Bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Xanh Pôn thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về việc nên hay không bỏ qua quy trình với bệnh nhân cấp cứu.

Trong căn phòng tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Xanh Pôn, người bác sĩ có mái tóc dài rất nghệ sĩ đang chăm chú gõ bài nghiên cứu.

Khoảng 30 phút sau, anh quay sang, thoải mái chia sẻ quan điểm của mình về nhiều vấn đề trong ngành y tế.

Đôi bàn tay của một người từng là bác sĩ ngoại khoa thi thoảng vén hờ mái tóc của mình.

Cuộc trò chuyện hơn 3 tiếng trò chuyện bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn của bệnh nhân và hỏi cách thức giải quyết từ đồng nghiệp của anh.

5

Gần đây, anh chia sẻ trên trang cá nhân của mình câu chuyện niềm vui đặc biệt của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thạch Thất ‘Đêm qua chúng tôi đã sinh ra một em bé theo cách không bình thường!’ . Cụ thể tình huống đó như thế nào?

- Vào lúc 21 giờ, ngày 6/11, Phòng khám Cấp cứu BVĐK huyện Thạch Thất tiếp nhận một bệnh nhân 22 tuổi, có thai 37 tuần, bị đau bụng đột ngột.

Bác sĩ Phạm Phi Long cùng ê kíp trực đã nhanh chóng khám bệnh nhân, phát hiện thấy có dấu hiệu mất máu rất nặng, bụng có phản ứng, tử cung mềm, tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa từng phút.

Ngay sau cuộc điện thoại gấp với giám đốc Vương Trung Kiên, bác sĩ Phạm Phi Long chỉ kịp hét lên một câu: Mổ cấp cứu ngay lập tức!

Như vậy, các nhân viên y tế của BVĐK huyện Thạch Thất đã không kịp làm thủ tục theo quy trình?

- Đúng vậy. Các nhân viên y tế ở BVĐK huyện Thạch Thất đã không kịp làm bệnh án, không xét nghiệm máu, không kịp làm các thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu, không kịp giải thích nhiều cho gia đình…

Xuất phát từ đâu mà các y bác sĩ kíp trực lại đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy?

- Tiến sĩ Amy Tuteur, giảng viên lâm sàng sản phụ khoa của Đại học Harvard cảnh báo bằng những con số thống kê nghiên cứu của các đồng nghiệp, với những sản phụ vỡ tử cung bác sĩ chỉ có thời gian 18 phút để đứa trẻ an toàn không bị thiếu Ôxy máu. Sau 18 - 30 phút sẽ dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, muộn hơn rất ít cơ hội để cứu sống.

Trong thực tế lâm sàng, vỡ tử cung khi có thai là một tình trạng hiếm gặp, nhưng đặc biệt thảm khốc, đe dọa tính mạng cả người mẹ và thai nhi, là một sự kiện đáng sợ với bác sĩ.

Chẩn đoán xác định thường rất khó, nhưng lại đòi hỏi phải xử trí nhanh và dứt khoát. Nếu lúc đó các y bác sĩ chạy ra hỏi người nhà bệnh nhân thì sẽ không kịp cứu sống bệnh nhân.

Anh đánh giá như thế nào về quyết định của đồng nghiệp của mình?

- Đây là một quyết định cực kì khó khăn đối với êkip trực khi đó. Tôi nghĩ với bầt kì nhân viên y tế nào rơi vào trường hợp đó cũng quyết định làm như vậy.

Chuyện bỏ qua quy trình để cứu bệnh nhân không phải là ít. Đó là những điều hoàn toàn bình thường trong ngành y.

May mắn đã mỉm cười với các y bác sĩ của ê kíp trực hôm đó. Còn những trường hợp bỏ qua quy trình khác, chẳng may không cứu được bệnh nhân thì họ sẽ phải hứng chịu điều gì?

- Ngay sau khi tôi đăng tải câu chuyện đó lên mạng xã hội, mọi người đặt nhiều câu hỏi với ê kíp trực hôm đó nói riêng và cả ngành y tế nói chung.

Họ cũng đặt câu hỏi nếu ca mổ không thành công thì ê kíp y bác sĩ đó sẽ như thế nào?

Tôi trao đổi với Giám đốc bệnh viện Vương Trung Kiên, giả sử trường hợp đó xảy ra điều gì thì người phải ngồi viết tường trình là giám đốc bệnh viện và người chịu trách nhiệm là trưởng kíp trực đó.

Vậy khi đưa ra quyết định mổ cấp cứu vượt quy trình thì họ đã phải chịu bao nhiêu áp lực?

Kết quả tốt đẹp, bệnh nhân được cứu kịp thời và ê kíp trực được khen thưởng. Như vậy, công sức của ê kíp đã được cộng đồng ghi nhận?

- Bộ Y tế cũng đánh giá cao việc BVĐK huyện Thạch Thất bỏ qua quy trình để cứu bệnh nhân.

Ngay sau khi nghe chuyện, bác sĩ Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Y tế) bày tỏ xúc động, liên tục hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ con bệnh nhân.

Và đề nghị cơ sở làm báo cáo lên trên để Bộ Y tế khen thưởng nhưng giám đốc Vương Trung Kiên và các nhân viên y tế ở BVĐK huyện Thạch Thất không muốn báo cáo thành tích để được khen thưởng.

Tại sao họ lại không muốn báo cáo thành tích?  

- Hơn ai hết, họ hiểu vinh quang không nằm ở thành tích, mà vinh quang ở trong chính sự hi sinh từ những công việc thầm lặng mà họ đã và đang làm cho người bệnh.

Thành tích chỉ là một phần của vinh quang, nên những thành tích như vậy sẽ là việc mà họ sẽ phải làm thường xuyên.

Sau đó, tôi nói với anh Kiên nếu như đây là trường hợp may mắn tức thì thì không khen thưởng. Nhưng với một bệnh viện tuyến huyện, nơi không có máy chụp cắt lớp vi tính, không có trang thiết bị hiện đại nhưng thực hiện thành công những ca phẫu thuật gan mật khó, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình kỹ thuật cao… thì bác sĩ xử trí được những ca bệnh là một nền tảng tích luỹ thành công từ trước chứ không phải bỗng dưng họ làm được thế.

Vậy việc tuân theo quy trình có cần thiết hay không với những ca bệnh cấp cứu?

- Chẩn đoán trước mổ là một việc làm cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, không phải phương tiện chẩn đoán hình ảnh nào cũng cho kết quả chính xác. Vì vậy, có nhiều trường hợp khi mổ ra thì các bác sĩ mới biết tình trạng của bệnh nhân. Nếu lúc đó ê kíp trực chạy ra xin ý kiến người nhà bệnh nhân thì bệnh nhân có thể sẽ nguy kịch, thậm chí tử vong.

Một là bác sĩ làm theo quy trình để bảo vệ chính bản thân họ, bệnh nhân sẽ phải trả giá. Hai là bác sĩ phá vỡ quy trình để cứu giúp bệnh nhân. Tôi không thể nói rằng trong tất cả các tình huống thì đều bỏ qua quy trình.

Theo anh, có nên bỏ qua quy trình trong ngành y tế?

- Quy trình làm nên sức mạnh tập thể, tôi đề cao quy trình. Nếu ở đâu không có quy trình tốt thì ở đó không phát triển được.

Xây dựng quy trình là việc bắt buộc phải làm, có quy trình thì mới tạo nên sức mạnh tập thể. Nếu xoá bỏ quy trình thì vô tổ chức, vô kỷ luật.

Dù cho có theo quy trình hay không thì nhân viên y tế luôn đặt người bệnh lên trên hết, chuyên môn lên đầu. Trong tình huống đối diện giữa sự sống và cái chết thì bác sĩ nên ‘xé’ quy trình đi. Nhưng trong trường hợp bệnh nhân không được cứu sống thì bác sĩ sẽ phải đối mặt với rủi ro về dư luận xã hội.

Đó là đặc thù của ngành. Những người đã đi vào ngành thì phải chấp nhận điều đó.

Những rủi ro đó là gì, thưa bác sĩ?

- Bao nhiêu vụ lùm xùm về ngành y tế nhưng khi được lên tiếng thì mọi chuyện sẽ khác. Tôi nghĩ, nếu bác sĩ đặt quyền lợi của người bệnh và chuyên môn lên trên hết thì sẽ chiến thắng. Điều đó chính là lá bùa để bảo vệ bác sĩ.

Quy trình cứ xây dựng, các nhân viên y tế làm theo đúng quy trình. Những trường hợp khẩn cấp thì vẫn bỏ qua quy trình và bác sĩ không có gì phải hoảng sợ cả.

Tôi chỉ sợ nhất là mình làm trái lương tâm, không có trách nhiệm với bệnh nhân chứ khi mình đã là đúng thì mình không phải sợ. Cũng có những người chưa bản lĩnh thì họ không dám đương đầu.

Trước đây có trường hợp ở Cần Thơ, chẩn đoán trước mổ là đau ruột thừa nhưng sau đó cắt buồng trứng khi chưa có ý kiến của người nhà, bác sĩ đó phải hầu toà. Tôi thấy đó là một việc oan uổng, không đáng có. 

7

Xã hội ít biết về những sự hy sinh thầm lặng trong ngành y tế. Khi có bất kì sai sót nào thì họ sẽ lên án, chỉ trích. Anh có thấy đó là một sự cay nghiệt?

- Tôi cho rằng khoảng cách giữa người bệnh và nhân viên y tế hiện nay lớn. Trước kia, thời bao cấp không xảy ra chuyện người bệnh phản ứng với bác sĩ.

Họ tìm tới bác sĩ với tình cảm, không có chuyện phong bì, họ đều nghèo khổ như nhau nên khoảng cách ít.

Có một cái hố ngăn cách cái nhìn của nhân viên y tế với người bệnh. Nó đang rơi vào hai thái cực. Nguyên do của nó là chúng ta đang lừng khừng ở giữa, một bên là đi theo thời kì ban phát như trước đây với y tế giá rẻ, một bên là chất lượng dịch vụ cao.

Chúng ta phải coi y tế là ngành dịch vụ đặc biệt và sức khoẻ của người bệnh trên hết, đạo đức ngành y đặt lên đầu.

Anh nói xu hướng ngành y là một ngành dịch vụ, như vậy xuất hiện sự sòng phẳng?

- Nếu ngành y là ngành nhân đạo mà ở đó y tế ban phát cho người bệnh thì nghề y không phát triển được, nó chỉ ‘bay’ lên từ những câu nói suông.

Còn nếu coi y tế như các ngành nghề dịch vụ đặc biệt, bệnh nhân là khách hàng, nhân viên y tế là những người cung cấp dịch vụ thì dễ dẫn tới sự sòng phẳng.

Bệnh nhân cho rằng mình mất tiền thì phải được nhận lại điều tương xứng. Và nhân viên y tế cần phải làm cho cho bệnh nhân những điều gì để họ hài lòng. Từ đó, tạo ra sự xung khắc, giữa nhân viên y tế và xã hội có cái nhìn cực đoan về nhau.

Cực đoan như thế nào, thưa bác sĩ?

- Nếu có một hiện tượng không hay trong ngành y xảy ra, họ sẽ nhảy vào chửi bới, lên án và gây áp lực cho toàn thể nhân viên y tế.

Vậy theo anh, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách đó? 

- Cách thu hẹp khoảng cách là cần thay đổi, y tế là ngành dịch vụ đặc biệt thay vì tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Những quy luật của kinh tế thị trường áp dụng vào ngành y tế hầu hết không phù hợp.

Tôi nghĩ ngành y tế cần thành lập kinh tế y tế và quản lý y tế tách biệt nhau. Kinh tế y tế phải xuất phát từ đạo đức đi lên chứ không phải từ lợi nhuận mà ra. Kinh tế y tế là đơn vị kinh doanh tạo ra lợi nhuận để duy trì hoạt động của ngành y tế.

Nếu ngành y tế tuân theo quy luật kinh tế thị trường thì sẽ như thế nào?

- Nếu áp dụng theo quy luật kinh tế thị trường, nhân viên y tế mua máy rẻ nhất rồi họ sẽ tìm đủ mọi cách để chèo kéo bệnh nhân tới để có được nhiều tiền thì đó là sự phi đạo đức về y khoa.

Nhưng nếu xuất phát từ đạo đức thì người ta sẽ phải đầu tư trang thiết bị thật tốt để phát triển chuyên môn.

Các nhân viên y tế lấy niềm tin của người bệnh, của đồng nghiệp và chính năng lực của bản thân làm nền tảng thì sẽ phát triển được. Trên cơ sở đó thì nhân viên y tế không còn bức xúc với người bệnh và ngược lại.

Nhưng đã có rất nhiều câu chuyện bức xúc giữa y bác sĩ và bệnh nhân được đưa ra?

- Nếu cứ nhìn vào thái cực sai thì chiến tranh sẽ xảy ra mà chẳng giải quyết vấn đề gì, chỉ làm khổ nhau thôi. Tốt nhất không nên đẩy câu chuyện đi quá xá.

Chúng ta hơn nhau ở chỗ biết kiềm chế và tìm giải pháp tối ưu nhất, cải thiện tình hình chứ không phải lao vào chỉ trích nhau.  

Anh đã xử lý như thế nào khi gặp những người bệnh có thái độ bức xúc?

- Có những bệnh nhân vào viện, do đang phải gánh chịu quá nhiều điều nên họ gây sự với nhân viên y tế. Nhiều người đi khám chữa bệnh hết không thể chi trả viện phí nên họ sinh ra đòi hỏi.

Khi đó, tôi phải thực sự bình tĩnh, hiểu rằng người ta phản ứng vậy vì người ta đang quá đáng thương.

Tôi đã bỏ tiền túi ra đưa cho họ và cảm ơn họ vì đã lựa chọn bệnh viện để khám chữa bệnh. Y học thực sự là lao động của tình yêu.

Anh vẫn dành tình cảm cho họ dù họ làm những điều không đúng với anh và đồng nghiệp của anh?  

- Bản chất của y tế là xã hội thu nhỏ, có đủ hạng người. Nếu gặp trường hợp bệnh nhân không hợp tác, là do khi người ta chưa hiểu.

Nhiệm vụ của nhân viên y tế là phải làm thế nào để bệnh nhân hiểu chứ không phải quay lại trách móc họ, không nên như thế.

Tôi nghĩ, nếu bệnh nhân không hợp tác thì họ đã không chọn vào viện. Đó là do cách thức các nhân viên y tế giải thích cho người bệnh chưa thực sự thuyết phục. Khi bệnh nhân chưa thực sự hợp tác thì bác sĩ khó có thể có được chẩn đoán ở mức chính xác nhất.

Không phải nhân viên y tế nào cũng đủ bản lĩnh và bình tĩnh để giải thích cho bệnh nhân hiểu được…

- Chuyện bác sĩ bị người bệnh phản ứng là không tránh khỏi. Phải là những người đã đủ trải nghiệm thì mới có thể tự điều hoà bản thân và điều khiển cảm xúc của mình để điềm tĩnh giải thích.

Muốn có được điều đó thì nhân viên y tế phải học rất nhiều, từ chuyên môn đến xã hội. Đủ điềm tĩnh thì sẽ thấy những điều bất thường không còn là vấn đề bất thường nữa.

Phải chăng một người bác sĩ giỏi chuyên môn và có tâm đang phải gồng mình lên quá nhiều?

- Nghề y là tổ hợp của nhiều môn khoa học. Là khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản của ngành y, khoa học xã hội và khoa học nghệ thuật. Việc giải thích cho bệnh nhân hiểu cũng vậy. Đó là một quá trình tiếp xúc, tìm hiểu bệnh nhân.

Là người bác sĩ giỏi thì trước tiên phải có trái tim của một người mẹ hiền, có một bộ não của nhà khoa học, có bàn tay của người nghệ nhân và có tâm hồn của người nghệ sĩ.

Anh có nghĩ bác sĩ đang phải chấp nhận quá nhiều điều không?

- Bác sĩ phải biết chấp nhận những cuộc khủng hoảng đức tin và lòng tự tin. Chấp nhận kiệt sức, bởi cường độ làm việc sẽ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày, nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần, làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật, làm nhiều hơn vào các ngày lễ và ngày tết.

Anh chia sẻ, bác sĩ phải biết chấp nhận khủng hoảng đức tin và lòng tin, điều đó được thể hiện như thế nào?

- Đại đa số nhân viên y tế đang xù lông xù cánh, họ cảm tưởng cả xã hội đang chĩa mũi nhọn và họ. Không phải ai cũng vượt qua được điều đó.

Hầu hết họ cảm thấy mất mát khi họ đang làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn nhưng xã hội luôn luôn nghi ngờ họ.

Từ đó dẫn tới sự khủng hoảng, nhân viên y tế dần rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài và cay nghiệt. Tôi đã phải ngồi nói chuyện với khá nhiều người, đến khi họ thấy thanh thản.

Vậy theo anh, làm thế nào để khắc phục được khủng hoảng niềm tin trong ngành y tế?

- Đầu tiên, chúng ta nên đưa y tế trở thành một ngành dịch vụ đặc biệt để đảm bảo đời sống của các y bác sĩ.

Thứ hai là về vấn đề đào tạo. Mọi người cứ nghĩ tất cả các bác sĩ ra trường đều có thể làm được việc nhưng không phải như vậy. Có những người học y khoa rất giỏi nhưng họ không khám được bệnh, họ thiếu nhạy cảm nghề nghiệp.

Tôi đã từng chứng kiến người bạn của mình học rất giỏi, thuộc ‘top’ điểm cao nhất tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội nhưng khi ra trường lại không làm được việc. Cứ hỏi đến vấn đề gì thì họ lại làm như giáo trình, mà chỉ có người bệnh chứ không có căn bệnh.

Những học sinh muốn theo học y khoa thì cần được các chuyên gia tư vấn. Trong quá trình học thì nên cần sự đào thải. Nhiệm vụ giáo viên là chỉ ra cho sinh viên biết được những điểm mạnh, điểm yếu của họ để có bước đi hợp lý.

Anh đã dạy các học viên của mình như thế nào?

- Trong y khoa có ba bài giảng là tay, tâm, trí nhưng bài giảng về tâm chiếm 50%. Vì kiến thức rộng lớn, không thể nào dạy được, có học cả đời cũng không hết nhưng phải dạy con người ta cách làm người.

Tôi thấy mình từng sai khi giảng cho các học viên. Tôi nói đến đâu là họ chăm chú ghi chép tới đó như vàng ngọc. Hoá ra cách dạy đó đã vô tình triệt tiêu đi tính sáng tạo của các em.

Phương pháp của tôi không phải là nhồi vào đầu học viên nhiều kiến thức mà là dạy người ta con đường đi tới vấn đề đó, tiếp cận nó như thế nào?

Tôi dạy học viên từ cách đi, cách ăn nói, cách đọc sách… để họ tự tổng hợp kiến thức, biết thiếu, biết đủ và biết cái gì cần tìm tòi.

Đạo đức và cách làm người được đưa lên quan trọng nhất. Đưa ra mục tiêu và hoàn thành nó thì thành công sẽ tới.

Điều tốt nhất và tồi tệ nhất anh chứng kiến trong ngành y là gì?

- Thành công lớn nhất với ngành y là cứu được nhiều bệnh nhân và mang lại cuộc sống cho họ.

Với tôi, sự thất bại lớn nhất của nhân viên y tế là nhìn thấy bệnh nhân chết mà không làm được gì, nhất là bệnh nhân là trẻ con. Bệnh viện nào hôm đó có đứa trẻ tử vong thì cả tuần cả khoa mất ăn mất ngủ.

Như vậy, không phải những sai sót trong ngành y là điều tồi tệ nhất?

- Tôi không cho rằng những sai sót trong ngành y là thất bại lớn nhất. Vì trong cuộc đời của mỗi con người đều có những sai lầm.

Trong ngành y, các thế hệ đi trước đều dạy thế hệ đi sau rằng, chỉ khi nào không làm việc thì mới không sai. Sự thất bại, sai lầm luôn luôn là những bài học quý giá và là bài học đi tới thành công.

Tuy nhiên, ngành y có sự kiểm soát nhau, chuyện sai lầm mà xã hội quy kết nhiều là do họ không hiểu.

Anh có thể giải thích rõ hơn sự kiểm soát lẫn nhau trong ngành y?

- Nếu bệnh nhân nhập viện sau 3 ngày điều trị mà không có kết quả thì lãnh đạo và các bác sĩ trong khoa sẽ đặt câu hỏi ngay trong buổi giao ban.

Khi đó, các bác sĩ khác trong khoa và lãnh đạo khoa cũng vào cuộc nghiên cứu và hội chẩn. Chúng tôi bỏ ăn bỏ ngủ, đêm hôm đi hội chẩn là chuyện bình thường.

11

Anh chia sẻ, y học thực sự là lao động của tình yêu. Điều đó được anh thực hành như thế nào?

- Tôi đang theo xu hướng giảm nhẹ nỗi đau tinh thần mà cả thế giới đang đi. Tôi nhận ra, người bác sĩ không phải là người chỉ mang thuốc cứu chữa bệnh nhân mà còn làm thế nào để người bệnh cảm thấy thanh thản. Tôi cố gắng làm điều đó hằng ngày và đã cứu giúp được khá nhiều người.

Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện anh giúp được người bệnh theo xu hướng giảm nhẹ nỗi đau tinh thần?

- 27 Tết năm kia, tôi đến gặp một bệnh nhân đang trong tình trạng khó thở, nguy cơ tử vong cao và chị ấy đang rất hoảng sợ.

Tôi ngồi xuống giường, nắm tay chị ấy và nói: Chị cũng là nhân viên y tế như em, em đến đây với chị, chị hãy yên tâm, em sẽ giúp chị đỡ đau đớn và ăn Tết ngon.

Rồi tôi ngồi trò chuyện, giải thích cặn kẽ nguyên nhân dẫn tới việc chị khó thở. Không ngờ, chị không chỉ ăn Tết đó ngon mà còn sống thêm được gần một năm nữa trong sự vui vẻ và thanh thản.

Sau đó chị ấy nói lại, chỉ ngay từ hành động tôi ngồi xuống giường, nắm tay nói câu đầu tiên, chị đã cảm nhận được nhiều điều, tiếc là chị đã hết một đời làm nhân viên y tế nữa nên chị đã không làm được như em.

Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình mà ở đó chúng ta phải biết chấp nhận cái chết. Khi bệnh nhân không còn sợ cái chết nữa thì họ ra đi sẽ thanh thản.

Khi ai đó bị bệnh, không chỉ riêng họ thấy mệt mỏi mà cả người nhà của họ cũng hoang mang, lo lắng. Anh đã có sự tư vấn như thế nào với người nhà bệnh nhân?

- Tôi luôn luôn đặt mình vào bệnh nhân và người nhà của họ để chia sẻ và động viên tinh thần cho họ.

Tôi truyền niềm tin tới họ. Cuộc đời con người cũng giống như chiếc lá. Chúng ta phải học cách rơi như thế nào cho thật sự có ý nghĩa và mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời. Nếu bệnh nhân và người nhà của họ nghĩ được như thế thì sẽ bớt đi được những điều băn khoăn.

Như vậy, tình yêu thương và lương tâm của người bác sĩ là điều cốt lõi?

- Trong bộ phim tài liệu ‘Cây cầu niềm tin’, tôi là người viết kịch bản và lời bình.

Bộ phim bấm máy khi tôi đang nước ngoài, mọi người quay các thiết bị y tế, tôi yêu cầu dừng quay, máy móc không thể thay thế được tâm hồn và trái tim con người.

Tôi yêu cầu phải quay thế nào để mỗi động tác bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân có hồn nhất.

Như quay bác sĩ khám cho đứa trẻ thì cái ống nghe chính là sợi dây kết nối giữa bác sĩ và đứa trẻ, phải bắt được khuôn mặt đăm chiêu của bác sĩ.

Lý do vì sao anh chuyển từ ngoại khoa sang làm chẩn đoán hình ảnh? Có phải do bác sĩ ngoại khoa chịu quá nhiều áp lực không?

- Tôi làm bác sĩ ngoại khoa trong 2 năm rồi chuyển sang chẩn đoán hình ảnh vì nghĩ ở đâu có kỹ thuật thì ở đó cần người có trí tuệ.

Có người không bao giờ làm được chẩn đoán hình ảnh vì không có tư duy trừu tượng, khả năng lập luận và nhạy bén vấn đề.

Anh chia sẻ, nhiều lần anh nương náu vào âm nhạc. Anh hay tìm tới âm nhạc vào những lúc nào?

- Tôi thích âm nhạc từ bé nhưng không được tiếp xúc với âm nhạc. Tôi biết, nếu không biết chơi bài bản một loại nhạc cụ thì là là người mù văn hoá, không biết sử dụng máy tính và internet là người mù công nghệ.

Vào những lúc căng thẳng tôi hay mở bản nhạc nào đó nghe. Khi đó, đầu óc tôi thoải mái và làm được nhiều việc.

Tôi làm nhiều công việc cùng một lúc nên cần cần sự tỉnh táo để sắp xếp công việc đan xen nhau. Khi đã thoát ra khỏi trạng thái căng thẳng thì tôi sẽ có những sáng kiến. Có những bản nhạc tôi nghe thành nỗi ám ảnh.

Anh chơi loại nhạc cụ nào?

- Tôi chơi nhạc cụ dân tộc, là sáo.

Âm nhạc đã giúp anh như thế nào trong công việc là một bác sĩ?

- Tôi nghĩ khi mọi người đọc các bài viết của tôi sẽ thấy chất riêng trong từng câu chữ. Có những vấn đề về sức khoẻ, tôi diễn giải bằng cách dễ hiểu, bằng ngôn ngữ văn học.

Ngược lại, có những điều trong văn học, tôi lý giải bằng ngôn ngữ y khoa. Văn học và y khoa đan xen, bổ trợ với nhau sẽ giúp mọi người dễ hiểu hơn.

Âm nhạc và công việc của tôi cũng vậy. Khi ở mức thấp thì có sự khác biệt nhưng càng lên cao thì nó có sự hoà quyện với nhau, có sự giao thoa và gần gũi và tìm thấy điểm chung ở trong đó.

Nếu như nghề y chữa căn bệnh về thể chất thì sáng tạo nghệ thuật chữa căn bệnh về tâm hồn.

Tôi thấy anh là người ưa khám phá những vùng đất mới…

- Con đường thực hành y khoa không bao gồm những chuyến đi, những trang viết hay những tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng chính những trải nghiệm này đã giúp tôi tạo nên một con đường riêng, để mang tình yêu cuả tôi đến với y học và con người.

Tú Anh - Chi Đoàn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO