Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Những biến chứng dễ gặp khi chạy thận nhân tạo

Những biến chứng thường gặp nhất theo thứ tự tần suất là tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn và nôn, nhức đầu, đau ngực, ngứa và sốt ớn lạnh...

  Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vẫn đang tìm nguyên nhân dẫn tới sự cố chạy thận nhân tạo khiến 6 bệnh nhân bị sốc, choáng... 2 trong số 4 bệnh nhân đó phải chuyển ra bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.

Trong buổi họp báo ngày 2/8 về sức khỏe 2 bệnh nhân này, TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho hay: Trong 21 bệnh nhân đang chạy thận tại khoa Nội thận - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thì có 6 bệnh nhân có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, tăng huyết áp, sốt rét run... Đó chính là một số biến chứng trong số các biến chứng của quá trình chạy thận nhân tạo.

Kỹ thuật lọc máu trong chạy thận nhân tạo là kỹ thuật xâm nhập đường máu, có thể gây ra nhiều biến chứng với các biểu hiện khác nhau.

1. Tụt huyết áp:

Tụt huyết áp liên quan đến giảm quá mức hoặc nhanh chóng thể tích máu như: Tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, thời gian chạy thận ngắn, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, tính số ký rút không chính xác hoặc nhầm. Tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch (siêu lọc) mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ.

Hầu hết bệnh nhân sẽ thấy cảm giác chóng mặt, choáng váng, hoặc buồn nôn khi xảy ra tụt huyết áp. Một số bị chuột rút.

Cũng có một số bệnh nhân bị tụt huyết áp có triệu chứng kín đáo, chỉ có thể thấy được bởi nhân viên y tế quen thuộc với bệnh nhân (chẳng hạn mất tỉnh táo, cảm giác tối sầm). Ở một số bệnh nhân, không có triệu chứng nào cho tới khi huyết áp giảm cực thấp (và rất nguy hiểm).

Vì lý do này, huyết áp phải được theo dõi đều đặn trong suốt quá trình chạy thận. Đo huyết áp mỗi giờ hoặc nửa giờ tùy thuộc vào từng trường hợp.

2. Chuột rút:

Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ.

Chuột rút cũng thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau. Hạ magiê máu cũng có thể gây chuột rút kháng trị trong lúc chạy thận. Hạ can xi máu cũng nên được xem như là một nguyên nhân tiềm tàng. Hạ kali máu trước chạy thận sẽ nặng thêm bởi nồng độ kali dịch lọc thường dùng (2 mM) và cũng có thể gây chuột rút.

3. Buồn nôn và nôn:

Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường qui.

Có nhiều nguyên nhân:

- Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp.

- Do hội chứng mất cân bằng.

- Phản ứng màng lọc.

- Liệt ruột ở người bệnh đái tháo đường

- Dịch lọc nhiễm bẩn hoặc có nồng độ các chất không đúng (natri, canxi cao) có thể gây buồn nôn và nôn.

4. Nhức đầu:

Nhức đầu thường gặp trong lúc chạy thận; nguyên nhân thường chưa rõ, có thể là triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng.

Ở bệnh nhân có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng của ngưng cà phê vì nồng độ cà phê giảm cấp tính trong lúc chạy thận. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, nên xem xét nguyên nhân thần kinh (đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông).

5. Đau ngực và đau lưng

Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực (thường ít nhiều có đau lưng kèm theo) là biến chứng chạy thận nhân tạo xảy ra trong 1-4% bệnh nhân chạy thận.

Xảy ra đau thắt ngực trong chạy thận là thường gặp, và phải được chẩn đoán phân biệt với nhiều nguyên nhân đau ngực khác (ví dụ tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim).

  Nếu phát hiện bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị biến chứng cần thông báo khẩn cấp tới bác sĩ.

Nếu phát hiện bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị biến chứng cần thông báo khẩn cấp tới bác sĩ.

6. Ngứa

Ngứa là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân chạy thận, đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận, tuy nhiên, thường gặp là ngứa mãn tính. Không nên bỏ qua viêm gan siêu vi (hoặc do thuốc) như là nguyên nhân tiềm tàng của ngứa.

7. Nhiễm trùng

Nguyên nhân có thể do Catheter lâu ngày, vệ sinh máy kém hoặc nguồn nước không đảm bảo. Hoặc dị ứng hóa chất tiệt trùng màng lọc cũng có thể là nguyên nhân.

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn. Ngoài ra, cần phòng ngừa: Đảm bảo vô trùng khi thao tác kỹ thuật, giữ vệ sinh nơi đặt catheter, không để catheter lâu ngày và rửa sạch màng lọc với nhiều nước.

8. Tạo cục máu đông

Nguyên nhân có thể do vị trí kim tiêm fistule hoặc catheter tĩnh mạch trung tâm có vấn đề.

Cần lưu ý các triệu chứng của biến chứng này bao gồm: Tăng áp lực tĩnh mạch, máy báo TMP; máu đỏ sẫm trong dây máu hoặc trong bầu nhỏ giọt; Fibrin xuất hiện trong bầu nhỏ giọt (dạng “sợi”); Có thể thấy cục máu đông hoặc máu đen vón cục trong bầu nhỏ giọt hoặc quả lọc.

9. Hội chứng mất quân bình

Biến chứng thường xuất hiện trên các đối tượng BUN cao, người lớn tuổi, có tổn thương não trước đó, nhiễm toan chuyển hoá nặng…

Bệnh nhân cần chú ý những triệu chứng điển hình: nhức đầu, buồn nôn, bứt rứt, không yên, huyết áp cao, mất định hướng, động kinh, hôn mê, có thể tử vong…

Ở các thể biến chứng nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định ngưng lọc máu, chống động kinh và giữ thông đường thở, thở máy.

Các biến chứng liên quan đến kĩ thuật

Phải kể đến các biến do kĩ thuật gây ra như chứng tán huyết, thuyên tắc khí, phản ứng của màng lọc…

Nguyên nhân có thể xem xét đến: Đường dây máu ngoài cơ thể bị vặn, xoắn, gấp…; Bơm máu được cân chỉnh không chính xác hoặc hoạt động kém; Áp lực âm quá mạnh trong hệ thống dây máu; Tắc nghẽn trong bơm máu; Khí vào máu theo đường máu về, hoặc catheter trung tâm; Không trang bị cảm biến phát hiện khí; Người bệnh hít vào khi CVC đang mở ra không khí…

Các bác sĩ khuyến cáo: Nếu bệnh nhân thấy các triệu chứng sau, cần báo với nhân viên y tế: Khó thở; Cảm giác nóng/ bỏng rát ở vị trí đường mạch máu hoặc khắp cơ thể; Phù mạch; Đau lưng, nặng ngực, thở nông, mệt, buồn nôn, nhức đầu, hạ huyết áp, thiếu máu cấp, tăng kali máu…

Ngoài ra, các biến chứng khác như đau ngực, đau lưng, nhức đầu… cũng thường gặp khi lọc thận nhưng cần báo với bác sĩ điều trị vì đây có thể là triệu chứng của các biến chứng khác khi chạy thận như: tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim…

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO