danh xưng “Bác sĩ Việt” (Việt là tên ở nhà của bác sĩ Việt Dung). Mỗi lần được các bạn gọi như vậy, bác sĩ Việt Dung đều thích thú, trong lòng nhen lên một niềm vui khó tả.

Thi thoảng, bố mẹ của các cô cậu bị bác sĩ Việt Dung đem ra thí nghiệm trò tiêm chọc sang nhà “bắt đền” “Bác sĩ Việt”.

Ước mơ trở thành bác sĩ được ươm mầm từ những mũi tiêm thơ bé bằng gai bòng như vậy.

Lên cấp 3, định hướng nghề nghiệp tương lai bắt đầu rõ nét hơn, bác sĩ Việt Dung nhìn vị bác sĩ là người bố của mình đầy ngưỡng mộ. Cô thần tượng bố của mình với hình ảnh là một bác sĩ vùng quê luôn tận tình cữu chữa người nhân, sẵn sàng giúp bệnh nhân nghèo…

Cũng vì lẽ đó mà khi cầm trên tay ba tờ giấy báo trúng tuyển Đại học Y Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư Phạm, bác sĩ Việt Dung không đắn đo mà chọn theo học ngành y. Tuy nhiên, bố mẹ cô lo sợ con gái làm trong lĩnh vực y tế sẽ vất vả nên muốn con theo con đường nghiên cứu khoa học.

Nghe lời bố mẹ, bác sĩ Việt Dung nhập học trường Khoa học Tự nhiên trong tâm thế sẵn sàng về mặt hình thức. Trong 2 tuần đầu học ở ngôi trường đó, suy nghĩ cơ hội thực hiện ước mơ ngày nhỏ đang dần vụt đi khiến cô giật mình tỉnh giấc. Rồi cô ý rút hồ sơ xin chuyển sang trường Đại học Y Hà Nội.

Những năm tháng miệt mài trên giảng đường của trường Đại học Y Hà Nội đã giúp bác sĩ Việt Dung được thực hành tiêm bằng kim tiêm thật chứ không còn là gai bòng như hồi nhỏ. Những sắc trắng, sắc xanh của bộ đồ blouse hay quần áo phòng mổ của các bệnh viện đan cài vào từng nếp nghĩ của cô sinh viên Việt Dung.

Năm chuẩn bị tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chưa kịp lựa chọn chuyên ngành để học tiếp: ngoại, sản, nhi thì một tai nạn bất ngờ ập đến gia đình cô. Bố cô bị chấn thương sọ não nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trong 2 tháng ròng rã, bố của bác sĩ Việt Dung nằm thở máy, mê man, nhiễm trùng phổi và xuất hiện những vết loét do tì đè. Những đêm trông bố, lang thang ra phòng trực cấp cứu, cô tình cờ gặp các bác sĩ nội trú phẫu thuật tạo hình mới biết đến chuyên ngành này.

Cô biết chuyên ngành này ngoài việc phẫu thuật thẩm mỹ thì còn phẫu thuật tái tạo các cơ quan bộ phận nổi của cơ thể bị dị tật bẩm sinh, bị tổn thương phá hủy do bỏng, ung thư, chấn thương… trong đó có cả những vết loét do tỳ đè.

Từ hôm đó trở đi, cô nuôi dưỡng một ước mơ duy nhất là trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, cô đã đăng ký học lớp chuyên khoa định hướng phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và rồi học nội trú.

Ca đầu tiên cô cầm dao phẫu thuật thành công là điều trị mảng loét cùng cụt, loét mấu chuyển lớn xương đùi cho chính người bố của mình.

Đó là niềm vui cũng là động lực giúp bác sĩ Việt Dung tiếp tục đi con đường của một bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Những ca mổ thành công cho người bệnh chính là niềm vui và động lực lớn đối với bác sĩ Việt Dung và các đồng nghiệp.

Những ca mổ thành công cho người bệnh chính là niềm vui và động lực lớn đối với bác sĩ Việt Dung và các đồng nghiệp.

Nhìn lại suốt 14 năm là bác sĩ phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, gần 5 năm làm công tác giảng dạy, bác sĩ Việt Dung tâm sự: “Tốt nghiệp cấp 3 xong cầm 3 tờ giấy gọi nhập học: trường Y Hà Nội, trường Khoa học Tự Nhiên, trường Sư phạm, phải ngậm ngùi chỉ được chọn 1 trường... Giờ thì vừa làm bác sĩ, vừa nghiên cứu khoa học, vừa làm cô giáo.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tôi thích làm ngoại khoa, thích nhi khoa, thích cả sản khoa... Giờ thì vừa được mổ xẻ, vừa được phẫu thuật cho bệnh nhi và vẫn thường xuyên làm việc ở tâm thế của bác sĩ sản khoa”.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung học chuyên khoa định hướng Phẫu Thuật Tạo Hình năm 2004, học bác sĩ Nội trú chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội khoá 29 (2005-2008), thực tập sinh tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn năm 2009.

Năm 2015, 2016 bác sĩ Việt Dung đã theo học các khoá chuyên sâu về Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ tại trường Đại học Pittsburg (Hoa Kỳ) và trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản). Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2017.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO