Báo Điện tử Gia đình Mới

Góc nhìn y khoa vụ 'mổ ruột thừa cắt vòi trứng' ở Hà Tĩnh: Bác sĩ đúng hay sai?

Các bác sĩ Bệnh viện ĐK Hồng Lĩnh, những người đã gặp phải sự cố y khoa mà tôi khẳng định chắc chắn rằng, tất cả các bác sĩ khi gặp tình huống này cũng sẽ rất sợ hãi.

  Bác sĩ Trần Văn Phúc cùng đồng nghiệp đang tác nghiệp chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ Trần Văn Phúc cùng đồng nghiệp đang tác nghiệp chẩn đoán hình ảnh

Theo thông tin người nhà bệnh nhân Trần Thị Hoá ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) phản ánh trên báo chí, các bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) mổ cắt ruột thừa viêm cho bệnh nhân đã tự ý thắt một bên vòi trứng. 

Cụ thể, sau khi cắt mổ ruột thừa cho bệnh nhân, các bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh tiếp tục mổ lại lần 2 ở đây với chẩn đoán sau mổ là chửa ngoài tử cung vỡ phải cắt bên vòi trứng có khối chửa. Một ngày sau, bệnh nhân chuyển đến BVĐK tỉnh Hà Tĩnh và phải mổ lại lần 3 vì chảy máu trong ổ bụng.

Để có thêm góc nhìn đa chiều và khách quan, phóng viên Gia Đình Mới có cuộc phỏng vấn bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội).

Bác sĩ Trần Văn Phúc nói: "Tôi xin chia sẻ với nỗi bức xúc của người nhà, đặc biệt xin được chia sẻ với bệnh nhân là chị Trần Thị Hóa, khi phải trải qua 3 lần phẫu thuật không mong muốn, kết quả sau mổ là vết thương trong bụng với những thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng".

Tóm tắt vụ việc:

Ngày 11/3, chị Trần Thị Hóa (SN 1988) có dấu hiệu đau bụng, được người nhà đưa đến BV đa khoa thị xã Hồng Lĩnh để cấp cứu.

Tại đây bác sĩ chẩn đoán chị Hóa bị viêm ruột thừa, và chỉ định mổ ruột thừa.

14 giờ 30 cùng ngày, chị Hóa được tiến hành mổ. Sau khi mổ, chị Hóa bị chướng bụng, máu ra nhiều và khó thở và được bác sĩ mổ lại lần 2, cắt một bên vòi trứng.

Ngày 13/3, chị Hóa được chuyển ra BV đa khoa tỉnh Hà tĩnh cấp cứu. Bác sĩ đã lấy que thử thai nhưng chỉ hiện lên một vạch, không có thai.

Bác sĩ chẩn đoán chị Hóa bị nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc sau hai ngày mổ nên đã mổ cấp cứu, kiểm tra tất cả ổ bụng, mạc nối rỉ máu, xử lý khâu và rửa ô bụng, đặt dẫn lưu.

  Bác sĩ bệnh viện tỉnh thử thai bằng que và chỉ lên một vạch

Bác sĩ bệnh viện tỉnh thử thai bằng que và chỉ lên một vạch

-Phóng viên: Là một bác sĩ, ông quan tâm và nhìn nhận như thế nào về vụ việc vừa xảy ra ở Hà Tĩnh?

-Bác sĩ Trần Văn Phúc: Tôi chia sẻ với đồng nghiệp, các bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh, những người đã gặp phải sự cố y khoa mà tôi khẳng định chắc chắn rằng, tất cả các bác sĩ khi gặp tình huống này cũng sẽ rất sợ hãi.

Bởi vậy mà qua những thông tin báo chí phản ánh, tôi muốn nhà báo giúp tôi có cơ hội phân tích thật kĩ một số nội dung, với hi vọng những vấn đề tưởng như uẩn khúc sẽ được làm sáng tỏ, nhằm tạo nên sự hiểu biết chung để thu hẹp khoảng cách giữa người bệnh và bác sĩ.

-Vậy ông có cho rằng bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh đã chẩn đoán sai nên không thể chữa khỏi bệnh cho chị Hóa?

-Theo tôi, không ai có thể chẩn đoán đúng và chữa khỏi cho mọi bệnh nhân. Các bác sĩ chúng tôi, dù trước một căn bệnh quen thuộc trong đúng phạm vi chuyên khoa, nhưng không một ai là “siêu nhân” có sức mạnh thần kì để chẩn đoán đúng và chữa khỏi cho tất cả bệnh nhân mắc căn bệnh đó.

Bác sĩ chúng tôi, tất cả chỉ là những con người bình thường, có trách nhiệm giúp đỡ bệnh nhân của mình bằng cách sử dụng những kiến thức và kĩ năng chuyên môn tốt nhất.

Các bậc thầy y khoa luôn dạy học trò: Tất cả các ca phẫu thuật đều tiềm ẩn một số mức độ rủi ro nhất định. Tôi nghĩ lời dạy ấy đã giải thích tất cả. Vì thế mà tôi rất mong người bệnh hiểu và thông cảm cho bác sĩ chúng tôi.

Cụ thể hơn, tôi muốn nhấn mạnh là trong thực hành ngoại khoa, như căn bệnh viêm ruột thừa hay chửa ngoài tử cung vỡ của chị Hóa, đa phần các bác sĩ chẩn đoán và xử trí phù hợp, nhưng vẫn có những lúc bác sĩ chẩn đoán sai, cuộc phẫu thuật có thể gặp trục trặc hoặc bác sĩ mắc phải lỗi kĩ thuật, làm cho người bệnh kết thúc với những vết thương tồi tệ hơn bình thường.

Với bệnh nhân, không phải mọi trường hợp xảy ra rủi ro tai biến, đều có thể khiếu nại đòi bồi thường, thậm chí là kiện cáo bác sĩ vì cuộc phẫu thuật không diễn ra theo cách bệnh nhân muốn.

Nếu bác sĩ đã làm tất cả mọi thứ, mà đặt tình huống những bác sĩ khác vào cùng hoàn cảnh cũng sẽ xảy ra con số xác suất sai sót tương tự, thì đó chỉ là một trong những cách mà diễn biến của căn bệnh có thể xảy ra, người bệnh đành phải chấp nhận xác suất rủi ro.

Ngược lại, nếu bác sĩ để xảy ra sai sót mà không có bác sĩ nào mắc phải trong cùng hoàn cảnh, tức là không tồn tại con số xác suất sai sót được chấp nhận trong thực hành y khoa, thì đó là sai sót không cho phép và cá nhân bác sĩ phải chịu trách nhiệm.

Tôi xin nhấn mạnh, khi sự cố xảy ra chúng ta cần phải xem xét phạm vi sai sót, để xác định đó là sự cố y khoa cho phép, hay là sai sót làm hại bệnh nhân bác sĩ phải trực tiếp chịu trách nhiệm.

-Xin ông giải thích rõ thêm để phân biệt giữa sự cố y khoa cho phép với sai sót làm hại bệnh nhân không cho phép?

-Để dễ hiểu tôi xin bắt đầu bằng một ví dụ phi y tế. Nếu một người nào đó lái xe tự đâm vào bức tường nhà nằm sát mặt đường, thì theo cách suy luận quen thuộc, đó sẽ là tai nạn vô tình.

Nhưng nếu bức tường đó là tài sản riêng, mà chủ tài sản có nghĩa vụ phải tháo dỡ bức tường để tránh cản trở giao thông, chủ bức tường nhận thức được trách nhiệm pháp lý nhưng không thực hiện đúng nó, thì đó không phải là tai nạn vô tình, mà trở thành lỗi của chủ sở hữu bức tường.

Sự cố trong y khoa cũng vậy. Bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh thực hiện ca mổ cho chị Hòa, trong quá trình mổ gỡ dính và phẫu tích, có thể gây đứt mạch máu mạc nối mà không phát hiện ra, sau đó phải mổ lại vì chảy máu đe dọa tính mạng.

Góc nhìn y khoa vụ 'mổ ruột thừa cắt vòi trứng' ở Hà Tĩnh: Bác sĩ đúng hay sai? 2

Thực tế bệnh lí, việc phẫu thuật cắt ruột thừa viêm kèm với cắt vòi trứng có khối chửa, đó là kĩ thuật khó khăn hơn so với thông thường, quá trình phẫu tích có một tỉ lệ xác suất khó tránh khỏi làm đứt mạch máu xung quanh vị trí mổ.

Một nghiên cứu mới nhất ở Mỹ công bố năm 2018, tỉ lệ chảy máu sau mổ nội soi cắt ruột thừa vào khoảng 3%, con số khá cao.

Trong trường hợp của chị Hòa phải mổ lại lần thứ 3 ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, do đứt một mạch máu mạc nối, sẽ được coi là biến chứng đi kèm xác suất chảy máu sau mổ nên có thể thấy trước, đó là sự cố đáng tiếc mà không bác sĩ nào muốn nó xảy ra và người bệnh đành phải phải chấp nhận.

Ngược lại, nếu bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh mổ ruột thừa và cắt vòi trứng ở góc phần tư dưới bên phải ổ bụng, nhưng bằng cách nào đó làm đứt động mạch lách ở góc phần tư trên bên trái, gây chảy máu sau mổ phải phẫu thuật lại, thì đó là hành vi sai sót hoàn toàn vô lí, người bác sĩ được đào tạo bài bản có kĩ năng sẽ không mắc phải, sai sót đó trực tiếp làm hại bệnh nhân nên không được chấp nhận, phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm.

Rất may bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh không mắc phải lỗi nghiêm trọng này.

-Trở lại vấn đề chẩn đoán, liệu có khả năng chị Hòa mắc cả 2 bệnh là viêm ruột thừa và chửa ngoài tử cung vỡ hay không, thưa ông?

-Khả năng chị Hòa cùng một lúc bị viêm ruột thừa và chửa ngoài tử cung vỡ là rất thấp, nhưng vẫn có thể xảy ra. Tôi đã đọc bài báo của Nguyễn Hiền và cộng sự, đăng trên tạp chí JABFM năm 2005 có báo cáo một trường hợp viêm ruột thừa ở bệnh nhân chửa ngoài tử cung, trong phần bàn luận có đưa ra con số thống kê có 22 bệnh nhân tương tự kể từ năm 1960 đến 2005. Những bài báo tương tự, không nhiều nhưng vẫn có, ví dụ như của tác giả Akman MA (1995), Riggs JC (2002), Hazebroek EJ (2008).

Có một tình tiết, là vợ chồng chị Hòa khẳng định trong lần quan hệ tình dục trước đó, có dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, nên không thể xảy ra chuyện có thai.

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy 1696 người uống thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 72 giờ, có 37 người mang thai (chiếm tỉ lệ 2,2%). Như vậy thuốc tránh thai khẩn cấp không tuyệt đối ngăn chặn được có thai.

Vợ chồng chị Hòa cũng cho rằng, khi vào viện chị đang có kinh, nên không thể có thai. Trong thực hành lâm sàng chẩn đoán, ra máu âm đạo là một trong những triệu chứng của chửa ngoài tử cung, dễ nhầm với kinh nguyệt.

Vấn đề mà chị Hòa và chồng đang thắc mắc, là que thử thai trước khi vào viện chỉ một vạch, hCG ở BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là 17,29 UI/L và gia đình tự xét nghiệm ở phòng khám bên ngoài là 13,87 UI/L nên không thể xác định có thai.

Bản chất hCG là một học môn thai kì được sản xuất bởi nhau thai, nó hình thành khi trứng được thụ tinh gắn cố định vào một chỗ và bắt đầu trở thành phôi được nuôi dưỡng, nồng độ tăng gấp đôi sau 72 giờ, thông thường xét nghiệm máu dương tính kể từ ngày thứ 12, xuất hiện trong nước tiểu để que thử thai hiện hai vạch từ ngày thứ 13. Khi nồng độ hCG tăng từ 1000 – 2000 UI/L, thì siêu âm bắt đầu phát hiện được được túi thai rõ ràng.

Khi nồng độ hCG dưới 5 UI/L được gọi là âm tính. Nồng độ trên 25 UI/L cho chẩn đoán dương tính có thai. Từ 5 – 25 UI/L là khoảng tranh tối tranh sáng.

Từ những nguyên tắc trên, dựa theo ngày quan hệ tình dục và ngày kinh cuối cùng, có thể ước lượng tuổi thai, từ đó xác định nồng độ hCG. Trường hợp hCG thấp so với tuổi thai, đó chính là một dấu hiệu để nghĩ đến chửa ngoài tử cung.

Như vậy, trường hợp của chị Hòa, rất có thể chửa ngoài tử cung gây ra máu âm đạo, đồng thời lượng hCG thấp, que thử thai một vạch và siêu âm không thấy khối chửa, vì thế mà bác sĩ không thể chẩn đoán được trước khi phẫu thuật và vợ chồng chị Hòa cũng không nghĩ rằng đã có thai.

Kết quả hCG gia đình tự làm ở phòng khám bên ngoài, kết quả thấp hơn so với BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, cũng có thể giải thích là sau khi mổ loại bỏ khối chửa, thì nồng độ hCG sẽ giảm dần.

Góc nhìn y khoa vụ 'mổ ruột thừa cắt vòi trứng' ở Hà Tĩnh: Bác sĩ đúng hay sai? 3

-Lập luận theo như ông có thể hiểu rằng, chị Hòa có khả năng rơi vào ca bệnh hiếm cùng lúc vừa bị viêm ruột thừa, vừa có thai chửa ngoài tử cung vỡ, bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh cũng đã đưa ra phác đồ xử trí hợp lí. Vậy vấn đề ở đây là khi mổ phát hiện chửa ngoài tử cung, bác sĩ tự ý cắt vòi trứng mà không hỏi ý kiến gia đình bệnh nhân, ông nghĩ sao về điều này?

-Y tế tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều quy định, dù bệnh nhân có thể tin tưởng tuyệt đối vào bác sĩ, nhưng người bệnh vẫn phải được tôn trọng quyền thân thể của họ.

Bởi vậy mà trước khi thực hiện một ca phẫu thuật, từ đơn giản nhất cho đến nghiêm trọng nhất, bác sĩ phải giải thích cho người bệnh bằng miệng với 6 nội dung sau:

  • Chẩn đoán trước mổ.
  • Mục đích và cách thức phẫu thuật dự kiến.
  • Lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật.
  • Các phương pháp điều trị thay thế nếu bệnh nhân không đồng ý mổ.
  • Lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi điều trị thay thế.
  • Lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi bệnh nhân từ chối mọi biện pháp điều trị.

Những lời giải thích của bác sĩ cố gắng dễ hiểu, để bệnh nhân yên tâm phối hợp điều trị, chứ không phải là một bài giảng chuyên môn, nghĩa là không cần đi sâu giải thích những nội dung chi tiết không cần thiết.

Bệnh nhân sau khi nghe giải thích, sẽ kí giấy đồng ý phẫu thuật, hoặc kí bệnh án không đồng ý phẫu thuật, sử dụng các biện pháp điều trị thay thế, hay từ chối mọi phương pháp điều trị mà bác sĩ đề xuất.

Ở tất cả các quốc gia, trong những tình huống khẩn cấp bác sĩ không cần phải chờ đợi sự đồng ý của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bất tỉnh không còn khả năng giao tiếp. Ví dụ một trường hợp chấn thương nặng, bệnh nhân sốc và cần phải mổ không trì hoãn nhằm cứu sống người bệnh, bác sĩ không nhất thiết phải giải thích và chờ đợi bệnh nhân đồng ý.

Trong cuộc mổ cũng thế, như trường hợp chị Hòa các bác sĩ mổ vào ổ bụng thấy khối chửa đang chảy máu, sẽ không có lựa chọn nào khác là loại bỏ khối chửa và cầm máu trong khả năng để cứu sống bệnh nhân.

Hãy thử hình dung, khi gặp tình huống phát sinh trong cuộc mổ chỉ có một sự lựa chọn, nếu bác sĩ dừng lại để ra giải thích cho người nhà, gia đình đồng ý bác sĩ quay lại mổ phải thực hiện quy trình rửa tay mặc áo đi găng 15 phút, cùng với thời giải thích và đi lại khoảng 30 phút nữa, nhiều bệnh nhân sẽ chết vì thủ tục không cần thiết. Và tôi đặt ra giả thiết, khi bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh ra giải thích, người nhà chị Hòa không đồng ý cắt vòi trứng, thì hậu quả sẽ ra sao?

Với những trẻ vị thành niên và người khuyết tật tâm thần cũng vậy, trong giao thức của một cuộc mổ thông thường bác sĩ sẽ giải thích cho người đại diện hợp pháp, sau đó người đại diện kí giấy đồng ý mổ hoặc kí bệnh án.

Nhưng với trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng, hoặc khi trong phòng mổ là những tình huống không còn sự lựa chọn nào khác mà hậu quả nếu không giải quyết theo cách của bác sĩ sẽ dẫn đến cái chết, thì bác sĩ không nhất thiết phải dừng cuộc mổ để giải thích cho người đại diện và chờ họ đồng ý.

Hãy thử tưởng tượng, khi bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa, mổ ra thủng đoạn cuối hồi tràng, sẽ chẳng có quốc gia nào bắt bác sĩ phải dừng cuộc mổ để ra giải thích cho người nhà bệnh nhân đã chẩn đoán trước đó chưa chính xác và cần phải khâu lỗ thủng, chờ đợi người nhà đồng ý mới quay trở vào tiếp tục ca phẫu thuật…

-Xin cám ơn bác sĩ Trần Văn Phúc!

Nguyễn Quyết/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO