Báo Điện tử Gia đình Mới

Báo động chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn thế giới trên 10cm

Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.

Tại Hội thảo Quốc tế về Dinh dưỡng người Việt diễn ra chiều 13/12 ở Hà Nội, GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong những năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta đã cải thiện đáng kể, năm 2017 còn 24,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi và 13,4% suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (so với 59% và 52% năm 1985).

Tuy nhiên, hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.

   GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

 GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng, kiểm soát sức khoẻ, bệnh tật trong các giai đoạn của vòng đời.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng với 3 vai trò chính gồm: Tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khoẻ tốt; Phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; Khôi phục sức khoẻ sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.

Chính vì vậy, đầu tư cho dinh dưỡng xuyên suốt vòng đời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ, để đầu tư hợp lý cả về nhận thức, lẫn hành vi tiêu dùng cho vấn đề dinh dưỡng đang là vấn đề cấp bách của xã hội phát triển.

Các cuộc điều tra dân số, khảo sát về tình trạng sức khoẻ nhân dân cho thấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, như: cải thiện chiều cao, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, sức khoẻ bà mẹ trẻ em được đầu tư đích đáng hơn, tuổi thọ được nâng lên và đã có nhiều giải pháp hiệu quả đối với các dịch bệnh.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì các nguy cơ mới về sức khoẻ đến từ thói quen ăn uống như: ăn uống mất cân bằng, khẩu phần ăn quá nhiều đạm động vật, sử dụng đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dùng nhiều đường tinh luyện dẫn tới bùng phát các bệnh mạn tính không lây (như đái tháo đường, béo phì, tim mạch, ung thư, loãng xương…).

Cùng với đó, các vấn đề về dinh dưỡng của lao động trong các khu công nghiệp, trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời; trẻ em lứa tuổi vàng từ mẫu giáo tới tiểu học cũng chưa được quan tâm đúng mức….

   

 

Cũng tại hội thảo, lần đầu tiên, Đề án Dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù được công bố. Được biết, đây là Đề án dinh dưỡng đồng hành thực hiện các chính sách về dinh dưỡng của Chính phủ.

Đề án kéo dài 10 năm (từ 2018 đến 2028) mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng cách xây dựng thực đơn với năng lượng hợp lý, cân bằng vi chất, đồng thời cung cấp các sản phẩm thích hợp cho mọi đối tượng, từ đó tạo tiền đề cho sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ khi trưởng thành, tăng cường sức khoẻ về thể chất của người lao động, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính không lây, người tập thể dục thể thao, làm giảm nguy cơ bệnh tật, nâng cao hiệu quả luyện tập, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ…

Các giải pháp này cũng góp phần tạo thay đổi có tính bước ngoặt thói quen tiêu dùng, tạo cú hích trong ngành thực phẩm để trở về với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, hài hòa và cân chỉnh dinh dưỡng.

Mục tiêu của Đề án là đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành giúp người Việt có tầm vóc sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới.

   

 

   

 

Các chuyên gia dinh dưỡng trình bày tham luận tại hội thảo.

Mở đầu thực hiện Đề án Dinh dưỡng người Việt là chuỗi các Hội thảo quốc tế để nâng cao nhận thức về các vấn đề dinh dưỡng thông qua vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hội thảo đầu tiên có chủ đề “Dinh dưỡng người Việt” thu hút sự tham gia của chuyên gia quốc tế tới từ Nhật Bản, Canada và nhiều chuyên gia dinh dưỡng uy tín tại Việt Nam. Các bài tham luận sẽ cung cấp cho người tiêu dùng cái nhìn toàn diện về dinh dưỡng lành mạnh, sử dụng thực phẩm tự nhiên, dinh dưỡng học đường và sữa học đường.

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Nakamura Teiji- Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng quốc gia Nhật Bản, chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng Nhật Bản, người tham gia thiết kế chương trình giáo dục về khoa học dinh dưỡng cải tạo tầm vóc, thể trạng của người Nhật Bản và các xu hướng ẩm thực tinh tuý, tốt cho sức khoẻ.

Được biết, trong những năm qua, nhiều sáng kiến dinh dưỡng đã được đưa ra, chung tay thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030, Quyết định số 1340/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia đã được triển khai bài bản và hiệu quả với điểm nhấn nghiên cứu lâm sàng một cách bài bản, khoa học về sản phẩm sữa tươi học đường, đấu tranh để sản phẩm sữa đưa vào trường học phải đạt các tiêu chuẩn về sữa tươi nguyên liệu và chế biến sữa. Ngoài ra, mô hình “Bà mẹ xã hội” cũng giúp hỗ trợ mọi trẻ em nghèo và cận nghèo đều được uống sữa học đường…

Đề án Dinh dưỡng người Việt bao gồm 6 tiểu đề án:

Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời của trẻ.

Nghiên cứu đề xuất phương án cải thiện tình trạng dinh dưỡng và bữa ăn cho trẻ lứa tuổi học đường.

Nghiên cứu, đề xuất phưogn án cải thiện dinh dưỡng cho người lao động, đặc biệt cho nữ công nhân.

Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người cao tuổi.

Nghiên cứu vai trò dinh dưỡng trong phòng chống (béo phì, tiểu đường, loãng xương…) đề xuất các giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho các người mắc các bệnh không lây nhiễm.

Nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện khẩu phần ăn và tình trạng dinh dưỡng cho người luyện tập thể thao.

Các hoạt động trong khuôn khổ Đề án

Nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các dự án, sản phẩm về dinh dưỡng.

Tư vấn xây dựng, cải thiện khẩu phần ăn, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn dinh dưỡng.

Tham gia công tác truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức xã hội, người dân về dinh dưỡng.

Tư vấn, góp ý về chính sách, quy định liên quan đến dinh dưỡng.

Đồng hành, tham gia cùng các Bộ, ban, ngành trong các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO