Báo Điện tử Gia đình Mới

12 điều độc hại, rõ ràng chẳng hay ho gì mà người lớn thường làm với trẻ em

Đôi khi chỉ vì quá yêu trẻ, cưng trẻ mà người lớn vô tình làm những việc không tốt cho sự phát triển lâu dài của trẻ. Dưới đây là 12 điều như vậy!

Ép trẻ phải ''ạ''

Nhiều người lớn hễ thấy bé cầm thứ gì trên tay là lấy của bé rồi nói: ''Nào, ạ đi thì bác cho lấy lại''. Dù đây chỉ là hành động trêu đùa, cưng nựng, muốn nghe bé ''ạ'' vì rất đáng yêu nhưng hành động này không đẹp. Sao lại vô cớ lấy đồ của bé rồi bắt bé xin lại?

Ép trẻ phải chào

Luôn luôn giục giã: "Mồm đâu, chào bác đi'', ''À, con không ngoan rồi, thấy bác phải chào ngay chứ...'' Thay vì giục giã, tại sao không chủ động mỉm cười với trẻ và nói: ''Chào con nhé''. Trẻ con sẽ học qua làm gương mà, bé nhất định sẽ học cách chào lại khi bạn chào bé trước.

12 điều độc hại, rõ ràng chẳng hay ho gì mà người lớn thường làm với trẻ em 0

Động chạm vào cơ thể bé

Rất nhiều người lớn có thói quen cưng nựng trẻ bằng cách động chạm vào phần nhạy cảm của bé. Đây là hành vi sai trái, bố mẹ nên tự có cách bảo vệ con mình.

Dạy trẻ nói bậy

Nhiều người có sở thích dạy trẻ nói bậy, sau đó bắt trẻ nhắc lại rồi cười phá lên thích thú. Hành vi cần được chấm dứt, bé sẽ học những điều xấu ngay từ khi còn rất nhỏ.

Nói những chuyện tế nhị với con trẻ

Có những người hay hỏi em bé: ''Thế tối con ngủ với bố hay với mẹ? Thế bố mẹ có ngủ cùng nhau không?'', sau đó cười cười bí hiểm. Như vậy là tự nhiên gieo vào đầu bé những thắc mắc không đáng có.

12 điều độc hại, rõ ràng chẳng hay ho gì mà người lớn thường làm với trẻ em 1

''Mẹ có em là cháu ra rìa''

Đây là câu nói mang tính sát thương rất lớn với trẻ con. Đáng nhẽ, người lớn phải dạy trẻ rằng, dù mẹ có sinh thêm em thì mẹ sẽ yêu hai bé như nhau, thương hai bé như nhau. Có như thế, trẻ mới không tủi thân, mới yêu em, rộng lòng với em. Thực tế đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra vì câu nói ác miệng trên.

Dọa trẻ

''Ăn đi không ông ba bị bắt này'', ''Ngủ đi không chuột cắn này'', ''Không nín đi mẹ gọi công an đấy''... là những câu dọa quá sức quen thuộc của người lớn với trẻ, khiến các bé sợ hãi, ám ảnh và sinh ra tự ti, rụt rè.

''Con hư là bố mẹ không yêu con nữa''

Trẻ thường rất sợ hãi khi nghe câu nói này, thậm chí chúng sẽ cảm thấy bị tổn thương. Hãy để trẻ thấy rằng, khi trẻ không nghe lời, bố mẹ dạy con là muốn tốt cho con, để con thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chứ không phải nếu con không ngoan, bố mẹ sẽ không yêu con nữa, sẽ bỏ rơi con. Bố mẹ là những người yêu và thương con trong mọi hoàn cảnh cơ mà.

''Mày hệt như bố/mẹ mày''

Đây là câu cửa miệng của rất nhiều bậc làm cha mẹ mỗi khi trẻ làm điều gì đó không đúng. Tuy nhiên câu nói này khiến trẻ tổn thương vô cùng. Chưa kể, trẻ sẽ nhìn thấy sự coi thường bố hoặc mẹ trong mắt đối phương. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy không tôn trọng chính bố hoặc mẹ của mình.

12 điều độc hại, rõ ràng chẳng hay ho gì mà người lớn thường làm với trẻ em 2

''Cháu được nhặt ở thùng rác/ bụi chuối... về đó''

Chắc chắn, đứa trẻ nào cũng từng hỏi người lớn rằng ''con đến từ đâu''. Câu trả lời tưởng đùa thế kia có thể khiến trẻ cảm thấy buồn vì nghĩ mình không phải con đẻ của mẹ, chúng sẽ hoang mang vì ''nguồn gốc'' của mình lắm đó.

''Hãy nhìn con người ta xem''

Bất cứ ai cũng cảm thấy ghét và áp lực khi bị so sánh. Trẻ con cũng thế, đừng khiến chúng cảm thấy nặng nề quá nhiều. Mỗi bé đều có những ưu điểm riêng, hãy để chúng có thời gian khám phá và phát triển bản thân. Tạo áp lực không đáng có đôi khi gây ra tác dụng ngược, khiến trẻ chống đối, tìm cách dối trá để bố me thôi không so sánh nữa.

Thạch Thảo/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO