Báo Điện tử Gia đình Mới

Những lưu ý không thể bỏ qua khi chăm trẻ sốt xuất huyết tại nhà

70% bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu không theo dõi sát sao bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

sot-xuat-huyet-tai-nha

Mùa sốt xuất huyết đang đỉnh điểm 

Bác sĩ Chuyên khoa II, Nguyễn Anh Đào - Khoa Nhi (Bệnh viện TƯ quân đội 108) cho biết, sốt xuất huyết do virut gây nên. Muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) là thủ phạm đốt và truyền bệnh.

Khi dịch xảy ra, mọi người đều có thể bị bệnh nhưng hay gặp là trẻ em. 70% bệnh nhân bị sốt xuất huyết có thể điều trị và theo dõi tại nhà.

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ

Sốt: Bệnh thường sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40 độ C, sốt liên tục, kéo dài. Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.

Xuất huyết: Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.

Xuất huyết ngoài da: Biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.

Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài ở trẻ nữ.

Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, đi ngoài ra máu.

Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ.

sot-xuat-huyet-o-tre

Triệu chứng tiêu biểu ở bệnh sốt xuất huyết 

Các xét nghiệm phải làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

Hai xét nghiệm cần phải làm để chẩn đoán ban đầu và cũng để theo dõi diễn tiến của bệnh là Hematocrit (Hct: dung tích hồng cầu) và đếm số lượng tiểu cầu trong máu.

Hct và đếm số lượng tiểu cầu sẽ được thực hiện hàng ngày ở bệnh nhân từ ngày thứ 3 của bệnh: Sự tăng dần của Hct, giảm dần của số lượng tiểu cầu thể hiện bệnh đang diễn tiến nặng, bệnh cần theo dõi sát để có những điều trị thích hợp. Các xét nghiệm khác sẽ được chỉ định khi cần.

Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời

Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

cap-cuu-tre-sot-xuat-huyet

 

Trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cơ sở y tế tuyến đầu có trách nhiệm theo dõi diễn biến tình hình.

Nếu phát hiện người bệnh có các dấu hiệu nguy hiểm như vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc; đi tiểu ít; hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng...

Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng khẩn cấp; cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để xử trí kịp thời, phù hợp.

Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

Khi chưa có chỉ định nhập viện điều trị, cần cho trẻ nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát. Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh sốt xuất huyết thường làm máu bị cô đặc lại. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc.

Để phòng tránh và hạn chế tối đa các diễn tiến xấu của bệnh, nên cho trẻ uống oresol, hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi.

tre-sot-xuat-huyet-cham-n

Trẻ cần uống nhiều nước 

Cho trẻ uống từ từ, vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Cho trẻ ăn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không được ăn no quá.

Trong bệnh SXH, khi sốt cao > 38,5 độ C cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol liều dùng: 10-15 mg/kg 1 lần cách 4-6 h/lần.

Tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt nhóm aspirin vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Hạ sốt đúng cách cho trẻ:

- Khi trẻ sốt từ 38,5 - 390C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần.

-Trường hợp trẻ sốt cao, áp dụng phương pháp vật lý như lau mát cho trẻ. Sau khi cởi bớt quần áo cho thoáng mát, ngâm khăn mặt vào nước ấm, không nóng quá, vắt khô và đắp vào những vùng dễ thấm nước trên cơ thể như nách, bàn chân, bàn tay và háng để làm giảm nhiệt.

ha-sot-cho-tre

 

- Cha mẹ cũng có thể lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật cho trẻ, nhất là trẻ đã có tiền sử sốt cao co giật trước đây.

Đảm bảo việc bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bao gồm:

 - Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại…kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.

- Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ: bệnh sốt xuất huyết được bác sĩ hẹn tái khám mỗi ngày.

Những việc không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết

khong-uong-Asprin

 

Tuyệt đối tránh những tác động không tốt sau đây:

- Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ.

- Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

- Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.

 -Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống được trẻ.

Tuấn Anh /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO