Báo Điện tử Gia đình Mới

Cô giáo Montessori tiết lộ cách nói chuyện để trẻ dưới 6 tuổi chịu nghe lời bố mẹ

Vấn đề bắt nguồn từ cách nói, cách truyền đạt của phụ huynh tới trẻ khiến con không muốn lắng nghe hoặc không đủ hiểu ý nghĩa của nó.

BA316925-F683-4EB8-9204-2DAE75A87162

 

Cô giáo Nguyễn Hà Phương là hiệu phó trường ‘Những ngón tay bay – Flying Fingers School’ (FFS) (tại Hapulico Complex, 81 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Nơi đây được biết đến là một trường Montessori ‘tiêu chuẩn’ đầu tiên ở Hà Nội.  Với tôn chỉ giáo dục coi trọng sự khác biệt của trẻ, FFS coi ‘mỗi trẻ là duy nhất’.

Do đó, các hoạt động của trường như xây dựng chương trình học, cách sắp xếp góc học tập, sự chăm sóc của các cô… đều xuất phát từ việc coi trọng sự khác biệt đó.

FFS áp dụng phương pháp Montessori và tích hợp các kỹ năng giúp trẻ phát triển đồng đều 5 giác quan, đồng thời cung cấp cho trẻ một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc trong 5 năm đầu tiên – thời kỳ vàng của cuộc đời.

Từ đây, trẻ sẽ hoàn toàn tự tin về thể chất, tinh thần cũng như kỹ năng cuộc sống để có thể dễ dàng hoà nhập với môi trường.

Cô Nguyễn Hà Phương có bài viết riêng dành cho Gia Đình Mới về việc tương tác với một đứa trẻ như thế nào. Xin giới thiệu bài viết:

---

‘Nuôi 1 đứa trẻ, chúng ta muốn dạy dỗ và bảo vệ nó quá nhiều. Trong nhà, ngoài đường, khi chơi, khi ăn, khi làm gì, đôi mắt của chúng ta cũng nhìn thấy thật nhiều cạm bẫy, thật nhiều bất trắc, thật nhiều thứ cần chỉnh đốn.

Ngẫm lại mà xem, 1 ngày chúng ta cần ngăn cản con những gì, và nhiều như thế nào?

Con đừng vừa ăn vừa trèo như thế

Con đừng có giằng đồ chơi của bạn

Con đừng có chui vào gầm bàn

Con đừng có làm ồn

Con đừng đánh bạn

Con không được nói trống không

…….

Câu hỏi đặt ra: Liệu những thói quen nhắc nhở đó, có tác dụng thực sự?

Một ngày nọ, đang đi trên đường phía Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, bất giác tôi nhìn lên 1 tòa nhà đang xây dở vì bị ấn tượng với 1 băng rôn rất to ‘NÓI KHÔNG VỚI MẤT AN TOÀN LAO ĐỘNG’

Sau đó, tôi cứ ngẫm nghĩ, khẩu hiệu trên, người ta dùng 2 lần phủ định để đưa ra 1 thông điệp khẳng định. Vậy tại sao người ta không đưa thẳng ra thông điệp khẳng định đó: ‘HÃY AN TOÀN LAO ĐỘNG!’

truong-FFS

 

Một lần khác, quan sát 1 cô bé 21 tháng tuổi bê cốc nước thủy tinh đầy, ba cô bé rất nhẹ nhàng nói ‘con sẽ làm vỡ cốc đấy’

Nghe thì chúng ta hiểu, đó là 1 thông điệp cảnh báo, nhưng tại sao ông bố trẻ lại không đưa ra thông điệp thẳng ‘con đi cẩn thận nhé?’

Đó là do thói quen!

Cũng như tiêu đề bài viết này, tôi hoàn toàn có thể nghĩ ngay tới thông điệp ‘ĐỪNG DÙNG CÂU PHỦ ĐỊNH’ thay vì ‘Hãy dùng câu khẳng định’, và để tập 1 thói quen mới, chúng ta cần lựa chọn.

Một ví dụ đơn giản khác là, khi người lớn được đề nghị ‘đừng nói chuyện và trao đổi về con ngựa đó nữa’.

Trong đầu chúng ta vẫn chạy rèn rẹt dữ liệu và hình ảnh về con ngựa. Nhưng chúng ta dùng lí trí và sự kiểm soát để không nói về nó nữa.

Chúng ta làm được vì chúng ta có kinh nghiệm và 1 bộ não phát triển hoàn chỉnh rồi.

Nhưng trẻ con nói chung thì không. Hãy tìm hiểu kĩ hơn xem vì sao?

Trong bộ não của chúng ta có 1 phần đặc biệt phía trước trán, chậm phát triển và hoàn thiện muộn hơn phần não sau.

Mà trong khi, phần não phía trước trán là ‘ông chủ của bộ não’, nó quyết định ‘sự thông minh của não bộ’, nó là ‘vùng số 10 – vùng đặc trưng mang tính con người, cho thấy con người là động vật bậc cao hơn tất cả các loài vật khác’.

Trẻ sơ sinh và trẻ tập đi (0-3 tuổi) chưa phát triển thần kinh trung ương ở trước trán mà đến 3-6 tuổi mới bắt đầu phát triển -> Tiểu học phát triển thêm 1 chút -> Trung học thêm chút nữa.

22555236_1021028091212013

Toạ đàm cô Hà Phương tham gia làm diễn giả về trẻ dưới 3 tuổi 

Phần não trước trán không ngừng phát triển cho đến 20- 21 tuổi. Do đó mà tới tận 17-18 tuổi, đôi khi chúng ta vẫn làm những việc kỳ quái, vì ông chủ của não bộ chưa phát triển xong là thế đấy.

Trở lại với con cái của chúng ta ở thời điểm chưa được 6 tuổi ấy.

Nếu nói ‘đừng chạm tay xuống đất’ -> trẻ lập tức chạm xuống.

Nếu nói ‘không được chạy’ -> trẻ vẫn tiếp tục chạy không ngừng.

Trừ phản xạ, còn tất cả các phản ứng đều được quyết định ở vùng vỏ não trước trán. Vùng này phát triển làm chức năng suy nghĩ về 1 vấn đề và ra quyết định làm hay dừng lại ko làm.

Khi trẻ lớn thêm 1 chút, vùng não này mới ra quyết định đúng được về thông điệp: ok, mẹ bảo không chạy, tức là mình đi bộ.

Những phân tích bên trên cố gắng chỉ ra rằng, ngay cả với người lớn, có bộ não phát triển xong thì thực tế chúng ta vẫn khó xử lý thông tin của các cụm từ phủ định hơn ‘không’/ ‘đừng’.

Chưa kể, việc sử dụng các cụm từ phủ định đó khiến chúng ta mất gấp đôi thời gian để xử lý, để suy luận ra thông điệp chính, nghĩ mà xem!

Vậy thì tôi tha thiết mong, cả tôi và các bạn, những người đọc được bài viết này, mỗi ngày đều rèn luyện thói quen mới.

Thay vì nói trẻ con/người khác KHÔNG LÀM GÌ! Hãy nói điều mà mình muốn chúng/họ LÀM.

Không được chạy -> Con ơi đi bộ

Đừng trèo lên bàn -> Bàn là để ăn cơm/ chân đi dưới đất/ cầu thang để trèo

Đừng đánh em -> Con nhẹ nhàng với em thôi

Anh đừng có về nhà muộn nữa -> Mai anh về sớm nhé

Anh thờ ơ như gì ấy -> Em cần anh giúp

Những cách nói này sẽ dễ dàng khiến trẻ tiếp thu và ngay cả phụ huynh cũng sẽ không bị căng thẳng, áp lực khi nói con không nghe lời nữa!'

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO