Báo Điện tử Gia đình Mới

'Bác sĩ không được phép mắc sai lầm?'

Chia sẻ từ vụ bác sĩ BV Mắt TƯ gác chân lên ghế, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng: 'Xã hội đòi hỏi ở ngành y chúng tôi quá cao. Và khi có sự cố y khoa xảy ra, bao giờ người ta cũng quy lỗi cho một cá nhân’.

bac-si-gac-chan-len-ghe

Tư thế ngồi gác chân lên ghế của bác sĩ Nguyễn Thị Minh (BV Mắt Trung ương) bị bố bệnh nhân quay clip đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua

Câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Thị Minh, khoa Mắt Trẻ em của Bệnh viện Mắt Trung ương, ngồi gác chân lên ghế bị bố bệnh nhân quay clip đăng tải lên mạng xã hội và lan truyền với tốc độ chóng mặt là một ví dụ điển hình cho cách giải quyết khi cá nhân mắc lỗi.

Với tư thế ngồi chưa được đẹp mắt của mình, bác sĩ Minh đã bị không ít người ‘dành tặng’ những lời miệt thị, chê bai… Và hệ quả là bác sĩ Minh bị tạm đình chỉ công tác…

Khi những sự việc xảy ra, người ta chỉ quy lỗi cho bác sĩ mà không đặt câu hỏi hệ thống đang có vấn đề gì bất ổn, làm cho bác sĩ ‘mắc lỗi’ như vậy?

tai-bien-y-khoa2

 Khi tai biến y khoa xảy ra, người ta chỉ quy lỗi cho bác sĩ mà không đặt câu hỏi hệ thống đang có vấn đề gì bất ổn?

Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, với những góc riêng về vụ việc của bác sĩ Nguyễn Thị Minh và câu chuyện cảm động về một bác sĩ nhãn khoa đầy tài năng phải lựa chọn cái chết để thanh minh cho những ‘sai lầm’ không phải của mình.

Bác sĩ không được phép mắc sai lầm?

Đó là một thực tế mà xã hội đòi hỏi ở ngành y chúng tôi quá cao.

Ngay cả ngành công nghiệp hàng không, cũng nhận thấy điều đó là không thể, mà chắc chắn những sai lầm của họ sẽ gây ra hậu quả thảm khốc lớn gấp nhiều lần so với tai biến y khoa.

Và khi những sự cố y khoa xảy ra, bao giờ người ta cũng quy lỗi cho một cá nhân. Điều đó hoàn toàn đúng, bởi lỗi luôn xuất phát từ một việc làm cụ thể.

Cách giải quyết khi cá nhân mắc lỗi, bao giờ cũng bị tạm đình chỉ công tác, sau đó tùy theo mức độ lỗi mà thi hành kỉ luật, từ khiển trách cho đến đuổi việc.

Câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Minh, khoa Mắt Trẻ em của Bệnh viện Mắt Trung ương, vừa bị bố bệnh nhân quay clip phát tán lên mạng Internet, là một ví dụ rất điển hình.

Có thể hành động gác chân cao của bác sĩ Minh chỉ là lỗi ứng xử hoàn toàn cá nhân!

Nhưng tại sao chúng ta không thử đặt ra giả thiết, một nữ bác sĩ còn 2 năm nữa về hưu, ngồi khám cả buổi cho hàng trăm bệnh nhân, lại toàn các cháu bé, cuối giờ bị bố bệnh nhân vào gây sự, rồi chỉ đạo bác sĩ phải khám thế nọ thế kia một cách vô lí, thì điều gì sẽ xảy ra?

Tôi đã khám cho không biết bao nhiêu bệnh nhân ở tuổi chị Minh, thấy đa số họ bị suy van tĩnh mạch chi dưới. Chỉ cần đứng một lúc lâu, hoặc ngồi một chỗ vài tiếng, là cảm giác kiến cắn râm ran và giòi bò trong xương như người nghiện.

Tôi đã khuyên những bệnh nhân của tôi, là ngay cả khi ngồi làm việc, nếu có thể thì cũng nên thường xuyên gác chân cao. Và dù tôi có khuyên hay không, thì những người suy van tĩnh mạch chi cũng sẽ làm việc đó như một phản xạ.

Có rất nhiều lí do như thế, để giải thích cho hành động tại sao bác sĩ Nguyễn Thị Minh gác chân cao khi phải trả lời những câu đôi co gây sự của người nhà bệnh nhân.

Khi đoạn clip đăng tải trên mạng Internet, nó đã lan truyền chóng mặt. Người ta dành những lời miệt thị không chỉ với bác sĩ Minh, mà còn để sỉ nhục giới cả y khoa.

Và hệ quả là bác sĩ Minh bị tạm đình chỉ công tác…

Tại sao chúng ta chỉ quy cho bác sĩ Nguyễn Thị Minh mắc lỗi gác chân là không lịch sự với người nhà bệnh nhân, mà không đặt câu hỏi hệ thống đang có vấn đề gì bất ổn, làm cho chị Minh phải mắc lỗi như vậy?

kham-mat

 Nếu bác sĩ chỉ phải khám 10 - 15 bệnh nhân mỗi ngày thì sẽ không có cảnh bác sĩ gác chân lên ghế và người nhà bệnh nhân không phải bức xúc vì thấy bác sĩ khám qua loa

Tôi đảm bảo rằng, nếu ngành y tế bằng cách nào đó để bác sĩ Minh thay vì khám hàng trăm trẻ mỗi buổi sáng với giá dịch vụ rẻ mạt, thì hãy để bác sĩ Minh khám 10 – 15 trẻ với giá viện phí thật cao như các nước phát triển đang làm, khi ấy bác sĩ Minh sẽ không bao giờ dám gác chân quá cao, người nhà bệnh nhân sẽ không phải bức xúc là bị bác sĩ khám qua loa…

Bác sĩ vì lí do gì đấy để xảy ra sai sót, họ sẽ phải sống trọn đời với cảm giác tội lỗi; trong khi thủ phạm thực sự, nguyên nhân gốc rễ, lại chính là lỗi hệ thống.

Nhưng bệnh viện của chúng ta, sẽ không phải trả giá cho một lỗi cá nhân. Cách đơn giản nhất để giải quyết lỗi, là thay một cá nhân mắc lỗi bằng cá nhân mới. Và như vậy, lỗi chỉ có thể xóa tạm thời chứ không bao giờ được giải quyết thực sự.

Trừng phạt một cá nhân rất dễ, nhưng phát hiện ra lỗi hệ thống dẫn đến cá nhân vi phạm, để từ đó khắc phục, thì mới khó.

Bởi vậy mà tôi rất mong, đến một ngày nào đó, khi nhân viên mắc lỗi, thì lãnh đạo bệnh viện ngay lập tức có mặt bên cạnh với việc làm đầu tiên là động viên và bảo vệ nhân viên, xém xét sự việc cẩn thận, rồi mới thi hành kỉ luật.

tai-bien-y-khoa

Không ít bác sĩ bị đình chỉ công việc khi sự cố y khoa xảy ra, dù lỗi đó không phải của bác sĩ

Và câu chuyện bác sĩ bị đình chỉ công việc

Đúng 21 năm trước, một vụ tai biến y khoa ở Bệnh viện Mắt Trung ương đã giết chết một bác sĩ tài năng tên là Nguyễn Duy Minh.

Câu chuyện bắt đầu vào buổi sáng ngày 16/7/1996. Bác sĩ Minh làm theo y lệnh, anh thực hiện thủ thuật tiêm thuốc Gentamycin và Hydrocortison vào khoang cạnh nhãn cầu 2 mắt cho bệnh nhân Nguyễn Tiến Khê. Chỉ vài tiếng sau đó, bệnh nhân kêu đau nhức mắt trái, rồi không nhìn thấy gì, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu.

Thực sự, bệnh nhân Khê đã phải trải qua những tháng ngày cực kì tồi tệ. Gia đình bệnh nhân đã gây áp lực với bác sĩ Minh, yêu cầu Bộ Y tế phải đuổi việc bác sĩ, cá nhân bác sĩ Minh phải bồi thường thiệt hại 30 triệu đồng.

Thời điểm ấy, một bữa ăn của tôi ở Trường Đại học Y Hà Nội là 750 đồng, sinh viên khá giả ăn nhiều gấp đôi là 1.500 đồng. Chỉ cần 10 triệu là có thể mua được một căn hộ lớn 2 tầng, ở chính khu Giảng Võ.

Tổ 12 lớp Y4C, có tất cả 12 sinh viên, trong đó có tôi. Chúng tôi đi thực tập 2 tháng ở Bệnh viện Mắt Trung ương, khởi đầu là 2 tuần học ở khoa Glocom.

Bác sĩ Nguyễn Duy Minh công tác ở khoa này, là một trong số những người thầy nổi tiếng giỏi chuyên môn, nhiệt tình giảng dạy cho sinh viên. Thầy Minh rất đẹp trai, hiền và khiêm tốn, nên sinh viên chúng tôi ai cũng yêu quý.

bac-si-tran-van-phuc

 Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Tôi thực sự ám ảnh, khi mỗi buổi sáng đến khoa Glocom, lại thấy hình ảnh thầy Minh cả ngày lặng lẽ ngồi nhìn những chồng bệnh án, nhìn những dãy bàn ghế trống. Trước mắt thầy bao giờ cũng có một tập báo nói về vụ tai biến mà thầy giống như một tội đồ.

Thực tế, bác sĩ Minh không phạm phải sai lầm, nhưng bệnh nhân Khê do chính bác sĩ Minh điều trị, nên thầy không thể thanh minh điều đó với bất cứ ai.

Bệnh nhân mất thị lực đã khiến bác sĩ Minh quá đau buồn, nhưng áp lực từ phía gia đình bệnh nhân, cũng như cái nhìn và phản ứng của đồng nghiệp với một tình huống tai biến y khoa, đã khiến bác sĩ Minh rơi vào một kết cục vô cùng bi thảm.

Báo chí và dư luận coi sự việc quá nóng, có lẽ vì thế mà Bệnh viện Mắt Trung ương đã ra một văn bản đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội tạm đình chỉ công tác hướng dẫn sinh viên thực tập, tạm đình chỉ luôn cả cả việc đi tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp của bác sĩ Nguyễn Duy Minh.

Bác sĩ Minh vừa nhận Visa đi Pháp thì cánh cửa cuộc đời đã bắt đầu khép lại…

Hồi 19 giờ ngày 25/11/1996, PGS– TS Tôn Kim Thanh, Viện trưởng Bệnh viện Mắt Trung ương, đã nhận được cuộc điện thoại từ gia đình báo tin, bác sĩ Nguyễn Duy Minh đã thắt cổ tự tử tại nhà riêng.

Bộ Y tế đã cử Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng, nhanh chóng viết báo cáo gửi Chính phủ giải trình về cái chết của bác sĩ Nguyễn Duy Minh.

Bệnh viện Mắt Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tang lễ cho bác sĩ Minh thật chu đáo.

Để tưởng nhớ thầy Minh, cách tốt nhất mà sinh viên chúng tôi có thể làm, là học thật giỏi những điều thầy dạy. Thi tốt nghiệp mắt, cả 12 bạn sinh viên chúng tôi đạt điểm cao đặc biệt, bản thân tôi đạt 10 điểm và tôi đã khóc ngay sau khi ra khỏi phòng thi.

Hà Nội những ngày cuối thu đầu đông năm 1996, thầy Minh và 12 sinh viên của Tổ 12 Lớp Y4C, trong căn phòng lạnh của khoa Glocom Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng tôi đã chia sẻ với nhau bao nhiêu những câu chuyện vui buồn.

Chúng tôi là những sinh viên cuối cùng được bác sĩ Minh giảng dạy, thầy đã dạy cho chúng tôi nhiều lắm, bản thân tôi học được ở thầy rất nhiều điều.

Nhưng chừng đó tình cảm và việc làm, tôi hiểu hơn ai hết, nó không đủ để lấp đầy cái hố đen đang lớn dần trong trái tim thầy Minh...'

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO