Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 0
Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 1

Từ năm 2011, những chuyến bay từ Ý được nối dài, đều đặn mỗi năm hai lần, bác sĩ Roberto De Castro và đồng nghiệp của mình đến Việt Nam để trao hy vọng, mang lại cơ hội sống lành lặn cho những đứa trẻ mắc khiếm khuyết bộ phận sinh dục. 

Ông là một trong những người đồng hành với dự án thiện nguyện phẫu thuật cho trẻ em nghèo khuyết tật, với "đại sứ" là mẹ con Thiện Nhân gần 10 năm qua. 

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 2

Năm 2010, tại Bệnh viện Bologna, Ý, bác sĩ Roberto De Castro công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác, và cả sự phát triển cùng với cơ thể.

Cùng lúc đó, chị Mai Anh đang trên hành trình tìm lại bộ phận sinh dục cho cậu bé Thiện Nhân.

“Thiện Nhân bị bỏ lại trên núi sau khi ra đời, bị con thú ăn chân, bộ phận sinh dục, tinh hoàn và con phải chịu thương tật 75%”, chị Mai Anh đi khắp nơi cầu mong điều kỳ diệu xảy đến với cậu bé.

Từ năm 2008, chị bắt đầu sang Thái Lan tìm gặp bác sĩ. Tại đây, các chuyên gia phẫu thuật giới tính hàng đầu nói với chị Mai Anh rằng nên để Thiện Nhân trở thành một bé gái. Nhưng chị đã không hề muốn điều đó xảy ra nên chị lại tiếp tục lên đường.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 3

Sau chuyến đi Mỹ vào cuối năm 2008 đưa Thiện Nhân tới New Hampshire, Chicago, Los Angeles, Hoa Kỳ để làm chân giả và phẫu thuật niệu đạo, cuối năm 2009, mẹ con chị tìm tới Bệnh viện Texas - một trong những bệnh viện nhi hiện đại nhất nước Mỹ để tìm kiếm khả năng phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân.

Các giáo sư, bác sĩ tại Mỹ sau hàng loạt xét nghiệm và hội chẩn đã rất tiếc phải thông báo rằng chỉ có thể hy vọng tạo hình bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân vào năm 14 - 15 tuổi, khi em bắt đầu vào giai đoạn trưởng thành.

Giữa năm 2010, bác sĩ Đinh Tuệ và các bác sĩ khác ở Mỹ biết về câu chuyện của Thiện Nhân đã khuyến khích gia đình chị Mai Anh kết nối với bác sĩ Roberto.

Ngay lập tức, chị Mai Anh nhận được thư hồi đáp từ vị bác sĩ người Ý này. Ông đồng ý phẫu thuật cho bé Thiện Nhân.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 4

Cuối năm 2010, chị Mai Anh đưa Thiện Nhân và con trai lớn của mình sang Ý để thực hiện phẫu thuật tìm lại “con chim xinh xinh” cho chú lính chì.

Trải qua hơn 9 tiếng của cuộc đại phẫu thuật và chưa đầy nửa tháng sau ca mổ, bác sỹ Roberto De Castro đã đồng ý cho Thiện Nhân xuất viện...

Thiện Nhân về Việt Nam đúng mùa nồm ẩm sau Tết Tân Mão năm đó. Vết thương của cậu bị nhiễm trùng. “Con chim xinh xinh giá 1,5 tỷ mà bị thế thì tuyệt vọng lắm. Cả nhà khóc lã chã”, chị Mai Anh nhớ lại.

Chị Mai Anh lại cố gắng mời bác sĩ sang Việt Nam để khám cho Thiện Nhân. Chị thuyết phục: “Bác sang đây đi, Việt Nam là một đất nước mới, tôi sẽ mời bác đi thăm vịnh Hạ Long. Sang đây thăm khám rồi bác sẽ đi du lịch một thể…”

Rồi chị hỏi thêm rằng: 

- Trong trường hợp bác sang đây mà tiện thể, nếu Việt Nam có những em bé khác tương tự như Thiện Nhân, thì bác có khám giúp không?

- Có!

Chị Mai Anh bắt đầu đi tìm hiểu khắp nơi, tìm đến những gia đình có con bị khuyết bộ phận sinh dục. Chị thông báo trên báo chí rằng có bác sĩ sang đây thăm khám, ai có nhu cầu không? Có rất nhiều hồ sơ được gửi về.

"Chú lính chì" Thiện Nhân của hiện tại

Theo lời mời của chị Mai Anh, tháng 8/2011, bác sĩ Roberto sang Việt Nam nhưng thay vì đi thăm Vịnh Hạ Long, ông lại có 110 hồ sơ của các người bệnh đang chờ.

Năm đó, trong 4 ngày, từ 16 đến 19/8, tại Bệnh viện Đại học Y, bác sĩ Roberto đã khám cho 120 trẻ khiếm khuyết bộ phận sinh dục, cả bé trai lẫn bé gái. Và trong 10 ngày lưu lại Việt Nam, ông và đồng nghiệp đã tiến hành 35 ca trong số hơn 110 ca bệnh.

Chẳng nỡ lòng nhìn các bé đã được khám xong mà tình trạng không tốt phải ra về và chưa biết phải đợi chờ đến bao giờ, bác sĩ Roberto sang Việt Nam lần hai. Cái duyên và định mệnh của bác sĩ Roberto với Việt Nam đến tự nhiên và giản dị như thế.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 6

“Việt Nam ban đầu với tôi là Thiện Nhân. Tôi coi cậu bé như con trai mình. Được gặp Thiện Nhân và gia đình thứ hai tuyệt vời của bé là một may mắn lớn với tôi.

Cùng với những thương tổn trầm trọng, tôi đã được chứng kiến trí thông minh, sức sống dạt dào, khả năng thích nghi (di chuyển bằng một chân một cách thật phi thường) của bé Thiện Nhân.

Qua câu chuyện của Nhân, chúng tôi đã biết đến nhiều đứa trẻ khác cũng có hoàn cảnh tương tự, gặp những ông bố bà mẹ đang tuyệt vọng và có cơ hội giúp đỡ họ”, bác sĩ Roberto thổ lộ.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 7

Khoác lên mình bộ trang phục với áo thun đen, quần kaki xám, mái tóc dài xõa ngang cổ, râu quai nón muối tiêu lún phún, nụ cười hiền lành thường trực trên môi, ánh nhìn trìu mến..., bác sĩ Roberto giống một nghệ sĩ nhiều hơn là một bác sĩ tiết niệu hàng đầu thế giới.

Tới giờ làm việc, ông lặng lẽ bước vào hội trường đang huyên náo bệnh nhân chờ thăm khám và tư vấn, bác sĩ Roberto cầm micro ôn tồn: “Tôi không dám chắc sẽ chữa trị được cho tất cả bệnh nhi, nhưng tôi hứa sẽ làm tất cả những gì tốt nhất và nhiều nhất cho các cháu”. 

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 8

Rồi ông xòe bàn tay: “Rất tiếc tôi chỉ có hai bàn tay này để đến đây, và chỉ có thể cố hết sức để một ca phẫu thuật tại Việt Nam có giá thành bằng 1/50 ca phẫu thuật tương tự tại châu Âu, châu Mỹ (tức chỉ khoảng 35 triệu đồng).

Chương trình vẫn chưa hoàn tất nhiệm vụ quyên góp tài chính. Tôi mong mọi người Việt Nam hãy chung tay để các bệnh nhi của chúng tôi có được một vé đến trưởng thành”.

Có những ngày phải khám đến 60 đứa trẻ, có những ca mổ kéo dài hàng chục giờ, có những đứa trẻ phải phẫu thuật vài lần nhưng bác sĩ Roberto bảo rằng ông đang thực hiện công việc mà định mệnh trao phó.

Bác Sĩ Roberto không rành tiếng Việt nhưng ông có thể nói rõ ràng: “Chào, không sao đâu!” với những đứa trẻ khiếm khuyết bộ phận sinh dục hoặc bị lộ bàng quang…

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 9

Bác sĩ Roberto bắt đầu công việc của mình với vai trò là bác sĩ phẫu thuật ngoại nhi. Sau đó, ông chuyển sang bác sĩ phẫu thuật tiết niệu nhi, chuyên xử lý vấn đề liên quan đến thận, bàng quang và bộ phận sinh dục.

Những chuyến đi qua các quốc gia Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia… cho ông cơ hội tiếp xúc nhiều trẻ em bất hạnh bị mất bộ phận sinh dục, được hòa chung niềm vui với các bé cũng như gia đình khi tìm lại được thứ đã mất đi đã thôi thúc ông dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu tái tạo bộ phận sinh dục với bé trai và bé gái.

Và Việt Nam là quốc gia tiếp theo ông thực hiện sứ mệnh của mình. Đã gần 10 năm nay, cứ tháng 6 và tháng 11, hành trình “Thiện Nhân và những người bạn” lại chào đón bác sĩ Roberto và các đồng nghiệp sang Việt Nam để giúp đỡ các cô bé, cậu bé kiếm tìm lại phần cơ thể của mình đã bị mất.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 10

“Home” (về tới nhà rồi - PV) - Bác sĩ Roberto đã thốt lên ấm áp như thế khi vừa nhìn thấy chị Mai Anh và cộng sự đón mình tại sân bay Nội Bài – Hà Nội sáng ngày 21/9/2018.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 11

Nói là trở về “nhà” nhưng thực chất bác sĩ Roberto và các đồng nghiệp từ Italy, Mỹ có mặt ở đây để lại bắt đầu 3 tuần làm việc không mệt mỏi, thực hiện phẫu thuật thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho 60 em nhỏ Việt Nam, thăm khám cho hơn 200 em nhỏ trong hành trình "Thiện Nhân và những người bạn - kỳ phẫu thuật thứ 13". 

Trong số những đứa trẻ kém may mắn đó, em thì cần có “con chim xinh xinh” để đi tè, đi học cho bằng chúng bạn, em thì cần quả thận, đứa cần sắp xếp bàng quang vào đúng vị trí...

“Để thực hiện, cần phải tìm bệnh viện phù hợp có ê-kip bác sĩ chăm sóc chuyên sâu, bác sĩ nhi gây mê chuyên khoa giỏi và một đội ngũ bác sĩ tiết niệu/bác sĩ phẫu thuật nhi khoa phù hợp để tiến hành theo dõi. Các bác sĩ đồng nghiệp ấy của tôi cũng có thể tiếp thu kỹ thuật phẫu thuật này mà tôi sẵn lòng chuyển giao.

Nếu có một số lượng lớn trẻ em phải được điều trị, tôi có thể sắp xếp để ở lại trong ba tuần hoặc nhiều hơn, mỗi năm một lần. Về chi phí, vấn đề thật sự phải giải quyết là số lượng trẻ cần điều trị cùng với chi phí cho bệnh viện và các bác sĩ khu vực.

Còn với tôi, một tháng làm việc của tôi sẽ chỉ cần xem xét việc di chuyển, ăn ở và thực phẩm. Vì mục đích tối thượng của tôi là trả một bệnh nhân hạnh phúc về với cuộc sống của mình", bác sĩ Roberto tâm sự.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 12
Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 13
Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 14

Trong suốt 8 năm với 13 lần tới Việt Nam khám và phẫu thuật cho các bé, bác sĩ Roberto không thể nào quên được cậu bé Sơn “bô xanh”.

“Có một cậu bé tên Sơn, hay còn gọi là Sơn “bô xanh” bởi trong nhiều năm liền cậu không thể đi vệ sinh chủ động, phải ngồi trên chiếc bô cả ngày.

Đến giờ, cậu bé đã trải qua 5 ca phẫu thuật lớn, tôi hi vọng mình có thể làm gì đó để cải thiện cuộc sống của bé. Hai năm trước, tôi tặng cho Sơn một chiếc đồng hồ đeo tay màu xanh. Hy vọng lần sau, chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh tốt hơn”, bác sĩ Roberto cười khi nhớ về cậu bé 11 tuổi.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 15

Cuối tuần rồi, Sơn “bô xanh” bước vào phòng mổ, cậu đang trải qua đợt phẫu thuật tiếp theo để hoàn thiện phần đã mất đi.

Trước khi đến Việt Nam, bác sĩ Roberto không nghĩ có nhiều người đang chờ đợi ông đến vậy. “Tôi muốn làm một điều ý nghĩa cho tất cả các em chứ không phải chỉ một vài em”, ông xúc động.

Rồi một trường hợp khác cũng gây ấn tượng mạnh đối với vị bác sĩ người Ý trong những lần sang Việt Nam đó là cậu bé có tên Quang.

Chuyện kể lại rằng, lúc 4 tháng tuổi, bố mẹ đi làm đã đặt Quang nằm ngủ trên võng. Trong lúc vắng cha mẹ, cậu bé vừa mới biết lật bất chợt thức dậy và lật rơi xuống đất rồi cậu bé đại tiện ngay tại đó. Con chó của gia đình đã mò tới ăn phân và … nuốt trọn bộ phận sinh dục của Quang.

"Cuộc sống của cháu từng như địa ngục. Cháu luôn bị bạn bè trọc ghẹo vì khiếm khuyết của mình. Gia đình cháu phải chuyển đến Lâm Đồng, hy vọng không ai biết 'bí mật' kia nhưng không may ở đó lại có một số người quen và họ đã kể mọi chuyện cho những người xung quanh. Cháu lại tiếp tục bị chế giễu"- Quang kể về tuổi thơ đầy nước mắt trong lá thư gửi bác sĩ Roberto DeCastro - người đã trực tiếp phẫu thuật giúp cậu tìm lại niềm tin sống. 

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 16

Tháng 8/2011, Quang được bác sĩ Roberto và đồng nghiệp của chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" khám. Sau đó, cậu nhóc 15 tuổi được mổ lần đầu vào tháng 11 cùng năm. Đến nay, Quang đã thực hiện phẫu thuật 3 lần và đang quá trình hoàn thiện tái tạo bộ phận sinh dục. 

"Bác sĩ là một thiên thần có đôi bàn tay ma thuật và một trái tim vàng. Bác đã cho cháu hy vọng và tin tưởng vào một tương lai tốt hơn. Cháu rất vui và đã sẵn sàng cho những lần phẫu thuật tiếp theo để thực sự trở thành một người đàn ông bình thường", Quang viết cho bác sĩ Roberto.

Có thể Nhân, Sơn, Quang hay nhiều cô bé, cậu bé khác không thể hiểu hết lời bác sĩ Roberto nói, nhưng chúng đều chung cảm nhận được ngôn ngữ không lời xuất phát từ trái tim bác Roberto.

Và chính bác sĩ Roberto cũng cảm nhận được điều đó: “Hay như việc tôi gặp Cẩm Uyên, một cô bé rất ngọt ngào. Khi bé nhìn tôi, cười với tôi, chạm vào tôi, rồi tỏ ra thích tôi, đó là một cảm giác rất đặc biệt. Ở đây, tôi được cảm nhận những tình yêu bé nhỏ như vậy, mà không cần phải giao tiếp bằng lời”.

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 17

Trước đó, bác sĩ Roberto phẫu thuật và tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục như Thiện Nhân bằng cách lấy lớp da ở bụng dưới cuộn lại thành hình dương vật, tạo khoang rỗng, nối các dây thần kinh và các mạch máu li ti từ vùng rốn trở xuống để bơm máu vào giúp dương vật có cảm giác, và dương vật được tái tạo như thật đó sẽ phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể.

Chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" được bắt đầu từ câu chuyện của Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi trong rừng từ khi lọt lòng mẹ, bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân.

Từ những kinh nghiệm chữa trị cho Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi Thiện Nhân), ông Greig Craft (nhà hảo tâm người Mỹ) đã cùng bác sĩ Roberto Decastro thành lập chương trình trên từ năm 2011.

Kể từ đó, nhóm đã phối hợp với các bệnh viện để tổ chức định kỳ khám và phẫu thuật hàng năm cho các em bé không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục hay đường tiết niệu.

Tiếp nối các hoạt động của chương trình, kỳ phẫu thuật thứ 13 sẽ diễn ra từ ngày 20/9 đến ngày 13/10 tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Thông tin liên lạc: Chương trình Thiện Nhân & những người bạn. Địa chỉ: 12B Ngọc Khánh, quận Ba Đình Hà Nội

ĐT: 024 3724 6640; email: [email protected]

Bác sĩ Ý giúp Thiện Nhân và bệnh nhi khiếm khuyết giành 'tấm vé đến trưởng thành’ 18

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO