Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thực hư ký sinh trùng gây hôi miệng: Đừng vội tin quảng cáo trên mạng

Trên mạng xã hội đăng tải rất nhiều thông tin về ký sinh trùng sống trong cơ thể gây ra hôi miệng, dù vệ sinh răng miệng rất kỹ. Nhưng thực chất đây là những thông tin không chính xác.

  Ký sinh trùng không phải nguyên nhân trực tiếp gây hôi miệng

Ký sinh trùng không phải nguyên nhân trực tiếp gây hôi miệng

Hiện, trên mạng đăng tải rất nhiều thông tin hôi miệng là có ký sinh trùng đang sống trong cơ thể, mặc dù bình thường vệ sinh răng miệng rất sạch nhưng hơi thở vẫn có mùi.

Các trang mạng này còn ghi: “Ký sinh trùng nói chung và ký sinh trùng giun sán nói riêng là một trong những nguyên nhân khiến cho miệng có mùi hôi, nếu để lâu sẽ nguy hiểm vì từ chứng hôi miệng sẽ có thể phát triển thành bệnh lý trầm trọng, có trường hợp được xác nhận tử vong do ký sinh trùng.

Theo nghiên cứu của ngành Ký sinh trùng, ngoài giun sán trong dạ dày còn có rất nhiều các loại ký sinh trùng khác sống trong các bộ phận của cơ thể, chúng vừa phá hủy nội tạng vừa sinh sản và tiết ra những sản phẩm độc hại với cơ thể tạo ra mùi hôi qua đường miệng”.

  Những thông tin không đúng về ký sinh trùng được chia sẻ rầm rộ trên mạng

Những thông tin không đúng về ký sinh trùng được chia sẻ rầm rộ trên mạng

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Đề, Nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, thông tin về ký sinh trùng gây hôi miệng trên các trang mạng là không chính xác, thực tế không có loại ký sinh trùng gây hôi miệng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng như: viêm lợi, viêm quanh răng, sâu răng, mảng bám cao răng… Ngoài ra, bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hở tâm vị… cũng làm cho miệng có mùi hôi.

Ký sinh trùng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây hôi miệng, trong một số trường hợp ký sinh trùng chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra hôi miệng.

Đó là khi ký sinh trùng xâm nhập vào đường tiêu hóa của con người gây ra các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản và dẫn đến miệng có mùi hôi.

Khi cơ thể chẳng may nhiễm phải ký sinh trùng thì chúng có thể xâm nhập vào các cơ quan của cơ thể như xâm nhập vào não, phổi, gan, đường tiêu hóa… và gây bệnh.

Mỗi loại ký sinh trùng lại tấn công vào các cơ quan khác nhau và gây ra các bệnh khác nhau như giun lươn não, ấu trùng sán lợn tấn… công lên não; ấu trùng sán dây chó, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ… tấn công gan; sán lá phổi, giun đũa chó, giun lươn ruột… tấn công phổi…

Có nhiều loại ký sinh trùng nên không thể dùng một loại thuốc, một loại sản phẩm nào đó mà trên mạng quảng cáo là có thể diệt được tất cả các loại ký sinh trùng.

  Thông tin nói về ký sinh trùng gây hôi miệng và dùng một loại sản phẩm có thể diệt được các loại ký sinh trùng

Thông tin nói về ký sinh trùng gây hôi miệng và dùng một loại sản phẩm có thể diệt được các loại ký sinh trùng

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm ký sinh trùng khi có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... hoặc là khi bác sĩ điều trị nghi ngờ ký sinh trùng đi nhầm lên não, da, mắt...

Nếu kết quả xét nghiệm có ký sinh trùng các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp loại bỏ các ký sinh trùng đó.

Thông thường, người bệnh nhiễm bệnh giun sán có những biểu hiện như:

– Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày

– Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu

– Đầy bụng khó tiêu

– Buồn nôn, nôn

– Chán ăn; tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun

– Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn.

– Dị ứng (phát ban, nổi mề đay)

– Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi)

– Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu)

– Trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.

Để phòng các ký sinh trùng gây bệnh cần:

– Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Giữ vệ sinh cá nhân như: cắt móng tay, móng chân  ngắn, sạch.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn.

– Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.

– Vệ sinh môi trường xung quanh. Không phóng uế bừa bãi.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO